Nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước
TCDN - Nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải nộp đầy đủ, kịp thời và phải được đưa vào dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Gần 250.000 tỷ đồng nộp ngân sách trong 5 năm
Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho hay, lũy kế giai đoạn 2016-tháng 7/2021, đã có 183 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.943 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.944 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 183 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa (128 doanh nghiệp) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đạt 30% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 5 tháng còn lại năm 2021 là 89 doanh nghiệp (trong đó còn 88 doanh nghiệp chưa công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa).
Tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020: thoái 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách, trong đó bao gồm số thoái vốn của SCIC tại 136 doanh nghiệp (giá vốn 6.758 tỷ đồng, thu về 37.185 tỷ đồng). Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021: Thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng.
Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, theo Kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm giai đoạn 2021-2025, số phải nộp ngân sách nhà nước từ nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 248.000 tỷ đồng (trong đó thu từ doanh nghiệp do Trung ương quản lý là 200.000 tỷ đồng và thu từ doanh nghiệp do địa phương quản lý là 48.000 tỷ đồng).
Đối với năm 2021, tại Phụ lục giao số thu cho Bộ Tài chính kèm theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 thì số thu từ tiền bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp do Trung ương quản lý là 40.000 tỷ đồng.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 323 tỷ đồng. Số dư tiền mặt tại Quỹ là 1.191 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2021, khi Nghị định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và chuyển nhượng vốn nhà nước được Chính phủ ban hành thì trước khi quyết toán, Quỹ sẽ phải hoàn trả số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp địa phương về ngân sách nhà nước địa phương số tiền dự kiến là 4.600 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn thu Quỹ phải cân đối trong năm 2021 là 44.600 tỷ đồng.
Để giải quyết bài toán sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa trình chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Mục đích Nghị định là hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn thu từ cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Khoản thu này phải nộp đầy đủ, kịp thời và phải được đưa vào dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Quản lý, sử dụng nguồn thu có hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch. Nguồn thu được sử dụng để tái đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hình thành và phát triển các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có tiềm lực tài chính mạnh, quỹ đầu tư lớn của Nhà nước, đồng thời hỗ trợ cho quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và sử dụng cho chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.
Khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quản lý, sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, chuyển nhượng vốn nhà nước thời gian qua.
Thu trực tiếp về ngân sách nhà nước
Theo Bộ Tài chính, Nghị định thể hiện 5 chính sách. Chính sách 1, thay đổi mô hình quản lý nguồn thu về Quỹ hiện nay sang thu trực tiếp về ngân sách nhà nước; phân cấp thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Chính sách 2 quy định cụ thể nội dung nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nộp về ngân sách nhà nước.
Chính sách 3 quy định các nội dung ưu tiên chi từ ngân sách nhà nước cho mục tiêu hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập từ nguồn thu sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Chính sách 4 hoàn trả cho các địa phương các khoản thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc địa phương đã nộp về Quỹ từ ngày Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 có hiệu lực (ngày 1/1/2017).
Chính sách 5 xử lý tồn tại khoản lãi chậm nộp từ khoản thu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định quy định đối tượng áp dụng gồm: các doanh nghiệp cấp 1, doanh nghiệp cấp 2, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước (bao gồm cả người đại diện phần vốn nhà nước), đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan đại diện chủ sở hữu và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an).
Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho bổ sung quy định làm rõ thêm các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng Nghị định này (khoản 3), gồm:
Các Ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua lại bắt buộc theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng được thông qua để thống nhất cách hiểu và áp dụng). Đây là đối tượng Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Các doanh nghiệp do SCIC thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước sau khi tiếp nhận, chuyển giao và thực hiện chuyển nhượng vốn. Nội dung bổ sung này để làm rõ nguồn thu từ chuyển nhượng vốn tại các doanh nghiệp đã chuyển giao được thực hiện theo Nghị định riêng của SCIC, trừ các doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ giao SCIC thực hiện chuyển nhượng vốn (theo khoản 4 Điều 1).
Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp làm chủ sở hữu.
Theo Bộ Tài chính, căn cứ nội dung Chính sách 2 và Điều 2 Luật Ngân sách nhà nước thì nguồn thu về ngân sách nhà nước không bao gồm nguồn thu từ các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập do tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp làm chủ sở hữu (bao gồm cả doanh nghiệp của Đảng) vì các đơn vị này hoạt động chủ yếu không vì mục tiêu lợi nhuận và không phải là đối tượng áp dụng trực tiếp quy định của pháp luật về cổ phần hóa và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Thanh Phương
email: [email protected], hotline: 086 508 6899