Chiến thuật né thuế của Google

03/10/2019, 08:35

TCDN - Là đại gia có tiếng trong làng công nghệ nổi bật với khả năng kiếm tiềm, Google - cỗ máy tìm kiếm hàng đầu thế giới - lại liên tục phải hứng chịu làn sóng phản đối dữ dội vì trốn thuế.

Trên thực tế, Google đã khôn khéo lợi dụng một chiến lược “né” thuế có tên gọi “Hai công ty Ireland và Chiếc bánh kẹp Hà Lan”, từ đó ôm trọn cho mình hàng chục tỉ USD. Theo tiết lộ, Google đặt gần như toàn bộ doanh số ở Ireland - nơi có mức thuế doanh nghiệp thấp, giúp gã khổng lồ này phải trả ít thuế hơn tại các nước châu Âu khác.

Bê bối trốn thuế

Từ lâu nay, Google đã trở thành một trong số các ông lớn bị châu Âu - nơi hầu hết các cá nhân và doanh nghiệp bị đánh thuế nặng - đưa vào danh sách đen cáo buộc mức nộp thuế quá thấp. Trong tháng 9-2019, Pháp đã công bố kết quả cuộc điều tra về các giao dịch thuế của Google từ bốn năm về trước.

Google bị châu Âu đưa vào danh sách đen cáo buộc trốn thuế ở nhiều quốc gia.

Google bị châu Âu đưa vào danh sách đen cáo buộc trốn thuế ở nhiều quốc gia.

Theo đó, Google đã không thực hiện việc nộp thuế bắt buộc bằng cách không khai báo toàn bộ hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Pháp. Điều này khiến Google phải chấp nhận chi trả gần 1 tỷ USD cho Chính phủ Pháp, bao gồm 500 triệu USD do cáo buộc về hành vi gian lận thuế, và thêm gần 470 triệu USD để giải quyết các đơn kiện của cơ quan thuế tại Pháp về “thuế bổ sung”.

Chỉ cách đây không lâu, Google cũng bị Anh “sờ gáy” khi có dấu hiệu trốn thuế trong ít nhất 10 năm, bị truy thu hơn 200 triệu USD. Tiếp đó, cơ quan thuế Italy cũng vào cuộc khi kiện Google “né” thuế tại quốc gia này trong giai đoạn 2002-2015, khiến gã khổng lồ phải bỏ ra 300 triệu USD để dàn xếp thỏa thuận với Chính phủ Italy.

Ngoài châu Âu, giới nghị sĩ Australia mấy tuần qua cũng nghi ngờ liệu Google có hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế tại quốc gia này hay không. Văn phòng sở thuế Australia quyết định tiến hành kiểm toán để phục vụ cho cuộc điều trần của Thượng viện nước này. Kết quả cho thấy, Google đạt lợi nhuận rất cao tại Australia trong giai đoạn 2014-2018, thế nhưng số tiền nộp thuế có vẻ... không tương xứng.

Giới quan sát cho rằng, số tiền mà Google chi trả để dàn xếp các cáo buộc trốn thuế thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Sự gian dối của Google khiến công ty này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ở châu Âu. Hàng loạt vụ điều trần trước quốc hội, gia tăng hoạt động kiểm toán cũng như các động thái giám sát chặt chẽ Google được chính phủ nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tiến hành.

Những động thái này nhằm tìm kiếm giải pháp hạn chế tình trạng trốn thuế trên các sản phẩm số, từ đó xây dựng một hệ thống thuế công bằng. Dù vậy, chúng vẫn chưa thực sự khiến Google phải “nói thật, làm thật” khi công ty này đã lách luật rất khéo bằng cách chuyển lợi nhuận ra nước ngoài trong một mạng lưới dàn xếp tài chính phức tạp.

Tận dụng lỗ hổng

Ireland được coi là “hầm trú ẩn” của Google khi gã khổng lồ có công ty mẹ là Alphabet báo cáo gần như toàn bộ doanh số bán hàng ở Ireland - nơi cung cấp cho Google mức thuế doanh nghiệp thấp (12,5%), khiến số tiền thuế phải trả thấp hơn so với ở các nước châu Âu khác.

09b64d54f6141f4a4605

Con số điều tra cho thấy Google trả tiền thuế cực kỳ ít, chỉ chiếm 2,5% trên lợi nhuận ghi nhận ở nước ngoài, so với mức thuế thu nhập chính thức 35% ở Mỹ và 21% ở Anh - thị trường lớn thứ hai của Google. Để đạt được điều này, Google đã sử dụng kẽ hở trong luật pháp Ireland và hệ thống thuế quốc tế để chuyển vào, rồi lại rút ra liên tục (một cách hoàn toàn hợp pháp) lợi nhuận thu được giữa các công ty con của mình tại quốc gia này.

Giới quan sát gọi đây là chiến thuật “chuyển giá”, được tiến hành thông qua giao dịch giữa các công ty con của Google, nhằm chuyển doanh thu đến quốc gia có thuế doanh nghiệp thấp, trong khi phí tổn lại rơi vào quốc gia áp thuế cao.

Một trong những công ty bình phong mà Google sử dụng có tên Google Netherlands Holdings BV đóng trụ sở tại Hà Lan, làm trung gian nhận doanh thu của Google từ một chi nhánh ở Ireland (Google Ireland Limited), sau đó tiếp tục luân chuyển đến Google Ireland Holdings - một chi nhánh khác của Google trên lý thuyết nằm ở Ireland nhưng thực chất có trụ sở quản lý ở “thiên đường miễn thuế” Bermuda. Cơ cấu này được giới quan sát miêu tả bằng cái tên “Hai công ty Ireland và Chiếc bánh kẹp Hà Lan”.

Điều thú vị là, Google Ireland Limited có hàng ngàn nhân viên, làm nhiệm vụ trả tiền bản quyền để sử dụng tài sản trí tuệ và gia tăng phí tổn nhằm tránh những khoản thu nhập có thể dẫn đến thuế.

Trong khi đó, Google Ireland Holdings không có bất kỳ nhân viên nào, mà thuộc quản lý của một công ty luật chịu trách nhiệm thu gom tiền bản quyền vào một nơi có mức thuế thấp như Bermuda, nhằm tránh bị chính quyền Ireland đánh thuế.

Hai cơ sở này tung hứng thuế với nhau thông qua Google Netherlands Holdings BV “kẹp” ở giữa. Nhằm hoàn toán tránh né thuế thu nhập của Ireland, tiền không đi trực tiếp ngay đến Bermuda, mà dừng tại Hà Lan để nhận “kim bài miễn thuế” cho những công ty thuộc EU, chiểu theo luật pháp Ireland.

Khi lợi nhuận của Google đã yên vị tại Bermuda, công ty con của Google sẽ nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để được công nhận là công ty trách nhiệm vô hạn.

Khi ấy, tiền dường như đã được cất giấu một cách an toàn mà vô cùng hợp pháp bởi vì các công ty kiểu này không phải công khai kết quả kinh doanh theo luật Ireland. Nhờ “Hai công ty Ireland và Chiếc bánh kẹp Hà Lan”, các chi nhánh của Alphabet ở nước ngoài đang nắm giữ số tiền gần 50 tỉ USD chưa bị đánh thuế.

Đáng ngạc nhiên, thuế suất trung bình mà Google phải đóng ở thị trường ngoài Mỹ chỉ là 6,3%, trong bối cảnh Google hoạt động chủ yếu tại những quốc gia mà tỷ lệ thuế luôn ở vào mức trên 20%. Chính nhờ mánh khóe “chuyển giá”, lợi nhuận của Google ở nước ngoài tăng nhanh hơn 5 lần, đồng thời Google chịu mức thuế vào thu nhập tại hải ngoại thấp hơn so với bất kỳ đối thủ công nghệ nào như Apple hay IBM.

Yêu cầu cải cách

Từng tuyên bố “không làm điều xấu”, thế nhưng Google đã đi ngược lại tôn chỉ bằng chiến lược trốn thuế tinh vi, cùng cách giải quyết dùng tiền để dàn xếp các cáo buộc. Người dân tức giận về việc Google gần như được miễn thuế trên lãnh thổ nước họ, kêu gọi chính phủ phải tìm biện pháp ngăn chặn chiến lược của Google và thay đổi hệ thống luật pháp.

Trong bối cảnh này, Pháp đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tái cấu trúc thuế, đề xuất đánh “thuế kỹ thuật số” 3% đối với Google theo dự thảo luật GAFA, và nhận được sự hưởng ứng từ nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.

Người dân tức giận về việc Google gian lận thuế, kêu gọi chính phủ phải tìm biện pháp ngăn chặn chiến lược của Google.

Người dân tức giận về việc Google gian lận thuế, kêu gọi chính phủ phải tìm biện pháp ngăn chặn chiến lược của Google.

Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 hồi tháng 8-2019, các nhà lãnh đạo cho biết sẽ hướng đến việc phác thảo một hiệp định toàn cầu về đánh thuế các doanh nghiệp kỹ thuật số trước tháng 1-2020 và thành lập ra một tòa trọng tài nhằm giải quyết các tranh chấp thuế.

Giới quan sát nhận định, toàn bộ hệ thống luật về thuế hiện nay, hoặc vô cùng lỏng lẻo, hoặc đã mất tác dụng. Điều này tạo cơ hội cho các công ty hay tập đoàn lớn tận dụng lỗ hổng vi phạm luật trắng trợn mà không thể xử lý. Để ngăn chặn chiến lược “chuyển giá”, cần thay thế luật bằng một hệ thống phân phối lợi nhuận giữa các quốc gia.

Một mô hình có thể nghiên cứu áp dụng để hạn chế vi phạm của Google ở nước ngoài đến từ nhiều bang của nước Mỹ khi họ dựa trên những khía cạnh như số lượng bán ra hoặc số nhân viên của từng khu vực để áp thuế doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Nhà Trắng đang thúc đẩy dự luật yêu cầu ngân hàng, các bên trung gian và những thực thể tài chính khác nhận biết và lưu giữ hồ sơ về các tài khoản thực tế nhằm không để các đối tượng sử dụng công ty bình phong hay các thực thể pháp lý khác để gian lận thuế.

Tuy nhiên, nhiều chính phủ đã quyết định trì hoãn ý định cải cách các điều luật liên quan đến thuế trong bối cảnh các quốc gia cạnh tranh gay gắt để thu hút cơ hội việc làm và đầu tư nước ngoài do các công ty khổng lồ đa quốc gia như Google mang lại.

Một số quan điểm nhấn mạnh, tiền dàn xếp trốn thuế của Google cũng là một ý tưởng “đáng suy nghĩ” giúp chống đỡ cho nền kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay.

Chưa hết, việc nhiều quốc gia áp dụng các chính sách với những lợi ích về thuế bất công và không minh bạch từ trước đến giờ không dễ thay đổi chỉ trong nay mai.

Đơn cử như vấn đề lỗ hổng thuế ở Ireland, vốn xuất hiện từ những năm 60, vẫn có thể bị khai thác cho đến hết năm 2020, bất chấp động thái “khóa chặt” của quốc hội Ireland. Điều này ám chỉ rằng hoạt động “né” thuế vẫn tiếp diễn, và được dự báo sẽ ngày càng tinh vi hơn, thách thức những cải cách thuế chưa thực sự rõ ràng...

Theo ANTG

Bạn đang đọc bài viết Chiến thuật né thuế của Google tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Doanh nghiệp Hàn Quốc “tố” Google trốn thuế
Hàng tháng doanh nghiệp phải trả chi phí quảng cáo cho Google nhưng không nhận được hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) với lý do đơn vị này tự áp đặt phí quảng cáo phải trên 50 triệu đồng/tháng mới đủ điều kiện xuất hóa đơn.
Trốn thuế, Google bị Pháp phạt gần 1 tỉ euro
Google bị yêu cầu trả gần 1 tỉ euro (hơn 25.000 tỉ đồng) cho chính phủ Pháp vì tội trốn thuế. Quyết định được đưa ra khi các quan chức châu Âu đang tìm cách để hạn chế tình trạng trốn thuế trên các sản phẩm số.