Nghịch lý và điểm yếu của doanh nhân Việt
TCDN - Không ít ý kiến cho rằng, bản tính “không ưa nhau khi thành công” của doanh nghiệp không chỉ làm hại các doanh nghiệp Việt, mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành và nền kinh tế.
Khó đoàn kết khi thành công
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), nói rằng người Việt Nam nói chung và doanh nhân nói riêng rất đoàn kết trong hoàn cảnh khó khăn.
Nhưng, theo ông Dương, khi các doanh nhân thành công, sự đố kị sẽ thay thế tinh thần đoàn kết.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup, cũng rất trăn trở về tinh thần đoàn kết của doanh nghiệp Việt.
"Tôi rất mong muốn các doanh nghiệp không chỉ Vingroup, Viettel mà các doanh nghiệp Việt Nam mình gắn kết được với nhau để làm việc", Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ về sự liên kết của doanh nghiệp Việt Nam trong một buổi trò chuyện với Chủ tịch tập đoàn Viettel cách đây vài năm.
Ông Vượng lấy ví dụ về các doanh nghiệp Trung Quốc rất gắn kết, hỗ trợ và bảo trợ nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp Hong Kong. Thậm chí họ còn có triết lý "không có doanh nghiệp Hong Kong phá sản", bởi khi một doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đồng hương sẽ giúp đỡ, hỗ trợ.
"Mọi người chỉ nghĩ đến những ngày thịnh mà không nghĩ đến ngày suy, không nghĩ đến ngày trái gió trở trời có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Lúc đấy ai sẽ giúp mình?", Chủ tịch Vingroup thổ lộ.
Bàn về sự liên kết của doanh nghiệp Việt, ông Trần Trung Hưng, Giám đốc Công ty Viettel Post, cho rằng liên kết là yếu tố cực kỳ cần thiết để doanh nghiệp tiến nhanh và tiết kiệm nguồn lực.
“Các doanh nghiệp phải mạnh dạn liên doanh với nhau. Nếu không liên doanh với nhau mà tự mua và cứ kêu gọi vốn để đi mua thì không biết bao giờ mới hoàn thành mục tiêu. Doanh nghiệp công nghệ nên hợp tác với các công ty sản xuất các thiết bị, nhất là tạo ra nhu cầu cho các doanh nghiệp sản xuất”, ông giải thích.
Mặc dù vậy, ông Hưng thừa nhận tính cách của người Việt Nam là rất khó hợp tác khi thành công.
"Khi doanh nghiệp thành công có nhu cầu mở rộng và phát triển, họ sẽ không bắt tay với doanh nghiệp khác mà lập tức sẽ mở doanh nghiệp mới, phát triển sản phẩm để cạnh tranh. Hành vi ấy sẽ khiến thị trường bị chia nhỏ", ông nhấn mạnh.
Hành lang pháp lý, theo ông Hưng, công cụ quan trọng nhất để giảm thiểu tác hại của tâm lý “bất hợp tác khi thành công”. Ông cho rằng chính phủ nên ưu tiên các doanh nghiệp làm ra sản phẩm có giá trị cao.
“Quá nhiều doanh nghiệp sẽ khiến thị trường bị chia nhỏ và không có đủ thị trường để doanh nghiệp phát triển”, ông giải thích.
Và những hệ lụy
Năm 2014, tại diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã thốt lên rằng, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam rất khó gắn kết với nhau.
Nguyên Phó thủ tướng nhớ lại, khi còn làm ở Bộ Thương mại và sau này là Phó Thủ tướng, ông luôn cố gắng tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp, địa phương nhưng rất khó.
“Không biết có phải chúng ta có nhiều người giỏi hay không mà khó liên kết với nhau đến thế?”, ông đặt câu hỏi.
Một điểm yếu nữa của doanh nhân Việt Nam mà ông Vũ Khoan nhắc tới là chữ tín chưa được doanh nghiệp, doanh nhân coi trọng. Xu hướng này, theo ông, có lẽ do truyền thống sản xuất nhỏ, không trọng thương nên chữ tín không thực sự được coi trọng.
Ông lấy một dẫn chứng rất đời thường: “Khi chúng ta vui vẻ nhậu nhẹt thì hay hẹn nhau hôm nào làm cái nọ, cái kia với nhau”,
Thế nhưng, theo Phó thủ tướng, từ “hôm nào”, nếu dịch sang Tiếng Anh là ‘never’, nghĩa là không bao giờ.
Cũng trong sự kiện, doanh nhân Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái - nêu ra một nghịch lý: Một bộ phận giới doanh nhân ở Việt Nam kinh doanh dựa vào mối quan hệ, nhưng lại sẵn sàng cạnh tranh không lành mạnh và nhiễm thói “ghen ăn tức ở” với đối tác, bạn hàng.
Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh Asean (ASEAN-BAC) – ông Đoàn Duy Khương - cũng nhận định hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chỉ vun vén lợi ích cá nhân riêng lẻ, kiểu "mạnh ai người nấy làm" hoặc "làm tất ăn cả".
“Họ chỉ quan tâm đến thương hiệu riêng, sản phẩm riêng, chứ không thấy lợi ích to lớn của việc xây dựng thương hiệu cho ngành hàng”, ông Khương phát biểu.
Vì thiếu liên kết, hoạt động nhỏ lẻ mà các doanh nghiệp Việt Nam, điển hình là các doanh nghiệp gỗ và dệt may, từng phải từ chối nhiều đơn đặt hàng của công ty nước ngoài, bởi năng lực hạn hẹp, công nghệ yếu kém, không thể đáp ứng yêu cầu chất lượng và số lượng của đối tác nước ngoài.
Ngược lại, theo ông Khương, nếu các doanh nghiệp biết kết hợp các thế mạnh của nhau, tạo nên chuỗi giá trị trong từng ngành hàng, đưa ra những sản phẩm uy tín, chất lượng thì chắc chắn trong tương lai không xa, sản phẩm mang thương hiệu Việt sẽ có chỗ đứng trên thị trường thế giới.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899