Những cổ phiếu đầu đời nào lọt rổ VN30?

28/03/2019, 07:37

TCDN - Trong 2 năm đầu hoạt động, trên thị trường chứng khoán có tổng số 10 mã được niêm yết. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 2/10 số mã gạo cội này lọt rổ VN30.

Ngày 2/6/2000 đã đánh dấu bước đi đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chính thức giao dịch chỉ với 2 cổ phiếu là SAM và REE. Tiếp sau đấy đến năm 2002, số lượng giao dịch đã có thêm 8 mã là : HAP;TMS;GMD;LAF;BBC;GIL;BT6;TRI.

Sau 19 năm hình thành và phát triển, số lượng cổ phiếu niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HSX) đã đạt con số 378. Những ngày đầu hoạt động, số lượng cổ phiếu niêm yết rất ít. Do vậy, 10 mã cổ phiếu đầu tiên này luôn để lại dấu ấn khó phai đối với các nhà đầu tư gắn bó lâu năm với thị trường.

ckgmd

Biến động giá cổ phiếu REE và GMD từ ngày đầu niêm yết đến ngày 25/3/3019

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 2 trong tổng 10 mã gạo cội này lọt rổ VN30 là các mã: REE và GMD. Đây là 2 mã có mức tăng trưởng tốt, trong đó REE có mức tăng trưởng lên tới hàng nghìn phần trăm so với ngày đầu.

Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE)

ree

Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh

Mã đầu tiên trong 10 mã gạo cội lọt rổ VN30 là REE của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh.

Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh được thành lập năm 1993. Cùng thời điểm giống Sam Holdings thì REE cũng được niêm yết lần đầu tiên trên sàn chứng khoán vào ngày 2/6/2000. Sau gần 19 năm, đến phiên giao dịch ngày 27/3/2019, thị giá cổ phiếu REE đạt mức 31.700 đồng/cổ phiếu.

Năm 2018 ghi nhận doanh thu thuần của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh đạt trên 5.100 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với con số doanh thu 4.995 tỷ đồng đạt được năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.884,7 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2017 và vượt đến 37,7% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Năm 2019, Cơ Điện Lạnh REE đặt mục tiêu đạt 5.577 tỷ đồng doanh thu và 1.465 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tính đến ngày 31/12/2018, Công ty hiện có tổng tài sản là 15.499 tỷ đồng, tăng 8,45% so với đầu năm. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 38,6%, chủ yếu là tiền và các khoản tương đương tiền 1.865 tỷ đồng. Tài sản dài hạn đạt 9.511 tỷ đồng, bao gồm đầu tư tài chính dài hạn 6.992 tỷ đồng; bất động sản đầu tư 1.602 tỷ đồng.

Công ty đang có 5.571 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm 36% tổng nguồn vốn của Công ty.

Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD)

Là một doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1990. Năm 1993, Gemadept trở thành một trong ba công ty đầu tiên được cổ phần hóa và được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2002.

Hiện Gemadept là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong lĩnh vực cảng biển và dịch vụ logistics tại Việt Nam với vốn điều lệ tăng từ 2.882 tỷ đồng (năm 2017) lên 2.969 tỷ đồng (năm 2018), tổng tài sản hợp nhất đến cuối tháng 12/2018 là 9.951 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong tháng 2/2018 Công ty đã hoàn tất việc chuyển nhượng 51% và 49% tại CJ - Gemadept Logistics Holdings và CJ - Gemadept Shipping Holdings. Thương vụ này giúp Gemadept đạt 1.460 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I/2018, gấp 13 lần cùng kỳ 2017.

Năm 2018, Gemadept có doanh thu thuần đạt 2.685 tỷ đồng, giảm 32,5% so với năm trước. Lãi sau thuế tăng 3,2 lần, đạt 1.899 tỷ đồng.

Kết thúc phiên ngày 27/3/2019, thị giá cổ phiếu GMD đạt 26.350 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ 0,5% so với giá tham chiếu cùng ngày.

Theo Nhà đầu tư

Bạn đang đọc bài viết Những cổ phiếu đầu đời nào lọt rổ VN30? tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899