Những thách thức của việc nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu
TCDN - Cà phê là mặt hàng nông sản nhiệt đới được giao dịch thương mại phổ biến trên thế giới. Nó được trồng phần lớn ở các nước nghèo, đang phát triển và xuất khẩu thô là chủ yếu sang các nước phát triển.
TÓM TẮT:
Cà phê là mặt hàng nông sản nhiệt đới được giao dịch thương mại phổ biến trên thế giới. Nó được trồng phần lớn ở các nước nghèo, đang phát triển và xuất khẩu thô là chủ yếu sang các nước phát triển. Người trồng cà phê sẽ không thể có thu nhập cao, ổn định nếu hạt cà phê được xuất khẩu thô. Việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm cà phê chế biến sâu, mang lại cơ hội làm tăng giá trị cho người nông dân và các quốc gia trồng cà phê như Việt Nam. Dưới góc độ tiếp cận như vậy, bài viết tập trung làm rõ [i] Cơ hội nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trong chuỗi và [ii] Chỉ ra một số thách thức lớn khi thực hiện nâng cao giá trị cà phê Việt Nam; [iii] Những trao đổi hàm ý giải pháp nâng cao giá trị cà phê Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Ngành cà phê Việt Nam chỉ thực sự phát triển từ thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay. Cả nước hiện có hơn nữa triệu hécta cà phê, chủ yếu tập trung ở khu vực Tây nguyên. Từ nhiều năm qua, cà phê đã trở thành một trong những ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Trong thị phần cà phê quốc tế, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê. Mỗi năm, thông qua xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia, chủ yếu là xuất khẩu cà phê nhân, Việt Nam thu về hàng tỷ USD. Nhưng nếu chỉ xuất khẩu như vậy thì giá trị của nó thấp hơn nhiều lần so với xuất khẩu cà phê rang xay và cà phê hòa tan. Trong chuỗi giá trị toàn cầu của cà phê, gồm Sản xuất nguyên phụ liệu - Trồng trọt - Chế biến thô sơ và rang xay - Marketing và phân phối sản phẩm, thì Việt Nam chủ yếu tập trung vào khâu trồng trọt, sản xuất. Trong khi đó, khâu này chỉ đóng góp khoảng 10% trong chuỗi giá trị. Nếu bán cà phê bột và cà phê hòa tan sẽ có giá trị cao hơn nhiều lần so với bán cà phê nhân. Theo các chuyên gia, cà phê chế biến sâu là khâu cho giá trị gia tăng cao nhất, từ 70-100 triệu đồng/tấn cà phê quy nhân. Mỗi kg cà phê nhân được bán giá khoảng 2 USD. Một ly cà phê đã chế biến của các hãng, trên thị trường cũng có giá khoảng 2 USD. Một kg cà phê nhân có thể chế biến được 50 ly cà phê. Một tấn cà phế chế biến sâu có thể lãi bằng 200 tấn cà phê nhân. Cứ 1,6 kg cà phê nhân thì được 1 kg cà phê viên (capsules). Nếu thu mua cà phê nguyên liệu loại tốt với giá 80.000 đồng/kg - cao gấp đôi giá cà phê hạt bình thường, nhưng thành phẩm có thể được bán với giá từ trên dưới 1 triệu đồng/kg. Trong cơ cấu xuất khẩu của ngành cà phê Việt Nam, xuất khẩu cà phê nhân, chủ yếu là robusta, chiếm tới 90,7%, cà phê rang xay và cà phê hòa tan lần lượt là 2% và 7,2%. Cà phê robusta của Việt Nam chỉ được coi là cà phê độn cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới. Trong chuỗi giá trị gia tăng của thế giới, cà phê nhân chỉ được hưởng 1/20. Xuất khẩu cà phê chủ yếu lệ thuộc vào 2 sàn giao dịch London và New York. Trong khi đây lại là nơi chịu sự chi phối của các nhà đầu cơ tài chính (Đại học Đà Nẵng, 2018).
Dưới góc độ tiếp cận như vậy, tác giả đặt ra mục tiêu làm sáng tỏ những thách thức cơ bản trong việc nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để đạt mục tiêu đó, tác giả sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết bắt đầu từ việc chỉ ra những thuận lợi cơ bản để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam. Bằng cách đặt ra câu hỏi: Tại sao Việt Nam chưa nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu? tác giả tập trung phân tích các thách thức chủ quan, bên trong gồm [i] việc thiếu vốn để thực hiện tái canh cà phê ở Tây nguyên, [ii] thiếu vốn để đầu tư chế biến sâu cà phê và [iii] nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp; đến việc phân tích thách thức từ nhân tố khách quan, bên ngoài là khẩu vị và phong cách thưởng thức cà phê của người tiêu dùng. Từ những cơ hội và thách thức đã trình bày, tác giả nêu ra những trao đổi hàm ý giải pháp nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
2. Các cơ hội nâng cao giá trị cho cà phê Việt Nam trong chuỗi giá trị
2.1. Cơ hội cho tiêu thụ cà phê nội địa
Với hơn 93 triệu dân, ngành cà phê Việt Nam không thể bỏ qua thị trường trong nước. Các nhà nghiên cứu đã ước tính, nếu 20% dân số Việt Nam uống thêm một ngày một ly cà phê (bình quân 25g/ly), thì mỗi năm sẽ tiêu thụ thêm 128.000 tấn cà phê rang xay, tương đương với 196.000 tấn cà phê nhân, chiếm 14% sản lượng cà phê hàng năm. (Song Minh - Hoàng Bảy, 2013). Những số liệu đó cho ta thấy được tiềm năng rất lớn của thị trường cà phê trong nước. Trên thực tế, nhu cầu tiêu dùng cà phê trong nước hiện đang tăng nhanh, đặc biệt là cà phê hòa tan. Cà phê hòa tan phù hợp với xu hướng tiêu dùng nhanh của giới trẻ và thói quen uống cà phê hòa tan đã được người tiêu dùng định hình.
Đồng thời, việc nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trong chuỗi, giúp người trồng cải thiện tình trạng nghèo đói, giảm sự phụ thuộc mang tính bất lực khi họ ít chịu những biến động lớn về giá cả và thu nhập. Việc tạo ra các sản phẩm cà phê chế biến sau tạo điều kiện cho nhà sản xuất tiếp cận với thị trường nội địa, khi mà người tiêu dùng trong nước, đang hàng ngày chấp nhận trả giá cao cho các sản phẩm cà phê nhập khẩu. Trên thực tế, các nước phát triển nhập khẩu cà phê thô, không chỉ phục vụ thị trường nội địa của họ, mà tái xuất cà phê ở dạng chế biến sâu cho người tiêu dùng cuối cùng trên toàn thế giới.
2.2. Cơ hội cho xuất khẩu cà phê
Những năm gần đây, ngành cà phê Việt Nam đang nổ lực tăng giá trị cho sản phẩm cà phê bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến. Mặc dù có những quan ngại về chất lượng cà phê robusta Việt Nam, song nhu cầu của thế giới đối với cà phê Việt Nam vẫn tăng. Cà phê Việt Nam được một số công ty chế biến cà phê quốc tế ưa chuộng vì mùi vị trung hòa, không lẫn mùi khác (không có mùi vị không tự nhiên hoặc các lỗi liên quan). Theo thời gian, tỷ lệ của cà phê rang xay cũng như cà phê hòa tan đã tăng lên. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu cà phê hòa tan và rang xay lần lượt là 3.04%, và 0,45% thì năm 2017 tỷ lệ này đã tăng lên 7,26% và 2%. Hiện tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, EU đã hạ mức thuế áp cho cà phê rang xay và cà phê hòa tan Việt Nam xuống từ 0- 5%. Đây là cơ hội cho những người trồng và kinh doanh cà phê nước ta được hưởng lợi nhiều hơn.
