Nghệ An: Hình thành các trung tâm dịch vụ lớn về du lịch, tài chính và logistics
TCDN - Trong tương lai, Nghệ An sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ lớn về du lịch, tài chính, logistics ở vùng đồng bằng, ven biển và hải đảo.
UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 2675/QĐ-UBND về việc triển khai “Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Theo đó, Chương trình đã định hướng phát triển cụ thể theo vùng lãnh lãnh thổ.
Đối với vùng đồng bằng, ven biển và hải đảo, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đặc biệt là nhóm ngành dịch vụ ưu tiên và các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh, y tế, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội. Hình thành các trung tâm dịch vụ lớn về du lịch, tài chính, logistics ở thành phố Vinh... Tăng tính kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế khu vực.
Cùng với đó, phát triển các ngành dịch vụ tiềm năng như du lịch, vận tải biển, logistics, hậu cần nghề cá; tiếp tục xúc tiến đầu tư hạ tầng cảng biển tại Khu bến cảng Cửa Lò, Khu bến cảng Đông Hồi, đảm bảo năng lực vận tải, hình thành chuỗi hệ thống dịch vụ logistics chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại.
Đối với vùng trung du, miền núi, tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, đặc thù văn hóa vùng miền, địa phương. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng, khai thác kinh tế cửa khẩu để phát triển dịch vụ phân phối, du lịch. Đồng thời, thực hiện cơ chế chính sách ưu đãi, gắn phát triển dịch vụ với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội cho vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ cách mạng; chú trọng dịch vụ nông lâm nghiệp, dịch vụ phát triển đời sống người dân.
Bên cạnh đó, nhằm cụ thể hoá định hướng nhiệm vụ, giải pháp, xác định nguồn lực nhằm phát triển khu vực dịch vụ theo ngành, vùng lãnh thổ được xác định tại Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thúc đẩy phát triển khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh, qua đó, Nghệ An phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 9% -10%.
Đến năm 2025 cơ cấu dịch vụ chiếm tỷ trọng 42% - 43% trong GRDP tỉnh Nghệ An. Trong giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ phát triển trong kinh tế của tỉnh.
Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có đẳng cấp mang thương hiệu du lịch Nghệ An. Cụ thể:
Đối với lĩnh vực dịch vụ du lịch, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về du lịch và liên quan đến du lịch để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch; tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế.
Phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch theo hướng chất lượng, đồng bộ, trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có đẳng cấp và giá trị gia tăng cao mang thương hiệu du lịch Nghệ An, phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch có thế mạnh của Nghệ An như: Du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa - lịch sử gắn với tâm linh, du lịch sinh thái gắn với văn hóa vùng đồng bào dân tộc và vùng nông thôn, du lịch trải nghiệm. Đồng thời chú trọng phát triển các mô hình sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao, các làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP ở nông thôn cũng như các loại hình du lịch: Công vụ, hội nghị (MICE), vui chơi, giải trí, thể thao, mua sắm, chăm sóc sức khỏe... ở các đô thị.
Cải thiện, phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất các dịch vụ phục vụ du lịch theo hướng chất lượng; từng bước hình thành các tuyến phố đi bộ, phố chuyên doanh phục vụ khách du lịch tại các đô thị Vinh, Cửa Lò; triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, trong đó ưu tiên bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về du lịch cho cán bộ, công chức từ xã đến huyện; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý, điều hành và nhân viên phục vụ tại các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, khu, điểm tham quan, du lịch theo Bộ Tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch, Bộ Tiêu chí ứng xử văn minh trong du lịch đã được ban hành; tăng cường công tác bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch cho người dân.
Giai đoạn trước mắt tập trung cho thị trường khách nội địa và một số nước được Chính phủ cho phép mở cửa để phục hồi hoạt động du lịch sau đại dịch COVID-19. Định hướng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phát triển thị trường tập trung thu hút có lựa chọn các phân khúc thị trường truyền thống có lượng khách gửi lớn, khách có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày.
Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp; triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hợp tác, liên kết phát triển du lịch đã ký kết với các tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch, các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không... các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng để thu hút khách du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ đặt tour, đặt phòng, thanh toán qua các ứng dụng, ví điện tử…
Để thực hiện Chương trình hành động, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, tài trợ quốc tế và nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT chủ trì tham mưu, tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chương trình.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị theo chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và chủ động triển khai thực hiện, lồng ghép các nội dung Chương trình hành động vào nhiệm vụ chuyên môn được giao; đối với các nhiệm vụ cần kinh phí thực hiện, đề nghị các cơ quan chủ trì lập dự toán kinh phí báo cáo UBND tỉnh xem xét phê duyệt để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899