Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành

07/08/2020, 06:48

TCDN - Theo Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thừa tiền, việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc và không bắt buộc khi gửi tại Ngân hàng Nhà nước sẽ khuyến khích các nhà băng cung tiền ra thị trường.

Lần thứ ba giảm lãi suất

Ngân hàng Nhà nước lần thứ ba trong năm vừa quyết định giảm các loại lãi suất điều hành, khuyến khích cho vay trong bối cảnh tín dụng tăng kém.

Theo đó, từ ngày 6/8, lãi suất áp dụng cho tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng tiền VNĐ là 0,5%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng tiền VNĐ giảm xuống còn 0% một năm.

Đối với mức lãi suất tiền gửi bằng tiền VNĐ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô tại Ngân hàng nhà nước cũng giảm xuống còn 0,8%, tức giảm 0,2 điểm phần trăm.

Riêng đối với mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước cũng giảm còn 0,8% một năm, tương đương mức giảm 0,2 điểm phần trăm.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ 2,8% - thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thừa tiền, việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc và không bắt buộc khi gửi tại Ngân hàng Nhà nước sẽ khuyến khích các nhà băng cung tiền ra thị trường.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm một số lãi suất điều hành như tái cấp vốn hay tái chiết khấu, trần lãi suất tiết kiệm để góp phần giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, hỗ trợ thanh khoản tức thì là giải pháp thiết thực nhất để hỗ trợ doanh nghiệp sống sót qua giai đoạn khó khăn trong khi việc giảm lãi suất cần có độ trễ nhất định.

Thông báo giảm lãi suất của Ngân hàng nhà nước.

Thông báo giảm lãi suất của Ngân hàng nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc hạ lãi suất lúc này chưa hỗ trợ được nhiều cho nền kinh tế. Doanh nghiệp bị tác động tiêu cực vì dịch bệnh chưa tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng không hẳn do lãi suất cao mà vì họ khó đáp ứng được yêu cầu về tài sản đảm bảo hay kế hoạch kinh doanh khả thi trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Chuyên gia cho rằng, hỗ trợ thanh khoản tức thì là giải pháp thiết thực nhất để hỗ trợ doanh nghiệp sống sót qua giai đoạn khó khăn trong khi việc giảm lãi suất cần có độ trễ nhất định.

Lãi suất mua nhà đồng loạt giảm

Quan sát thị trường cho thấy, từ nửa cuối tháng 7/2020 đến nay, lãi suất cho vay mua nhà của các Ngân hàng thương mại có xu hướng giảm rõ rệt.

Trong đó, nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài và nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước (trừ Agribank) là có mức giảm lãi suất sâu nhất.

Cụ thể, tại các ngân hàng nước ngoài như Standard Chartered, UOB, HongleongBank, HSBC và Shinhan Bank, hiện mức lãi suất trung bình các gói vay mua nhà được giới thiệu dao động từ 6,49% - 8,8%/năm trong thời gian từ 1-3 năm.

Các năm sau, lãi suất cộng thêm khoảng 1,5 - 3,9%/năm trên cơ sở lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đến 2 năm; dao động từ 10-10,5%/năm. Kỳ hạn vay thông thường 20-25 năm.

Trụ sở Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Trụ sở Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Trong khi tại Vietcombank, BIDV và VietinBank, lãi suất các gói mua nhà được điều chỉnh giảm 0,2-1%/năm đối với nhiều kỳ hạn từ cuối tháng 7 vừa qua.

Cụ thể, gói vay ưu đãi 12 tháng được BIDV giảm từ 8%/năm xuống 7,8%/năm; gói vay ưu đãi 24 tháng được hạ lãi suất từ 9%/năm xuống 8,8%/năm. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay trung bình ở mức 10,1%/năm và thời hạn vay kéo dài 20 năm.

Tại Vietcombank, lãi suất cũng được giảm từ 8,1%/năm xuống 7,7%/năm với gói vay ưu đãi 12 tháng. Đặc biệt, để đa dạng hóa lựa chọn Vietcombank cũng cung cấp ra thị trường 7 phương án chọn ưu đãi lãi suất để người mua nhà có thể chủ động trong việc tính toán kế hoạch vay vốn.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, Techcombank là nhà băng có mức giảm mạnh nhất đối với các gói vay mua nhà.

Theo đó, ngân hàng này “kích cầu” cho vay mua nhà với kỳ hạn dài 35 năm, ưu đãi năm đầu chỉ 8,29%/năm. Sau ưu đãi, các khoản vay trên 5 tỷ đồng sẽ được áp dụng lãi suất 10,8%/năm để thu hút người vay.

Các Ngân hàng thương mại cổ phần khác như: MB, TPBank, VPBank, VIB cũng đồng loạt áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi 12 tháng trung bình ở mức 7,7% - 10,1%/năm.

Sau thời gian ưu đãi, lãi suất được điều chỉnh rơi vào khoảng từ 11% - 13%/năm.

Thanh Hà
Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Có còn cần trần lãi suất?
Kể từ lần điều chỉnh đầu tiên của trần lãi suất tiền gửi vào giữa tháng 11/2019, sau 5 năm giữ nguyên ở mức 5.5%, mặt bằng lãi suất huy động vốn đã lùi một bước dài về mức thấp nhất trong 20 năm trở lại đây. Với diễn biến vừa qua, liệu quy định trần lãi suất có thật sư cần duy trì?
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 7/2020?
Trong tháng 7, SHB vẫn đứng đầu danh sách những ngân hàng có lãi suất cao nhất với lãi suất tiền gửi lên đến 9,2%/năm, áp dụng cho khoản tiền gửi từ 5 tỉ đồng trở lên tại kì hạn 13 tháng.
Ngân hàng Nhà nước đồng loạt giảm lãi suất
Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, áp dụng từ ngày 13/5 nhằm thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.