Nhà máy thủy điện Khuổi Luông: Ba năm “đắp chiếu” do vướng giải phóng mặt bằng
TCDN - Nhà máy thủy điện Khuổi Luông (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) đã vận hành chạy thử, các tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, dự án này vẫn “đắp chiếu” gần 3 năm do địa phương chưa hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ.
Dự án Thuỷ điện Khuổi Luông nằm trên địa bàn xã Cách Linh và Bế Văn Đàn huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Đông Bắc làm chủ đầu tư.
Dự án được UBND tỉnh Cao Bằng cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 12/2/2015. Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 2/4/2019. Nhà máy có công suất thiết kế 4,4 MW, diện tích sử dụng đất 19,615 ha, tổng vốn đầu tư trên 170 tỷ đồng. Thuỷ điện có thời gian hoạt động 50 năm.
Thuỷ điện Khuổi Luông khánh thành và nghiệm thu ngày 20/12/2019 và được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, hòa lưới điện quốc gia và đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Theo dự kiến, trước ngày 7/9/2020 chính quyền địa phương sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, từ ngày khánh thành, nghiệm thu đến nay, gần 3 năm, thuỷ điện Khuổi Luông vẫn chưa thể đi vào hoạt động do còn vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng 11,5ha khu vực lòng hồ.
Việc chậm bàn giao mặt bằng khiến đời sống người dân vùng thượng lưu bị ảnh hưởng, ngân sách nhà nước bị thất thu ngân sách, chủ đầu tư cũng phải chi hàng tỷ đồng để duy trì bộ máy hoạt động, bảo dưỡng máy móc và trả lãi ngân hàng...
Doanh nghiệp “kêu cứu”
- Căn cứ khoản b điểm 3 điều 62 Luật Đất đai 2013, nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận bao gồm: Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải.
- Đất đã thu hồi theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này thì giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án đầu tư hoặc giao cho tổ chức dịch vụ công về đất đai để quản lý”.
Ông Ngôn Trung Tuyến (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Đông Bắc) cho biết: Nhà máy có tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ngân hàng 82 tỷ đồng; vốn các cổ đông đóng góp 88 tỷ đồng. Do chưa thể vận hành, phát điện và không có nguồn thu nên cán bộ kỹ thuật và công nhân nhà máy thủy điện Khuổi Luông bị thất nghiệp, những cán bộ còn lại thì thu nhập rất thấp. Công ty vẫn phải trả lãi vay ngân hàng hơn 1,2 tỷ đồng/tháng cho khoản tiền vay để đầu tư xây dựng và chi phí duy trì bộ máy, duy tu công trình. Con số thiệt hại có thể chứng minh được đã lên tới hơn 200 tỷ đồng. Những chi phí này khiến công ty đang phải đối diện với nguy cơ phá sản rất cao.
“Theo tính toán của công ty chúng tôi, trong gần 3 năm nhà máy nằm “đắp chiếu” nhà nước có thể bị hụt thu khoảng gần 26 tỷ đồng tiền thuế, phí mà nếu nhà máy vận hành, phát điện, công ty có thể đóng góp cho ngân sách. Trước thực trạng này, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Đông Bắc khẩn thiết đề nghị địa phương quyết liệt, sớm hoàn thành chi trả đền bù cho người dân, thu hồi đất, bàn giao cho công ty thuê đất và tích nước trong khu vực lòng hồ nhà máy thủy điện để vận hành nhà máy” - ông Ngôn Trung Tuyến nhấn mạnh.
Bà Trịnh Huyền Trang (Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Đông Bắc) chia sẻ: “Huyện kêu khó giải phóng mặt bằng, dân chưa đồng thuận, nhưng doanh nghiệp chúng tôi cũng đang gặp muôn vàn khó khăn. Chúng tôi rất mong UBND huyện Quảng Hòa có lộ trình cụ thể và thời điểm dự kiến sẽ bàn giao mặt bằng khu vực lòng hồ thủy điện cho công ty để chúng tôi còn có phương án sản xuất kinh doanh, bà con địa phương tại khu vực giải tỏa cũng có tính toán để ổn định sản xuất kinh doanh”.