Cà phê Việt đang có cơ hội bước vào thị trường ASEAN + 6 khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới từ 2020 với 3 tỷ dân, phần đông là người tiêu dùng trẻ và gu thưởng thức đang chuyển dần sang loại có vị đậm hơn như robusta. Thị trường này bao gồm cả Trung Quốc, Nhật, Newdealand, Úc, Ấn Độ là khu vực có dân số lớn nhất thế giới. Đây là thị trường lớn trong tương lai, lại rất gần Việt Nam. Ngoài thị trường ASEAN + 6, doanh nghiệp có thể tập trung vào các thị trường tiềm năng ở khu vực châu Phi và châu Á. Đây là những thị trường mới nổi lên và còn hạn chế về nhu cầu tiêu dùng, cần nhanh chóng hiện diện trên thị trường này để tạo ra nhu cầu thực. Khi nhu cầu thực này đã được lúc đó thương hiệu cà phê Việt Nam sẽ có chỗ đứng bền vững.
Riêng cà phê robusta của Việt Nam đang chiếm khoảng 60% thị phần thế giới. Xu hướng người tiêu dùng đang tăng dùng cà phê rubusta giảm dùng cà phê arabica vì chênh lệch giá quá quá lớn. Hai loại cà phê này có những điểm khác nhau. Arabica được hương, robusta được vị (tỷ lệ cà phê in cao). Giá của cà phê rubusta ổn định và xu hướng tăng giá.
Trong khi tại Việt Nam, lượng cà phê arabica chỉ chiếm 3%, còn cà phê rubusta chiếm 97% sản lượng. Cùng với quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, việc tự do hóa nông nghiệp và thương mại cũng như chiến lược tái cơ cấu việc sản xuất cà phê, đa dạng hóa hoạt động tiếp cận và xâm nhập thị trường quốc tế của chính phủ Việt Nam, đã mở ra cơ hội mới cho người trồng cà phê để tập hợp lại với nhau và hội nhập vào chuỗi giá trị quốc tế tạo điều kiện cho khu vực tư nhân thúc đẩy tăng trưởng chuỗi giá trị cà phê ở mức độ lớn.
Tổ chức cà phê Quốc tế đánh giá: “Các chính sách được chính phủ Việt Nam áp dụng như chính sách đầu tư để quản lý bền vững kinh tế và tài nguyên môi trường cho ngành cà phê, đảm bảo sản xuất ổn định và tăng thu nhập bằng việc xuất khẩu, đã có một vai trò to lớn để cà phê Việt Nam hội nhập và thành công trên thị trường quốc tế” (International Coffee Organization, 2020).
3. Một số thách thức của việc nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trong chuỗi giá trị
3.1. Thiếu vốn cho tái canh cà phê
Năm 1990, Việt Nam chỉ chiếm 3% sản lượng cà phê toàn cầu. Ngày nay, con số đó là hơn 17% và Việt Nam trở thành nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Cà phê Robusta phần lớn tập trung ở Tây Nguyên, đã tạo ra thu nhập kinh tế cho một số lượng lớn người dân. Hiện tại, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê trên 582.149 ha, vượt so với diện tích quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gần 53.000 ha. Do vậy, có thể nói việc trồng cà phê ở Tây Nguyên hiện nay, trên thực tế là tái canh cà phê, loại bỏ dần cà phê lâu năm, già cỗi. Hơn 30% cây cà phê hiện tại có tuổi từ 20 đến 30 năm. Sản lượng của chúng đang giảm dần theo mỗi mùa. Hầu hết cà phê từ 17-25 năm tuổi cho năng suất trung bình hàng năm là 1,2 tấn mỗi hécta, hoặc chỉ bằng 50% năng suất trung bình của cả nước. Chi phí trung bình để trồng lại một hécta cà phê là 120-150 triệu đồng. Đây là một vấn đề lớn đối với nông dân, vì hơn 91% nông dân thiếu vốn. Họ không thể có vốn trong những năm đầu tái canh.
Nguyên nhân do thu nhập của hầu hết nông dân phụ thuộc vào thu hoạch cà phê và thặng dư không đáng kể. Khi tái canh, phải mất ba năm để cây cà phê mới ra quả. Các hộ trồng cà phê quy mô nhỏ có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vì họ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, nguồn lực vật chất hạn chế, có ít vốn để đầu tư.
Chưa kể, quá trình tái canh cà phê phải mất ít nhất 5 năm, trong đó có 2 năm cho cải tạo đất, 3 năm cho kiến thiết cơ bản, cũng khiến nông dân khó có đủ kiên nhẫn khi bài toán cơm áo gạo tiền đều phải dựa vào nguồn thu từ cây cà phê. Vấn đề lớn khác là nông dân không có đủ thông tin về các công nghệ cần thiết và các giống cà phê mới. Họ tái canh với hạt giống và cây con có khả năng kháng sâu bệnh thấp, dẫn đến số lượng cây chết trong một hoặc hai năm đầu sau khi trồng thường cao.
Việc tái canh cây cà phê không được như tính toán và mong đợi sẽ làm cho sản lượng giảm mạnh trong thời gian tới. Theo nhiều chuyên gia thì tài chính, nguồn giống và kỹ thuật canh tác đang là những rào cản khiến quá trình tái canh cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên chưa đạt được như kỳ vọng. Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 20 - 30% nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình tín dụng dành cho tái canh cà phê. Trong khi nguồn giống kém chất lượng vẫn là vấn đề nhức nhối bởi có đến 30 - 40% nông dân vẫn sử dụng nguồn giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, 2019).
3.2. Thách thức về tài chính cho việc đầu tư chế biến sâu cà phê
Muốn mở rộng thị trường nội địa phải đa dạng hóa các sản phẩm giá trị gia tăng.
Để trở thành một thương hiệu cà phê rang xay hoặc hòa tan thì lại phụ thuộc vào trình độ công nghệ. Khâu chế biến cuối cùng là rang xay và phối trộn đòi hỏi có công nghệ cao. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp trong nước là phải đầu tư công nghệ chế biến sâu cà phê. Để đầu tư một nhà máy tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng với công nghệ hiện đại, có công suất khoảng 3000 tấn/ năm thì cần tới hàng chục triệu USD, chưa kể chi phí tiếp thị, xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm. Đặc biệt là việc tiếp cận, xâm nhập thị trường, xây dựng thương hiệu, tổ chức thành chuỗi sản xuất để bảo đảm từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ đòi hỏi phải là những doanh nghiệp lớn, có bề dày kinh nghiệm. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên vừa không đủ tiềm lực tài chính, vừa không đủ kinh nghiệm và các bí quyết mang tính đặc thù.
Bên cạnh đó, thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận cho khoản đầu tư này cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp ái ngại trong điều kiện doanh nghiệp không mạnh về vốn tự có mà phải vay ngân hàng với lãi suất cao. Hiện cả nước chỉ có rất ít doanh nghiệp đầu tư đồng bộ dây chuyền sản xuất cà phê như cà phê bột, cà phê hòa tan. Do vậy, yêu cầu về nguồn vốn đầu tư cho công nghệ để chế biến các sản phẩm cà phê chất lượng cao phải trở thành một phần trong chiến lược dài hạn.
3.3. Thách thức từ nhu cầu tiêu thụ cà phê nội địa thấp
Ước tính nếu tỷ lệ tiêu thụ nội đại của Việt Nam ngang bằng Brazil - 50% sản lượng - với mức giá bán thấp, khoảng 5000 đồng cho mỗi ly cà phê thật thì mỗi năm sẽ có khoảng 15 tỷ USD ngay tại thị trường nội địa thay vì chỉ thu 2-3 tỷ USD bằng việc xuất cà phê nhân sô như hiện nay. Là nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới nhưng Việt Nam cũng là nước có lượng cà phê tiêu thụ nội địa thấp nhất. Tiêu dùng trong nước chỉ mới 6 - 7 %. Tại sao tiêu thụ nội địa thấp trong khi dân số không hề nhỏ và cà phê cũng là thức uống phổ biến của đại bộ phần người tiêu dùng mọi thành phần. Tại các đô thị Việt Nam, hình ảnh người làm việc công sở, văn phòng thưởng thức tách cà phê trước giờ làm mỗi sáng rất phổ biến, sự nở rộ của các chuỗi cửa hàng, quán cho thấy cà phê không còn là thức uống xa lạ.
Nguyên nhân dễ thấy là, để sản xuất ra 1kg cà phê rang xay loại phổ thông, doanh nghiệp phải bỏ chi phí khoảng 20.000 đồng gồm khấu hao tài sản cố định, chi phí phụ liệu, phụ gia và nhân công… Nếu muốn bán tại thị trường trong nước, doanh nghiệp phải cộng thêm các chi phí như đưa hàng vào siêu thị, nhân công, tiếp thị sản phẩm, chưa kể phải khấu trừ các khoản hàng tồn kho, gối đầu. Những khoản chi phí này khá lớn. Vì thế, dù giá bán cuối cùng có thể gấp ba lần giá thành nhưng lợi nhuận thu được chưa tới 10%. Trong khi đó, nếu xuất khẩu cà phê nhân thì lợi nhuận có thể lên tới 30-50%.
Nguyên nhân cơ bản là hệ lụy của một thời gian dài cà phê được phân phối bao cấp. Sự thiếu hụt cà phê nguyên liệu và giá cả đắt đỏ đã khiến các cơ sở chế biến sáng tạo ra nhiều cách chế biến cà phê như độn bắp, đậu nành và hương liệu hóa chất để tạo mùi. Người tiêu dùng đa số được tiếp xúc với loại cà phê này nên theo thời gian hình thành “gu” cà phê tạp và chấp nhận thưởng thức loại cà phê này như một điều hiển nhiên. Một ly cà phê như vậy có tỷ lệ tới 70 - 80% đậu, bắp dẫn tới lượng cà phê cần cho chế biến rất thấp, trong khi việc kiểm soát cà phê rang xay, chế biến gần như bị thả nổi. Chất lượng cà phê như vậy không đảm bảo sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng. Giá bán sỉ của các loại cà phê này khoảng 60.000/kg thì không thể có cà phê thật cho cộng đồng sử dụng. Giá thành một 1kg cà phê thật không thể dưới 100.000/kg.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ cà phê trong nước cũng không dễ dàng, do thói quen dùng cà phê có độn đậu và bắp và tẩm hóa chất, kể cả cà phê bẩn của người tiêu dùng. Các thương hiệu cà phê Việt Nam phải thay đổi thói quen và khẩu vị hiện tại của người tiêu dùng, đặt biệt là tầng lớp lao động. Chỉ khi người tiêu dùng có thói quen chọn các sản phẩm đến từ công ty lớn, uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, ghi nhãn mác đầy đủ thì doanh nghiệp mới thay đổi được khẩu vị người tiêu dùng và chỗ đứng của cà phê bẩn mới không còn (Đại học Đà Nẵng, 2018).
