Nhật Bản hạn chế sinh viên nước ngoài mua hàng miễn thuế
TCDN - Ngày 5/12, chính phủ Nhật Bản quyết định bãi bỏ chính sách cho phép sinh viên nước ngoài và những người cư trú dài hạn được mua hàng miễn thuế nhằm đối phó với các trường hợp nghi ngờ tích trữ, tiêu thụ trái phép hàng hóa nội địa.
Theo đó, hệ thống tiêu thụ hàng hóa của Nhật Bản sẽ được sửa đổi như một phần của cải cách thuế cho năm tài chính 2022, khi chỉ sinh viên nước ngoài học tập tại quốc gia này lâu dài và không làm việc bán thời gian mới có thể mua hàng miễn thuế trong vòng sáu tháng sau khi nhập cảnh.
Sau thông tin trên, nhiều lời chỉ trích đã nổ ra về việc các cửa hàng miễn thuế sẽ phải thực hiện việc kiểm tra tốn nhiều công sức hơn vào thời điểm bán hàng để xác nhận một sinh viên không đi làm. Số khác phàn nàn rằng quy định trên không công bằng khi các cửa hàng có quy trình sàng lọc lỏng lẻo cuối cùng lại thu hút được nhiều khách hơn.
Trước đó, Cơ quan Thuế Quốc gia Nhật Bản đã phát hiện ra nhiều trường hợp mua hàng đáng ngờ của sinh viên nước ngoài trên hệ thống số hóa thông tin người tiêu dùng vào tháng 4 năm ngoái.
Họ tin rằng những sinh viên này có thể đang mua số lượng lớn hàng miễn thuế để bán lại với giá cao, kiếm lời từ tiền chênh lệch và thuế tiêu thụ 10%.
Là một phần của cải cách thuế, chính phủ và liên minh cầm quyền do Đảng Dân chủ Tự do dẫn đầu tại Nhật Bản đang có kế hoạch thu hẹp điều kiện mua hàng miễn thuế đối với khách du lịch và những người có thị thực ngắn hạn từ 90 ngày trở xuống.
Theo Nhật báo Yomiuri Shimbun đưa tin, hồ sơ mua hàng của khoảng 26.000 người, với tổng trị giá khoảng 40 tỷ Yên, đã được gửi đến cơ quan thuế từ khoảng 30.000 cửa hàng miễn thuế trên toàn quốc vào tháng 6 năm nay.
Đã có tổng cộng 1.837 người mua hàng miễn thuế với giá trên 1 triệu yên. Trong đó hơn 80% là người Trung Quốc, bao gồm cả sinh viên. 69 người đã mua các mặt hàng trị giá hơn 100 triệu yên. Số tiền hàng lớn nhất được biết đến là của một khách hàng Trung Quốc với 32.000 mặt hàng miễn thuế, trị giá hơn 1,2 tỷ yên.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899