Người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tăng

31/07/2024, 10:55

TCDN - Tính đến 31/7, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tăng tương ứng lần lượt 7,87%, 7,29% và 1,36% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người tham gia bảo hiểm xã hội tính đến hết 31/7 ước đạt hơn 18,51 triệu người, tăng 7,87% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 16,78 triệu người (tăng 6,55% so với cùng kỳ năm 2023) và bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,73 triệu người (tăng 22,48% so với năm 2023).

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng 7,29% so với năm 2023, ước đạt hơn 15 triệu người. Tính đến 31/7, số người tham gia bảo hiểm y tế ước đạt hơn 92,55 triệu người, tăng 1,36% so với năm 2023.

Về thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, toàn ngành ước đạt 282.809 tỷ đồng, tăng 24.698 tỷ đồng (tương đương 9,57%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chỉ riêng tháng 7/2024 số tiền thu là 42.386 tỷ đồng.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong 7 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong 7 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Để đạt được những kết quả tích cực như trên trong bối cảnh kinh tế vẫn đang có nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác đảm bảo công tác thu và phát triển đối tượng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố tham mưu các cấp ủy, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã linh hoạt các hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các doanh nghiệp chưa đăng ký đóng, đóng chưa đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, kịp thời lập hồ sơ để khởi tố theo quy định.

Đặc biệt, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã chú trọng kiểm tra việc thu tiền đóng của các tổ chức dịch vụ thu, ngăn chặn, phát hiện kịp thời các trường hợp nhân viên nộp tiền chậm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Về nhiệm vụ thời gian tới, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho phù hợp; phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm.

Về công tác thu, phát triển người tham gia cần tăng cường vai trò, hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các cấp, phát huy vai trò người đứng đầu, giao chỉ tiêu, đánh giá, kiểm tra, kiểm điểm… Mặt khác, cần đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên các ứng dụng Internet; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT. Các đơn vị tăng cường phối hợp để đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông , cơ sở dữ liệu của ngành; bảo đảm an toàn thông tin; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả; tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ.

Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, toàn ngành đã và đang triển khai tốt và đều các mặt công tác. Đặc biệt, đảm bảo đầy đủ quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chăm lo an sinh cho người dân... Tuy nhiên, khó khăn, áp lực vẫn còn nhiều, đòi hỏi các đơn vị cần quyết liệt triển khai các giải pháp để đảm bảo tiến độ thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao như: xây dựng, hoàn thiện kịch bản thu, phát triển người tham gia; phát huy mạnh mẽ vai trò Ban chỉ đạo các cấp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức dịch vụ thu…

Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục chủ động phân tích thực tiễn; phối hợp với các đơn vị chuyên môn của bộ, ngành liên quan xây dựng các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hợp lý, khoa học, nhằm mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục hoàn thiện các phần mềm, thúc đẩy thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ; đảm bảo quản lý chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; phát huy hiệu quả thanh tra của cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương.

Trong hệ thống an sinh xã hội thì hệ thống bảo hiểm xã hội giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất. Phát triển bảo hiểm xã hội sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020 cũng đã chỉ rõ: “Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội; Mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phải theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên, bảo đảm công bằng và bền vững của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân”.

Trong những năm qua, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

PV
Bạn đang đọc bài viết Người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tăng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan