Nhiều địa phương tăng cường chống thất thu thuế trong kinh doanh vận tải

07/11/2023, 14:52
báo nói -

TCDN - Nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải nhằm giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Đây được xem là hoạt động tích cực để khai thác nguồn thu, chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn.

Tỉnh Trà Vinh siết chặt quản lý thuế kinh doanh vận tải bằng ôtô

Qua khảo sát, số thu thuế chưa tương xứng với quy mô và mức độ hoạt động của lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng ôtô trên địa bàn; tình trạng gian lận thuế, số lượng xe kinh doanh vận tải chưa kê khai nộp thuế còn diễn ra, nhất là xe kinh doanh vận tải hàng hóa. Một số tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải nhưng chưa tự giác kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của pháp luật. 

xe-khach-sai-gon-tra-vinh-15

Từ thực tế trên, Cục Thuế đã tham mưu UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1095/QĐ-UBND, ngày 19/7/2023 của UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt Đề án “Tăng cường giải pháp chống  thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”.

Mục tiêu của Đề án nhằm tăng cường công tác quản lý thu thuế, khai thác nguồn thu, chống thất thu thuế một cách đồng bộ, thống nhất, hiệu quả đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng xe ôtô trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách được giao hàng năm.

Ông Trần Công Thành, Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết: để đảm bảo việc tuân thủ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, Cục Thuế tỉnh Trà Vinh đã triển khai đến các Chi cục Thuế trực thuộc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý thuế đối với kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, trong đó lưu ý các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đăng ký thuế theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, đồng thời phải thực hiện kê khai, nộp lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.

Những trường hợp tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vận tải nhưng không chấp hành quy định về đăng ký, kê khai, nộp thuế như nêu trên sẽ bị áp dụng các biện pháp chế tài như sau:

Đối với hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế quá thời hạn quy định thì bị xử phạt từ 01 - 10 triệu đồng (quy định tại Điều 10 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn).

Trường hợp không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không lập hóa đơn khi cung cấp dịch vụ hoặc lập hóa đơn cung cấp dịch vụ sai về số lượng, giá trị dịch vụ để kê khai thuế thấp hơn thực tế thì bị xử phạt từ 01 - 03 lần số tiền thuế trốn (quy định tại Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP).

Trường hợp trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

Qua đó, Cục Thuế tỉnh Trà Vinh đề nghị các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải theo đúng quy định nhằm tạo sự công bằng trong việc chấp hành pháp luật thuế, góp phần ổn định nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh nhà và tránh bị xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Tỉnh Bình Phước còn nhiều doanh nghiệp "né" nộp thuế

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Phước cho biết, trong thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Phước đã cấp phép và quản lý hơn 100 đơn vị kinh doanh vận tải với tổng số 9.115 xe ôtô kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, ghi nhận trên thực tế chỉ một số ít được doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khai và nộp thuế. Điều này đã gây thất thoát đáng kể nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Ông Thành cho biết, thời gian tới, Cục Thuế tỉnh Bình Phước phối hợp với Sở GTVT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải. Đồng thời, hướng dẫn để người nộp thuế biết và chấp hành đúng quy định thực hiện nghĩa vụ thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải.

Ông Đỗ Văn Phong - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Phước cũng cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với Cục Thuế tỉnh Bình Phước để chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh vận tải của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn, đảm bảo việc thực hiện đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Sở GTVT Bình Phước sẽ ban hành quyết định thu hồi phù hiệu, nếu đơn vị kinh doanh vận tải không nộp phù hiệu của phương tiện vi phạm về sở, trong 7 ngày kể từ ngày ban hành quyết định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định với mức phạt từ 2 đến 3 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4 đến 6 triệu đồng đối với tổ chức.

Tỉnh Quảng Nam: 3 ngành ‘bắt tay’ chống thất thu thuế

Cục Thuế, Công an và Sở GTVT tỉnh Quảng Nam vừa ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô trên địa bàn.

ky-ket-quan-ly-thue-4468

Theo nội dung quy chế, 3 đơn vị trên sẽ phối hợp trong công tác trao đổi thông tin, phối hợp quản lý thuế phương tiện vận tải theo chức năng nhiệm vụ chuyên ngành.

Trong đó, Sở GTVT kiểm tra thông tin về đăng ký thuế của đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT). Trên cơ sở điều kiện đối với xe ôtô KDVT hành khách để chấn chỉnh việc quản lý và thỏa thuận với các thành viên hợp tác kinh doanh, yêu cầu HTX, doanh nghiệp KDVT hành khách bằng xe taxi phải kê khai, nộp thuế theo quy định. Thu hồi, tạm dừng giấy phép kinh doanh đối với với đơn vị chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra xử lý vi phạm.

Công an tỉnh chỉ đạo Phòng CSGT, Công an cấp huyện kiểm tra xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh, điều kiện KDVT bằng xe ôtô. Tăng cường kiểm tra xử lý các xe vận chuyển hàng hoá, hành khách nhưng không có giấy phép KDVT, phù hiệu, biển hiệu do Sở GTVT cấp, chuyển thông tin để cơ quan thuế xử lý về thuế.

Lực lượng Cảnh sát kinh tế, công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cơ quan thuế để điều tra xử lý các đơn vị kinh doanh vận tải có dấu hiệu trốn, gian lận về thuế;

Cục Thuế Quảng Nam nắm bắt đầy đủ thông tin; lập danh sách các phương tiện vận tải bằng xe ôtô có hoạt động KDVT nhưng không đăng ký thuế, không có giấy phép KDVT (biển số xe màu trắng) chuyển danh sách cho Phòng CSGT, cơ quan công an, Thanh tra Sở GTVT kiểm tra, xử lý…

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng nhìn nhận, những năm gần đây, hoạt động KDVT trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, phương tiện vận tải gia tăng nhanh chóng, tuy nhiên thu ngân sách từ KDVT bằng ôtô được đánh giá là chưa tương xứng với quy mô doanh thu và mức độ hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo ông Quang, số lượng xe đã quản lý thuế so với số lượng xe thống kê còn chênh lệch lớn; Tình trạng thất thu thuế còn nhiều và xu hướng ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa bàn. Một số lượng lớn phương tiện xe hoạt động không đăng ký KDVT, không đăng ký kê khai nộp thuế nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ KDVT kê khai doanh số chưa sát hoặc thấp hơn nhiều so với doanh thu thực tế kinh doanh, để nợ đọng thuế kéo dài.

“Những hạn chế trên xuất phát từ tính tự giác chấp hành pháp luật thuế của một số doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân KDVT chưa nghiêm túc, lợi dụng tính chất đặc thù của ngành vận tải là kinh doanh lưu động, không có địa điểm, sản phẩm mang tính dịch vụ để không đăng ký kê khai nộp thuế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, cũng thấy được công tác phối hợp quản lý thu thuế, quản lý phương tiện vận tải và kiểm tra, xử lý về thuế giữa các ngành chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ nên hiệu quả chưa cao”, ông Quang nói.

Việc tăng cường phối hợp quản lý thuế đối với hoạt động KDVT bằng ôtô giữa 3 cơ quan thuế, công an và Sở GTVT nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 31/5/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam là cần thiết.

Điện Biên đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải

Cục Thuế tỉnh Điện Biên đã đối thoại trực tiếp các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, nhằm làm rõ căn cứ, cơ sở việc ban hành Quyết định 738/QĐ-CTDBI ngày 22/12/2022 về việc ấn định hệ số sử dụng ghế ngồi, giường nằm làm căn cứ tính thuế trực tiếp đối với hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Ảnh chụp Màn hình 2023-11-06 lúc 15.36.23

Khẳng định việc xây dựng, ban hành Quyết định 738 là đúng quy định về thẩm quyền, dựa trên căn cứ Luật Quản lý thuế, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp…,  Cục Thuế tỉnh Điện Biên cũng đồng thời khẳng định, việc ban hành Quyết định 738 là đáp ứng nguyện vọng của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách về việc được nộp thuế theo hình thức trực tiếp.

Cụ thể, hệ số sử dụng ghế ngồi, giường nằm đối với xe vận chuyển hành khách được ấn định làm căn cứ tính thuế lần lượt theo các mức: 50% cho xe cao cấp, giường nằm chạy các tuyến liên tỉnh; 45% với xe khách thông thường các tuyến liên tỉnh; xe khách thông thường ghế ngồi tuyến sang Lào áp dụng 40%; xe khách nội tỉnh đi các huyện và ngược lại áp dụng mức 30%.

Lý giải cho việc quyết định các hệ số như trên, đại diện Cục Thuế tỉnh cho hay: Từ thực tiễn thấy rõ rằng các dịp Tết, lễ, hoặc mùa du lịch thì hoạt động vận tải khách có doanh thu tốt; còn các thời gian khác ít khách hơn. Do vậy, theo phương thức tính bình quân thì cơ quan thuế lấy mức hệ số sử dụng ghế, giường nằm trung bình là 50%; các phương tiện khác cũng theo cơ sở đó, nhưng giảm dần vì có tính toán thực tiễn. "Ngoài vận chuyển khách, thực tế thì các nhà xe vẫn vận chuyển hàng hóa có thêm nguồn thu nhưng cơ quan thuế không tính làm căn cứ thuế", đại diện Cục Thuế tỉnh thông tin thêm.

Thành Nam
Bạn đang đọc bài viết Nhiều địa phương tăng cường chống thất thu thuế trong kinh doanh vận tải tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan