Nguy cơ ngân sách phải 'gánh nợ' lớn tại Ngân hàng Phát triển VN - VDB
TCDN - Thay mặt Chính phủ đứng ra giải ngân nguồn vốn khổng lồ, cấp thiết, quan trọng nhưng Ngân hàng Phát triển VN - VDB khi hoạt động để lại nhiều hệ lụy, sai phạm.
Hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được miễn nộp thuế và các khoản ngân sách; được nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý và bảo lãnh thanh toán... Song kể từ khi thành lập, Ngân hàng Phát triển VN (VDB) “dính” hàng loạt sai phạm trong cho vay, nợ xấu lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Siêu ngân hàng” cơ chế ưu đãi
Được thành lập từ năm 2006, VDB là ngân hàng (NH) chính sách, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do nhà nước giữ 100% vốn điều lệ. Theo Quyết định số 1515/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành năm 2015, Chính phủ ủy quyền cho Bộ Tài chính quản lý, thực hiện quyền và nhiệm vụ chủ sở hữu. VDB có vốn điều lệ lên tới 30.000 tỉ đồng, tuy nhiên nguồn vốn hoạt động cũng như dòng tín dụng chảy qua NH này rất lớn khi đứng ra cho vay theo chính sách tín dụng đầu tư của nhà nước; cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ (vốn ODA); nhận ủy thác, phát hành trái phiếu...
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy dư nợ tín dụng của NH này mỗi năm hơn 100.000 tỉ đồng. Ngoài ra, NH cũng phát hành hàng chục nghìn tỉ đồng trái phiếu. Tại một hội thảo gần đây, ông Nguyễn Chí Trang, Phó tổng giám đốc VDB, cho biết VDB đang nắm giữ và giải ngân khoảng 60% vốn ODA cho vay lại của VN. Tính đến thời điểm 31.8.2018, dư nợ vốn vay nước ngoài tại VDB lên tới 152.900 tỉ đồng...
Thay mặt Chính phủ đứng ra giải ngân nguồn vốn khổng lồ, cấp thiết, quan trọng nhưng VDB khi hoạt động để lại nhiều hệ lụy, sai phạm. Cụ thể, tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của CTCP gang thép Thái Nguyên (TISCO), Thanh tra Chính phủ chỉ rõ VDB giải ngân gần 757 tỉ đồng cho các nhà thầu trái quy định. Đến nay, VDB vẫn chưa thực hiện được việc cơ cấu nợ gốc và lãi cho TISCO. Hằng tháng, VDB vẫn thông báo thu nợ, tính lãi phạt và đang xếp tín dụng của TISCO vào nợ xấu nhóm 5. Đến thời điểm 31.5.2018, TISCO đang nợ VDB 1.573 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn 415 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính theo thẩm quyền chỉ đạo, kiểm điểm xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân tại VDB, VDB chi nhánh Thái Nguyên có khuyết điểm, nêu tại kết luận thanh tra.
Trong khi đó, theo nguồn tin riêng của PV Thanh Niên, cơ quan điều tra đang vào cuộc để làm rõ sai phạm của VDB cho vay tại CTCP Thái Hòa (Lâm Đồng). Công ty này có dấu hiệu lập hồ sơ khống mua bán giữa công ty mẹ và công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay NH nhằm đảo nợ các khoản vay sử dụng cho mục đích khác, dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay hàng trăm tỉ đồng. Một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Công ty TNHH xây dựng Phúc Hưng (Hà Nội), với dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn để được giải ngân và sử dụng số tiền cho mục đích khác để trả được nợ gốc và lãi vay đến hàng chục tỉ đồng. Trong vụ việc này, Sở Giao dịch 1 của VDB chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với khách hàng.
Không chỉ sai phạm trong cấp tín dụng, việc đầu tư và sử dụng tài sản công của “siêu NH” này cũng tồn tại rất nhiều bất cập. Kiểm toán nhà nước đã kết luận dự án Trung tâm đào tạo cán bộ VDB tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) điều chỉnh 4 lần, tổng mức đầu tư tăng hơn 39 lần, từ 7 tỉ lên 275 tỉ đồng sau điều chỉnh quy mô, công năng sử dụng, tương đương 3.834%.
Theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, các doanh nghiệp nhà nước định kỳ phải công bố thông tin, báo cáo tài chính, tình hình hoạt động để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Tuy nhiên, ngay cả trên website của NH này cũng hoàn toàn thiếu vắng thông tin. Do đó, “sức khỏe” của NH này như thế nào vẫn luôn là dấu hỏi rất lớn với người dân, thậm chí kể cả với các đại biểu Quốc hội.
Ngân sách “gánh” thay nợ xấu?
Nguồn tin mà PV Thanh Niên có được từ một số cơ quan chức năng cho thấy, hiện hoạt động tín dụng của VDB gặp nhiều khó khăn. Kết quả chênh lệch thu chi năm 2018 của VDB đang âm, NH này còn bị lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Đặc biệt, nợ xấu quá lớn, lên tới vài chục ngàn tỉ đồng. Đáng ngại hơn, trích lập dự phòng rủi ro của NH này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số nợ xấu.
Trong một lần đăng đàn trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) đã lo ngại về hoạt động của VDB khi nêu rõ nhiều khoản vay trong những năm qua không đem lại hiệu quả vì vay không đúng đối tượng. NH này cũng không có đầy đủ chức năng hoạt động theo quy định của luật Các tổ chức tín dụng và của NH Nhà nước. Có đến 70 - 80% tổng nguồn vốn huy động hằng năm của VDB dựa vào vốn phát hành trái phiếu chính phủ bảo lãnh, hay nhận nguồn ODA để cho vay lại. Theo đại biểu Bảo, nguồn vốn này là các khoản vay mà Chính phủ phải trả cho các chủ nợ. Nếu đã là nợ thì phải trả, nên nếu không tính vào nợ công thì sẽ dẫn tới việc méo mó số liệu theo dõi, kéo theo rủi ro trong quản lý nợ công và điều hành ngân sách.
Một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực tài chính nhận định, nguyên nhân chính khiến VDB hoạt động rủi ro nằm ở cơ chế không giống ai của nhà băng này. “Dù là NH chính sách, hoạt động đặc thù nhưng cũng là một NH, song các tỷ lệ về dự phòng rủi ro, dự trữ bắt buộc của VDB rất thấp, rất thiếu an toàn”, ông nói, và cho biết thêm VDB chỉ việc mang tiền nhà nước đi giải ngân, được nhà nước bảo lãnh thanh toán, lại không phải nộp thuế, ngân sách nhưng vẫn bị âm, thua lỗ, nợ xấu là điều vô cùng khó hiểu.
Dẫu vậy, điều đáng lo nhất, theo chuyên gia này, khoản nợ xấu hàng chục ngàn tỉ đồng đang nằm ở VDB nếu NH này không trả được thì nhà nước cũng sẽ lại phải đứng ra gánh, vì theo quy định, VDB được nhà nước cấp bù lãi suất, bảo lãnh thanh toán và chỉ thay mặt Chính phủ đứng ra giải ngân. Hậu quả của nó không chỉ là thất thoát ngân sách mà còn gây thêm sức ép lên nợ công khi một nguồn không nhỏ tại VDB là vốn vay.
Theo Thanh niên
email: [email protected], hotline: 086 508 6899