Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, doanh nghiệp có cần?

02/11/2020, 13:18

TCDN - Hàng loạt ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm lãi suất cho vay vào thời điểm hiện tại chưa phải là động lực giúp nền kinh tế phát triển.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.

Mức lãi suất cho vay chỉ 4,5%/năm

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất lần 3 trong năm nay thì hàng loạt ngân hàng tung ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngân hàng HDBank tiếp tục giảm sâu lãi suất của gói Swift SME 5.000 tỷ đồng, dành cho các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có nhu cầu bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các điều kiện tín dụng chuẩn SME của HDBank, lãi suất chỉ từ 6,2%/năm. Thời gian triển khai từ nay đến hết năm 2020. Khách hàng tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ thủ tục xét duyệt hồ sơ nhanh chóng, chuẩn hoá, kết quả nhanh chóng trong ngày cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, Ngân hàng Agribank triển khai gói tín dụng ưu đãi với quy mô lên đến 30.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, từ nay đến hết 30/6/2021 khách hàng vay là Doanh nghiệp nhỏ và được vay tối đa không quá 6 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn giải ngân từ ngày 1/10/2020 đến hết 31/12/2020 và tối đa không quá 12 tháng đối với các khoản vay trung và dài hạn giải ngân từ 1/10/2020 đến hết 31/6/2021. Mức lãi suất 4,8%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 7,5%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.

Đại diện Ngân hàng Agribank mong muốn gói tín dụng ưu đãi lần này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp SME tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh đặc biệt trong giai đoạn toàn xã hội đang bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay.

Ngân hàng VietcomBak lại thực hiện giảm lãi suất cho các khoản vay sản xuất kinh doanh đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể, với khách hàng SME, mức lãi suất cho vay kinh doanh chỉ từ 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 13/10/2020.

Với khách hàng là cá nhân vay vốn kinh doanh, mức lãi suất cho vay sẽ chỉ từ 6,5%/năm. Đặc biệt, khách hàng vay vốn theo sản phẩm Kinh doanh Tài lộc sẽ được áp dụng mức lãi suất ưu đặc biệt ưu đãi chỉ từ 5,7%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 20/10/2020.

Ngoài ra, đối với các nhu cầu vay tiêu dùng như mua nhà, xây sửa nhà, mua xe ô tô… khách hàng có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu tiên. Mức lãi suất này áp dụng cho các khoản giải ngân từ ngày 20/10/2020.

Ngân hàng Shinhan giảm lãi suất từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm cố định 12 tháng; giảm từ 8,3%/năm xuống 7,4%/năm cố định 24 tháng và giảm từ 9,4%/năm xuống 8,0%/năm cố định 36 tháng với khách hàng nhu cầu mua nhà.

Với mục đích mua xe, lãi suất cho vay được giảm từ 7,8%/năm xuống 7,5%/năm cho thời gian cố định 12 tháng; 8,6%/năm xuống 8,0%/năm cho thời gian cố định 24 tháng và giảm từ 9,5% xuống 8,6%/năm cho thời gian cố định 36 tháng.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 19 - 23/10 cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của tổ chức tín dụng có xu hướng giảm so với cuối năm 2019. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,5%/năm.

Theo ông Trương Văn Phước, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trong các tháng cuối năm lãi suất cho vay vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thậm chí có thể giảm nhẹ. Trong bối cảnh thanh khoản đang dư thừa và lãi suất đầu ra giảm, có rất ít khả năng tăng lãi suất huy động.

Giảm lãi suất cho vay chưa tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

Giảm lãi suất cho vay chưa tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

Lãi suất cho vay giảm nhưng chưa tạo động lực cho doanh nghiệp

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV năm 2020, mặt bằng lãi suất huy động-cho vay được kỳ vọng giảm trong Quý IV/2020 và cả năm 2020. Bình quân kỳ vọng chung toàn hệ thống, mặt bằng lãi suất thị trường được kỳ vọng giảm 0,1 đpt trong Quý IV/2020.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách, chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất trong thời điểm hiện nay sẽ ít hiệu quả. Khi dịch bệnh còn tồn tại thì nhu cầu cho một số ngành đặc thù sẽ biến mất dù lãi suất có giảm cũng không tạo được động lực để doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.

Báo cáo Kinh tế Việt Nam quý 3 nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đang cho thấy có nhiều bất cập trong việc thực thi, khi doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn hỗ trợ này phải đáp ứng các thủ tục phức tạp với chi phí lớn, như lập báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tự chứng minh thanh khoản và khả năng trả nợ sau khi cơ cấu lại nợ… Với các thủ tục nói trên, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm cần hỗ trợ nhất, có thể lại là nhóm khó tiếp cận chính sách nhất.

Theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho đến giữa tháng 9 chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ gói 250 nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng này là sự đùn đẩy, sợ trách nhiệm của bộ phận triển khai, khiến tiến độ hỗ trợ bị chậm.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, anh Nguyễn Quang Huy (Đông Anh, Hà Nội) tâm sự: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng. Mặc dù các gói hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thấp nhưng tôi chưa có nhu cầu vay để mở rộng đầu tư kinh doanh vì chưa biết được tình hình trong thời gian tới như thế nào”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết dịch Covid-19 tác động mạnh đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Với các ngân hàng, tác động lớn nhất là cầu tín dụng rất thấp. Mặc dù các ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp, Ngân hàng Nhà nước cũng nới room cho tất cả các ngân hàng có nhu cầu và có khả năng tăng trưởng tín dụng, song số lượng khách hàng có nhu cầu vay vẫn rất ít.

“Dư địa chính sách tiền tệ có thể còn, tuy nhiên việc tính toán dùng vào thời điểm nào và mức độ ra sao cần phải cân nhắc kỹ vì chính sách tiền tệ còn đối mặt với ràng buộc về lạm phát và tỷ giá. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch”, ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, doanh nghiệp có cần? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ngân hàng giảm lương thưởng, lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch.