Nhiều vấn đề phát sinh quanh dự thảo TCVN về nước giải khát

04/03/2020, 10:27

TCDN - Theo ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan, dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về nước giải khát nếu được ban hành sẽ dẫn đến nguy cơ chồng chéo trong quản lý lẫn khó khăn cho doanh nghiệp vận hành.

nuoc-ngot-1515400441754-58-0-507-800-crop-1515400447592

Liệu có cần ban hành một tiêu chuẩn mới?

Kết thúc hội thảo đầu tiên lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan tại Tp.HCM, dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về nước giải khát cho thấy có khá nhiều câu hỏi về sự cần thiết phải ban hành một tiêu chuẩn mới. Giới chuyên môn đã góp ý về các định nghĩa và cách giải thích khó hiểu, mâu thuẫn với các khái niệm trong quy định hiện hành. Cũng có những ý kiến băn khoăn cho rằng dự thảo này chỉ là ‘phiên bản trở lại’ của TCVN 5042:1994, một tiêu chuẩn đã được gỡ bỏ hơn 25 năm do thiếu tính thực tiễn. 

Về vấn đề định nghĩa, khoanh vùng đối tượng điều chỉnh của tiêu chuẩn, Thạc sỹ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, nếu áp dụng TCVN sẽ xảy ra sự chồng chéo.

Cụ thể, ngoài việc tuân thủ các quy định chung về an toàn thực phẩm, sản phẩm đồ uống không cồn nói chung và nước giải khát nói riêng, doanh nghiệp còn bắt buộc phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 6-2:2010/BYT (ban hành theo Thông tư số 35/2010/TT-BYT ngày 2/6/2010 của Bộ Y tế quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống không cồn) và xem xét tuân thủ TCVN 7041:2009 (Đồ uống không cồn – quy định kỹ thuật).

Như vậy nước giải khát không cồn (như phạm vi điều chỉnh tại dự thảo) thuộc nhóm sản phẩm đồ uống không cồn và đã phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật này. Nếu có thêm TCVN về nước giải khát như bản dự thảo, sẽ có thêm quy định cần phải tuân theo đối với cùng một loại sản phẩm.

Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cũng chỉ ra sự không thống nhất trong cách gọi tên nhóm sản phẩm trên, đó là “đồ uống không cồn” ở quy định hiện hành và “nước giải khát” ở dự thảo mới. Cùng một nhóm sản phẩm nhưng dưới các tên gọi khác nhau và có đến 3 quy định điều tiết, dự thảo nếu được thông qua sẽ gây bối rối ngay từ quá trình thực thi. 

Đặc biệt, việc sử dụng các thuật ngữ và cách giải thích ở dự thảo này cũng không thống nhất, thậm chí nằm ngoài tiêu chuẩn chung khi dẫn chiếu đến Bộ tiêu chuẩn Codex Stan 192-1995 của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế. 

Gánh nặng chi phí, thủ tục với doanh nghiệp

Trong nền kinh tế mở cửa, Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định tự do, Chính phủ đã và đang đặt trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh, rà soát, cắt giảm gánh nặng chi phí, đơn giản hóa quy định và thủ tục đối với doanh nghiệp. Việc ban hành thêm một văn bản trùng lặp có nguy cơ gây khó cho cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp như TCVN rõ ràng là không phù hợp.

Ví dụ về mặt phân loại, dự thảo TCVN chia nước giải khát thành 6 loại, trong khi Bộ tiêu chuẩn quy chuẩn phân loại đồ uống không cồn chỉ xét tới 3 loại. Khi các quy định được ban hành song song, doanh nghiệp sẽ không biết thực thi thế nào cho phù hợp, nên dùng thuật ngữ Nước giải khát hay Đồ uống không cồn để gọi tên, dán nhãn sản phẩm của mình.

Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành này cho rằng, Dự thảo TCVN về nước giải khát mâu thuẫn với Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm ("Nghị định 15"): Tại Phụ lục IV, Nghị định 15, Nước giải khát được phân thành 3 nhóm (Đồ uống đóng hộp, bao gồm nước ép rau, quả; Nước giải khát cần pha loãng trước khi dùng; và Nước giải khát dùng ngay). Cách phân loại trong Dự thảo (chia thành 6 nhóm) hoàn toàn mâu thuẫn với Nghị định của Chính phủ, khiến cho phạm vi điều chỉnh rất khác nhau.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Minh Thảo, tiêu chuẩn mới chưa chứng minh được những lợi ích có thể đem lại nhưng đã tồn tại nhiều lỗ hổng nghiêm trọng. Đứng trên góc độ của cơ quan quản lý, việc thanh kiểm tra trên nhiều văn bản do sự chồng chéo về quản lý sẽ kéo dài thời gian, chi phí trong quá trình giám sát thực thi. Với các doanh nghiệp, chi phí tuân thủ sẽ được cộng thêm vào giá thành sản phẩm, dẫn đến tăng giá bán, hàng hóa khó cạnh tranh. Khi đó, người chịu thiệt hại cuối cùng chính là người tiêu dùng.

Năm 1994, TCVN 5042:1994 (TCVN về nước giải khát), một tiêu chuẩn gần giống với dự thảo này, đã bị loại bỏ vì không phù hợp với quá trình vận động, phát triển và thông lệ quốc tế của ngành đồ uống không cồn.

Để nâng cao hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia nói chung, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho rằng, việc lấy ý kiến về dự thảo TCVN cần có sự tham gia tư vấn, đóng góp sâu rộng hơn nữa từ những giới chuyên môn, cũng như cần tham khảo thêm ý kiến của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước giải khát.

Hội thảo ghi nhận ý kiến về Dự thảo TCVN tại Hà Nội tới đây sẽ là cơ hội để các bên liên quan, đặc biệt là đối tượng chịu tác động trực tiếp có thể chia sẻ quan điểm, từ đó giúp Ban soạn thảo đưa ra những quy định hợp lý, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn nhất.

Hồng Nhung
Bạn đang đọc bài viết Nhiều vấn đề phát sinh quanh dự thảo TCVN về nước giải khát tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận