Ngăn hãng công nghệ né thuế

08/04/2021, 16:24

TCDN - Nhiều nước đã lên tiếng ủng hộ Mỹ nâng mức sàn thuế dành cho doanh nghiệp để ngăn các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các công ty công nghệ, tìm đến các thiên đường thuế.

taxhaven-1617844330506718846573

Đề xuất thuế doanh nghiệp tối thiểu được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen công khai ủng hộ đầu tuần này. Bà Yellen cho biết sẽ thúc đẩy ý tưởng này trong nhóm các nền kinh tế G20.

Sàn thuế là gì?

Ý tưởng của Mỹ là nhằm áp một mức thuế tối thiểu chung cho các doanh nghiệp dù họ đặt ở đâu, để ngăn các công ty trốn thuế bằng cách đặt trụ sở ở những nước có thuế doanh nghiệp thấp. 

Đây là "thủ thuật" thường được các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các công ty công nghệ và dược phẩm, áp dụng thời gian qua. 

Hầu hết tài sản của những công ty này đều vô hình như phần mềm, sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế thuốc, giúp họ có thể dễ dàng tái cấu trúc công ty đến các thiên đường thuế.

Dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, Mỹ đã chấp nhận để các công ty trả đóng thuế các khoản thu nhập ở nước ngoài chỉ bằng một nửa so với mức thuế của thu nhập trong nước, thay vì cho phép họ miễn đóng thuế nếu không chuyển lợi nhuận về nước. 

Các gã khổng lồ như Google, Facebook đã khéo léo vận dụng những điều khoản để giảm tiền thuế, trong khi Amazon bị cáo buộc không đóng một đồng thuế nào ở Mỹ.

Trái với người tiền nhiệm, Tổng thống Joe Biden tuần trước đã đề xuất tăng thuế doanh nghiệp lên 28%, áp thuế đối với thu nhập ở nước ngoài của các công ty lên 21% (gấp đôi trước đây), để trang trải cho gói đầu tư hạ tầng và việc làm trị giá hơn 2.000 tỉ USD.

Nhiều doanh nghiệp và chính trị gia Mỹ đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch của ông Biden, cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các công ty. 

Tuy nhiên, việc bắt tay cùng các nước áp sàn thuế sẽ giúp các công ty Mỹ không gặp bất lợi về tài chính ở nước ngoài, mở đường cho họ cạnh tranh ở những lĩnh vực khác như hạ tầng.

Nhiều chông gai

Cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu hoạt động theo cơ chế các nước tham gia vẫn sẽ áp dụng mức thuế của riêng mình, nhưng nếu một công ty đóng thuế ít hơn ở nước ngoài, chính phủ của họ ở quê nhà có thể "phụ thu" để đạt được mức thuế tối thiểu. 

Hiện chưa có mức thuế sàn cụ thể nào được đưa ra nhưng một số ý kiến dự đoán sẽ từ 12,5-21%.

Theo giới phân tích, vấn đề chông gai nhất là thống nhất được một mức thuế tối thiểu. Một mức thuế tối thiểu chung sẽ chấm dứt cạnh tranh về thuế, đồng nghĩa đạp đổ chén cơm của nhiều nước nhỏ vốn thường áp dụng mô hình thuế thấp để thu hút đầu tư.

"Đại dịch [COVID-19] đã thôi thúc thêm mong muốn thay đổi, vì các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang tìm cách tăng thu thuế trong những năm tới" - Bộ trưởng Tài chính Ireland, ông Paschal Donohoe, nói. 

Kinh tế Ireland, một thiên đường thuế, bùng nổ những năm qua nhờ hàng tỉ USD từ nước ngoài và nước này đã phản đối quy định thuế chung của Liên minh châu Âu hơn một thập niên qua.

Một báo cáo của Hội đồng cấp cao về trách nhiệm giải trình, minh bạch và liêm chính tài chính quốc tế để đạt được Chương trình nghị sự 2030 (FACTI) hồi tháng 2-2021 cũng cho rằng tổn thất lớn nhất từ mức thuế tối thiểu đối với các nước có thu nhập trên đầu người thấp là việc các công ty chuyển lợi nhuận và giấu tài sản ở nước ngoài. 

Theo báo cáo, các nước đang phát triển không nên đặt mức thuế tối thiểu quá thấp nếu muốn hưởng lợi từ kế hoạch này.

Thách thức thứ hai là lập một cơ chế để đánh thuế chung, bởi thỏa thuận này sẽ không phải là một hiệp định mang tính ràng buộc. Nhiều chính trị gia Mỹ lo ngại việc Mỹ tăng thuế trong khi nhiều nước không áp dụng mức thuế này có thể khiến nước này "chảy máu" việc làm và lợi nhuận nhiều hơn. 

"Rất dễ để chính trị gia nói rằng họ không thích chuyện các công ty trốn thuế. Nhưng rất khó để xây dựng các quy định để đạt được mục tiêu đó" - Bloomberg dẫn lời chuyên gia luật Robert Kovacev nhận định.

Nhiều nước hào hứng

Các nước lớn và tổ chức quốc tế đã giơ tay ủng hộ ý tưởng của Mỹ. Các nhà đàm phán hi vọng có thể đạt được thỏa thuận giữa 140 quốc gia về áp thuế tối thiểu trong mùa hè này.

"Một thỏa thuận toàn cầu về thuế quốc tế đang trong tầm tay. Chúng ta phải nắm lấy cơ hội lịch sử này" - Hãng tin Reuters ngày 6-4 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định về đề xuất của người đồng cấp Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cũng "lạc quan" mức sàn thuế sẽ chấm dứt tình trạng sàn thuế ngày càng giảm trên thế giới trong những thập niên qua khi các nước cạnh tranh thu hút đầu tư bằng mức thuế hấp dẫn doanh nghiệp.

Ủy ban châu Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế đều tỏ ý ủng hộ trong khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng nói sẵn sàng tham gia thảo luận.

Theo Tuổi trẻ
Bạn đang đọc bài viết Ngăn hãng công nghệ né thuế tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chiến thuật né thuế của Google
Là đại gia có tiếng trong làng công nghệ nổi bật với khả năng kiếm tiềm, Google - cỗ máy tìm kiếm hàng đầu thế giới - lại liên tục phải hứng chịu làn sóng phản đối dữ dội vì trốn thuế.