Nguy cơ đồng USD lại ngang giá với đồng euro
TCDN - Chưa tới một năm kể từ khi 1 euro đổi 1 USD, khả năng kịch bản USD ngang giá với đồng euro trở thành nội dung của các cuộc thảo luận trên thị trường.
Giá dầu phục hồi gây tổn hại cho nền kinh tế châu Âu, vốn đang diễn biến xấu, và những lo ngại mới về tình hình tài chính của Italy đồng nghĩa với việc những trở ngại đối với đồng euro đang tăng dần.
Đồng euro, hiện đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ đầu năm nay là gần 1,05 USD/euro, đã giảm 3% giá trị so với đồng USD trong quý 3/2023. Dường như đồng euro đã sẵn sàng cho năm giảm giá thứ ba liên tiếp.
Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là đồng USD vững chắc nhờ khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ và tiền mặt hút từ nước ngoài khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hướng tới mức 5%.
Tuy nhiên, nhiều nhân tố từ chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đặc biệt là nguy cơ phải đối mặt với giá dầu cao hơn, có nguy cơ làm suy yếu thêm nền kinh tế vốn đã trì trệ và đồng tiền chung. Đồng euro đặc biệt dễ tổn thương khi giá dầu tăng bởi nhập khẩu ròng chiếm hơn 90% các chế phẩm dầu mỏ ở Liên minh châu Âu (EU).
Jordan Rochester, chiến lược gia G10 FX của ngân hàng đầu tư Nomura, phát biểu: “Giá dầu cao đang đè nặng lên các điều khoản thương mại của Eurozone và nếu giá dầu tăng lên trên 100 USD/thùng, thậm chí lên 110 USD/thùng, chúng tôi nghĩ rằng kịch bản đồng USD ngang giá với đồng euro sẽ khó tránh”.
Giá dầu đã tăng gần 30% chỉ trong quý 3 vừa qua, đạt gần 98 USD/thùng vào tuần trước, khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, siết chặt nguồn cung dầu thô.
Ngân hàng Barclays dự báo giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng trong những tháng tới. Trong khi đó, ngân hàng Nomura dự báo đồng euro sẽ suy yếu xuống còn 1,02 USD/euro vào cuối năm nay, điều này có nghĩa là đồng euro sẽ giảm thêm 3% so với mức hiện tại.
Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu của Morgan Stanley, Jens Eisenschmidt, lập luận rằng, bên cạnh việc phải đối mặt nhiều hơn với các cú sốc năng lượng, Eurozone còn chịu nhiều rủi ro địa chính trị hơn so với Mỹ. Cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nói thêm rằng yếu tố ấy làm tổn hại khả năng cạnh tranh của khối và làm ảnh hưởng đến triển vọng dài hạn của đồng euro.
Ngân hàng Morgan Stanley không cho rằng đồng USD sẽ ngang giá với đồng euro, nhưng vẫn dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục suy yếu xuống còn 1,03 USD/euro.
Đồng euro yếu giúp tăng khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu, nhưng nó cũng làm tăng áp lực về giá do chi phí nhập khẩu cao hơn, làm tăng thêm tác động từ việc giá dầu tăng cao hơn. Điều này cho thấy ECB có thể cần phải chú ý hơn tới tỷ giá đồng euro, dù hiện tại có vẻ ngân hàng này không quá lo lắng.
Khi đồng USD ngang giá với USD vào năm ngoái, lần đầu tiên sau 20 năm, châu Âu đã lao đao. Cuộc xung đột tại Ukraine vừa mới bắt đầu đã làm giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt cho khu vực.
ECB đang nỗ lực thắt chặt tiền tệ và các nhà đầu tư lo lắng lãi suất cao hơn sẽ khiến chính phủ mắc nợ của Italy rơi vào tình trạng khó khăn.
Mặc dù rất nhiều điều đã thay đổi kể từ đó, nhưng sự trượt dốc của đồng euro cho thấy bức tranh vẫn ảm đạm như thế nào, đặc biệt là hiện nay khi lợi suất trái phiếu ngày càng cao đang ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đồng tiền chung châu Âu đã giảm khoảng 6% so với mức đỉnh 1,13 USD/euro được ghi nhận vào tháng 7.
Hiện tại, các nhà phân tích cũng tỏ ra hoài nghi về kịch bản USD ngang giá với đồng euro. Dự báo trung bình trong một cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy đồng euro sẽ tăng lên 1,08 USD/euro vào cuối năm nay.
Một điểm cần lưu ý là đồng euro càng suy yếu lâu thì nó càng có nguy cơ dẫn đến lạm phát . Mặc dù ECB không có mục tiêu về tỷ giá tiền tệ nhưng họ thường để mắt đến thị trường ngoại hối và nhận thức được tác động có thể có đối với giá tiêu dùng.
Stephen Jen, Giám đốc điều hành tại Eurizon SLJ Capital, nhận định sự yếu kém hiện tại ở nền kinh tế châu Âu và Trung Quốc, cùng với sức mạnh vững chắc của nền kinh tế Mỹ, là công thức khiến đồng USD tiếp tục mạnh lên và đồng euro tiếp tục yếu đi.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899