Nguy cơ khủng hoảng sau khi Thủ tướng Italy từ chức

06/12/2016, 09:47

TCDN - Thủ tướng Matteo Renzi từ chức sau khi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp, đẩy Italy vào một cuộc khủng hoảng chính trị. Kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý cho thấy người dân không ủng hộ dự luật cải cách hiến pháp do chính phủ khởi xướng.

Sự bất lực của ông Renzi.

Trên lý thuyết, cuộc trưng cầu này để bày tỏ sự đồng ý hay phản đối về những đề nghị sửa đổi Hiến pháp - trong đó có việc cải tổ Quốc hội, chỉ còn giữ lại quyền lập pháp cho Hạ viện trong khi Thượng viện giảm số nghị sĩ từ 315 xuống còn 100 và không còn quyền lập pháp. Nhưng trên thực tế, đây là một dịp để bày tỏ thái độ đối với Chính phủ hiện hành nói chung và đối với đương kim Thủ tướng Italy Renzi nói riêng. Ông Renzi nói cải tổ sẽ rút ngắn được quá trình làm luật rườm rà của Italy, quốc gia có tới 60 chính quyền từ năm 1948. Phe đối lập nói đề nghị này sẽ tập trung quá nhiều quyền lực vào tay thủ tướng.

Ông Renzi thừa nhận chiến dịch phản đối các đề luật sửa đổi Hiến pháp đã giành được chiến thắng “đặc biệt rõ rệt” trong cuộc bỏ phiếu mà ông đánh cược bằng tương lai của mình. Việc ông Renzi, 41 tuổi, phải rời bỏ quyền lực sẽ đẩy Italy vào một thời kỳ bất ổn chính trị và hỗn loạn kinh tế mới. Với việc đồng euro giảm sâu trước thông tin về việc ông Renzi từ chức, tình trạng thị trường tiếp tục rối loạn là không thể tránh được, ít ra là trong ngắn hạn. Một số nhà phân tích lo ngại một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn niềm tin của các nhà đầu tư có thể phá hỏng kế hoạch cứu trợ các ngân hàng mắc nợ lớn của Italy, gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng ở khu vực đồng euro.

Sau cuộc bỏ phiếu Brexit (nước Anh rời Liên minh châu Âu) và chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cuộc trưng cầu ý dân ở Italy được coi là một chiến thắng nữa của phong trào dân túy và là bàn đạp để Phong trào 5 Sao tiến tới giành chính quyền. Chiến dịch này cho thấy sự bất mãn của dân chúng đối với chính phủ Italy.

Quyết định từ chức của ông Renzi sau 2 năm rưỡi cầm quyền là một cú sốc đối với Liên minh châu Âu (EU), vốn đang quay cuồng trước hàng loạt cuộc khủng hoảng và đang phải cố gắng đánh bại lực lượng phản đối liên minh đang nổi lên mạnh mẽ trong năm nay. Đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tháng qua so với đồng USD, khiến các thị trường lo ngại rằng sự bất ổn ở nền kinh tế lớn thứ ba EU này có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính và giáng một đòn chí mạng vào lĩnh vực ngân hàng yếu ớt của Italy.
Theo Báo Hải quan

Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ khủng hoảng sau khi Thủ tướng Italy từ chức tại chuyên mục Dòng vốn FDI của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899