Thủy điện “đắp chiếu” 3 năm do vướng giải phóng mặt bằng
Bà Hoàng Thị Hiếu (Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa) cho biết: Năm 2020, diện tích đất cần giải phóng mặt bằng, thu hồi, bàn giao cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Đông Bắc đã được đưa vào danh mục dự án cần thu hồi đất. Tiếp đó, địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Nhà máy thủy điện Khuổi Luông do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo. Huyện cũng thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng và Tổ tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng Nhà máy thủy điện Khuổi Luông và đồng bộ triển khai các công việc.
Tuy nhiên, đến nay công tác tuyên truyền vận động chưa thực sự hiệu quả, Ban giải phóng mặt bằng mới chỉ bàn giao được 2,8 ha khu vực đập đầu mối thuộc địa bàn xã Cách Linh cho chủ đầu tư. Khó khăn vướng mắc chủ yếu của công tác giải phóng mặt bằng cho dự án thủy điện Khuổi Luông nằm ở khu vực lòng hồ thuộc địa phận xã Bế Văn Đàn vì nếu không giải phóng được khu vực này, thủy điện không thể tích nước và đi vào hoạt động.
Tháng 5/2020, thực hiện thống kê kiểm đếm theo hồ sơ được duyệt ở mực nước dâng cao trình 190,5m, có 99 hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng, 28 hộ bị ảnh hưởng, 13 hộ bị ngập phải di chuyển, 2 đoạn đường đất, 1 đoạn đường dân sinh, 1 đoạn đường bê tông bị ảnh hưởng...
Được UBND tỉnh chấp thuận tại văn bản số 644 ngày 22/3/2021, UBND huyện tiếp tục phối hợp triển khai giải phóng mặt bằng tại mực nước dâng cao trình 188,5m. Với cao trình này, có 37 hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng, 3 hộ bị cô lập, 2 đoạn đường đất, 1 đoạn đường dân sinh bị ảnh hưởng...
Tháng 11/2021, huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc và sau đó ngày 26/11/2021 ban hành quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc để lập phương án toán đền bù GPMB trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Ngày 9/5/2022, UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt dự toán đền bù giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ Dự án Thủy điện Khuổi Luông (cao trình mực nước dâng 188,5 m) với tổng giá trị đền bù hơn 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng, chỉ có 2 hộ nhận tiền trên 500 triệu đồng.
Bà Hoàng Hoa Thương, xã Bế Văn Đàn, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, là người dân sinh sống trong khu vực lòng hồ cho biết: “Dân chúng tôi không phải ngăn cấm, không cho hoạt động đâu. Nhưng đề nghị các cấp, các ngành xem xét thỏa đáng để người dân vừa ổn định sản xuất, nhà máy vừa hoạt động”.
Liên quan đến việc nhà máy thủy điện Khuổi Luông nằm “đắp chiếu” dẫn đến rất nhiều khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, đồng thời gây lãng phí số tiền đã đầu tư, gây thất thu lớn cho ngân sách địa phương. Kính đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là UBND huyện Quảng Hòa cần có giải pháp quyết liệt, đột phá tháo gỡ “nút thắt” trong công tác giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ Nhà máy thủy điện Khuổi Luông để dự án sớm đi vào hoạt động.
Nhận xét về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Câu trả lời cuối cùng của cấp huyện, đó là gì, là dân không đồng thuận. Với cách trả lời như vậy, tôi thấy là một tinh thần, thái độ thiếu hợp tác và thiếu trách nhiệm của cơ quan cấp huyện.
Đối với những dự án phát triển kinh tế xã hội thì chịu trách nhiệm chính là UBND tỉnh. UBND tỉnh có đầy đủ quyền hạn và điều kiện để anh có thể thực thi điều đó mà anh lại không làm. Cuối cùng, anh để cho một hiện tượng như vậy, làm cản trở, gây thất thoát rất lớn cho nhà đầu tư, mà nhà đầu tư này là mục đích phát triển kinh tế xã hội.
Đồng thời cũng thiệt hại không chỉ với nhà đầu tư mà còn với ngân sách nhà nước, đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Vấn đề này cần có chế tài hết sức nghiêm để xử lý, là một bài học cảnh tỉnh cho những nơi nào không tuân thủ pháp luật, gây cản trở cho những doanh nghiệp hoạt động.”
email: [email protected], hotline: 086 508 6899