Nghệ An: Mưa lớn kéo dài khiến 1.600 ngôi nhà bị ngập
TCDN - Mưa lớn kéo dài những ngày qua, khiến cho hàng nghìn ngôi nhà, nhất là khu vực miền núi Nghệ An bị ngập nặng và thiệt hại nghiêm trọng.
Từ ngày 25 – 27/9, khu vực Bắc Trung Bộ do chịu ảnh hưởng của Dải hội tụ nhiệt đới nối với tâm vùng áp thấp, sau là Áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và đi vào đất liền nên toàn tỉnh Nghệ An đã có mưa vừa mưa to, có nơi đặc biệt to trong đêm 26, sáng ngày 27/9.
Theo báo cáo nhanh của UBND các huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Thanh Chương, Tương Dương, Diễn Châu, Kỳ Sơn, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Quỳ Hợp, thị xã Thái Hòa, Sở Giao thông Vận tải… mưa lũ đã làm thiệt hại về tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh.
Dù không có thiệt hại về người, nhưng mưa lớn kéo dài đã khiến cho 1.600 ngôi nhà bị ngập (Quế Phong: 215 nhà; Nghĩa Đàn: 06 nhà; Anh Sơn: 60 nhà; Thanh Chương: 23 nhà; Quỳ Châu: 1.080 nhà; Kỳ Sơn: 10 nhà, QuỳHợp: 185 nhà; TX Thái Hòa: 21 nhà). Trong đó, số nhà bị cô lập là 830 nhà (Quỳ Hợp: 685 nhà, Kỳ Sơn: 145 nhà).
Được biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 22 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác. Tính đến ngày 27/9/2023, một số nhà máy thủy điện đang tiến hành vận hành điều tiết mức nước hồ (xả nước) như: Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mô, Bản Ang, Nhạn Hạc A, Châu Thắng, Sông Quang, Hủa Na.
Hiện, tỉnh Nghệ An đang yêu cầu tiếp tục triển khai: Thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 07/CĐ-BCH ngày 25/9/2023 của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT – TKCN và PTDS) tỉnh và công văn số 166/VP- PCTT ngày 27/9/2023 của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp. Chủ động phương án vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở...
Quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò; các tuyến đường giao thông, các ngầm, tràn bị ngập, sạt lở, tiến hành cắm tiêu, cử người trực, gác, cấm đường, phân luồng, hướng dẫn giao thông đi lại để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá,... trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người; tuyệt đối không để người dân có tư tưởng chủ quan trước, trong và sau mưa lũ; đặc biệt quan tâm, giám sát đối với trẻ em sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng.
Kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Ủy ban nhân dân các cấp, các Đoàn thể kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại nặng, gia đình chính sách trong đợt mưa lũ; UBND cấp huyện, xã trích kinh phí dự phòng để hỗ trợ theo quy định; sau mưa, lũ hướng dẫn nhân dân giúp nhau khắc phục thiệt hại về nhà cửa, tài sản, vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, xử lý đảm bảo nước sinh hoạt trong các vùng bị ngập úng; khôi phục sản xuất lúa, ngô, rau màu bị ngập; sửa chữa hạ tầng hư hỏng, khắc phục công trình nước sạch để phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, báo cáo thường xuyên về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899