Nhà đầu tư trong nước tiếp tục đổ tiền vào chứng khoán
TCDN - Dòng tiền nhà đầu tư trong nước tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán khi một loạt ngân hàng thương mại hạ lãi suất tiền gửi.
Hiện tại doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vì thế, việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện 4 đợt giảm lãi suất điều hành là thông tin tích cực. Tuy nhiên, một loạt đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới đang làm dấy lên những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Khối phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cho rằng, doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn chưa vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Ngay tuần tới (từ 26 - 30/6), thị trường sẽ đón nhận thông tin vĩ mô quan trọng là số liệu tăng trưởng GDP quý II/2023 của Việt Nam. Nhiều dự báo cho rằng số liệu tăng trưởng GDP quý II sẽ vẫn kém khả quan do thiếu đơn hàng xuất khẩu cũng như tình trạng cắt điện luân phiên.
Đồng thời, thị trường cũng chuẩn bị bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II với bức tranh chung vẫn nhiều gam màu xám. Lợi nhuận toàn thị trường có thể tiếp tục giảm trong quý II và kéo mặt bằng định giá của thị trường tăng lên.
Theo ông Hinh, sau một tuần tăng điểm khá tích cực, chỉ số VN-Index đã thiết lập mức cao mới từ đầu năm 2023. Đà tăng của thị trường đi kèm với thanh khoản cải thiện, dòng tiền nội tiếp tục có xu hướng đổ vào thị trường trong bối cảnh một loạt ngân hàng thương mại thông báo hạ lãi suất tiền gửi tuần vừa qua. Có thể thấy, xu hướng hiện tại của thị trường vẫn khá tích cực.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên hưng phấn “thái quá” và cần giữ cái đầu “tỉnh táo” khi VN-Index đã có một nhịp tăng mạnh gần 100 điểm trong vòng một tháng vừa qua.
Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường vượt ngưỡng kháng cự cho thấy nội lực của sóng hồi ngắn hạn đang mạnh và trong trung hạn với nền tảng tích lũy chặt chẽ trong hơn 6 tháng qua đã tạo ra cơ sở tích lũy đủ tốt để hình thành sóng trung hạn và có thể hình thành uptrend (giai đoạn giá chứng khoán có xu hướng tăng, thường là vài tháng) nếu VN-Index tích lũy đủ và vượt 1.150 đi kèm với bối cảnh vĩ mô hỗ trợ tích cực.
Dù thời điểm hiện tại các chỉ báo vĩ mô vẫn chưa cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên thị trường chứng khoán thường sẽ có những phản ứng sớm nên SHS kỳ vọng việc thị trường chuyển trạng thái sang vận động tích cực là có thể hiểu được, khi thị trường đang cho thấy tâm lý lạc quan hơn của nhà đầu tư.
Thị trường trong ngắn hạn đang trong sóng hồi, tuy nhiên trên đường đi lên vẫn có thể có các nhịp rung lắc, điều chỉnh.
Ngoài ra, VN-Index cũng được dự báo tiến gần hơn tới vùng kháng cự quan trọng 1.150 điểm vì thế nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì danh mục hiện tại, nếu muốn mua vào chỉ nên thực hiện trong các phiên điều chỉnh của thị trường.
Trong trung, dài hạn thị trường lại ở trạng thái vận động trong kênh tích lũy rộng để chuẩn bị cho một chu kỳ uptrend mới, SHS khuyến nghị.
Cũng có góc nhìn khá tích cực, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2%/năm.
Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động cũng đã giảm 100-130 điểm. Mức giảm này là tiền đề nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Đối với thị trường tài chính, mặt bằng lãi suất trong xu hướng giảm được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy một phần dòng tiền từ các kênh đầu tư tiền gửi sang kênh có mức sinh lời tiềm năng cao hơn như chứng khoán.
Về diễn biến giao dịch, kết thúc tuần qua (từ 19 - 23/6), chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 1.129,4 điểm, tăng 1,3% so tuần trước, mức cao nhất trong vòng 9 tháng qua. Cùng đó, HNX-Index tăng 1,4% lên mức 231,5 điểm và UPCOM-Index tăng 1,3% lên mức 85,7 điểm.
Thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 21.265 tỷ đồng, tăng 14,9% sv tuần trước. Tuần này, khối ngoại đã quay lại bán ròng trên cả 3 sàn; tuy nhiên, khối lượng đã thấp hơn đáng kể.
Cụ thể, khối lượng bán ròng trên HOSE và HNX đạt 184,6 tỷ đồng và 3,6 tỷ đồng thấp hơn lần lượt 46% và 81% so với lượng mua ròng tuần trước. Khối lượng bán ròng trên UPCOM đạt 13,8 tỷ đồng giảm nhẹ 6% so với tuần trước.
Động lực tăng điểm của thị trường tuần qua đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn với HPG tăng 8,3%, GVR tăng 6,7%, VNM tăng 4,5%. Nhịp đảo chiều hôm thứ 3 được dẫn dắt bởi nhóm ngành xây dựng với câu chuyện vốn đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân, kích thích tăng trưởng.
Ngoài ra, cổ phiếu thép ghi nhận tăng trưởng tích cực sau khi Hiệp hội Thép Việt Nam công bố sản lượng thép tháng 5 phục hồi đồng thời giá thép HRC tăng trở lại. Sau khi Ngân hàng Nhà nước thông bảo giảm lãi suất điều hành, các cổ phiếu ngân hàng hầu hết tăng điểm như STB tăng 4,5%, VPB tăng 3,3%, CTG tăng 2,6%, BID tăng 1,4%; tuy nhiên, VCB giảm tới 4,9%, đi ngược thị trường.
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới đi xuống.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899