3.4. Thách thức về khẩu vị và phong cách thưởng thức
Để các thương hiệu cà phê hòa tan Việt Nam xâm nhập, đứng vững trên các thị trường lớn như châu Âu và châu Mỹ là điều vô cùng khó khăn. Đối với các thương hiệu cà phê trên thế giới như Starbucks, Dunkin Donuts, Gloria Jean’s Coffee… đã có lịch sử tồn tại hàng trăm năm. Khẩu vị trên thế giới từ trước đến nay là vị của cà phê nguyên liệu arabica do Brazil cung cấp. Các nhà bán lẻ như Costa Coffee, Starbucks đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng khẩu vị, phong cách sử dụng cũng như nâng cao khả năng tiêuthụ sản phẩm cà phê dù họ chỉ là chủ thể phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng. Còn tại Việt Nam, cà phê bột và cà phê hòa tan chỉ mới xây dựng khoảng 25 năm trở lại đây, khó có thể thay đổi khẩu vị thế giới. Đối với việc vệ sinh an toàn thực phẩm cũng chưa đủ niềm tin đối với người tiêu dùng quốc tế. Thị trường cà phê toàn cầu hiện tại thì cà phê hòa tan chỉ chiếm 30%, cà phê rang xay chiếm trên 60%. Khi xuất khẩu cà phê rang xay và cà phê hòa tan, điều quan trọng là phải có “gu” riêng. Từ gu riêng đó phải tổ chức xúc tiến thương mại, tiếp thị, xây dựng mạng lưới phân phối đặc biệt phải có chuỗi cửa hàng. Như vậy mới có thể thành công khi tiếp cận thị trường thế giới. Chỉ khi nào Việt Nam có sản phẩm cà phê hòa tan và cà phê rang xay, thì mới có thể tạo ra khẩu vị có tính thương mại của riêng mình. Cùng với đó, cách thức thu hoạch và chế biến sau thu hoạch, chưa có sự thống nhất trong người trồng và các doanh nghiệp trong cả nước. Dây chuyền, máy móc, công nghệ chưa được đầu tư bài bản nên chất lượng cà phê không ổn định.
Sản phẩm cà phê thô do hộ trồng cà phê tạo ra, nhưng họ gần như không phải là chủ thể chính, trong việc vượt qua những thách thức của việc nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trong chuỗi giá trị. Sở dĩ như vậy, vì để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam, đòi hỏi phải có tầm nhìn và chiến lược dài hạn từ phía chính phủ, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê trong sự gắn kết chặc chẽ với hộ trồng cà phê. Các vấn đề về vốn cho tái canh cà phê, chú trọng đến chất lượng cà phê, thích ứng với thị trường trong nước và quốc tế là những vấn đề mà chính phủ các doanh nghiệp chế biến cà phê phải tính đến như những giải pháp dài hạn nhằm nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trong chuỗi.
Bài toán về vốn cho tái canh cà phê, hiện tại vẫn là do hộ trồng cà phê tự thân vận động. Họ chủ yếu tìm nguồn vốn tái canh bằng việc vay ngân hàng với thế chấp chủ yếu là đất và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ, sổ hồng). Nguồn vốn này được phái ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn không đáng kể so với mức lãi suất bình quân. Trên thực tế, vốn cho tái canh cà phê là bài toán nan giải đối với đa số hộ trồng cà phê, nhưng lời giải lại không quá khó đối với chính phủ và các doanh nghiệp lớn chế biến và xuất khẩu cà phê. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, có thể hỗ trợ vốn có điều kiện cho hộ trồng cà phê trong hai năm đầu với nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Đồng thời, chính phủ sẽ có những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp như vậy.
Để đảm bảo chất lượng của những thành phẩm cuối cùng làm từ hạt cà phê, cần tính đến sự đồng bộ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến. Chế biến sâu cà phê và đầu tư mở rộng thị trường nội địa sẽ là giải pháp ngành cà phê Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn. Chính phủ cần thiết phải có cơ chế kiểm soát chặt chất lượng cà phê, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ chế biến cà phê, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Các doanh nghiệp cần thâm nhập vào thị trường nông thôn, giới trẻ, quan tâm hơn đến khẩu vị và phong cách uống cà phê của phân khúc thị trường những người có thu nhập thấp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia Cà phê Việt Nam chất lượng cao. Thời gian thực hiện từ năm 2018-2023 và tầm nhìn 2030. Theo đề án, có ít nhất 10 doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm cà phê chất lượng cao theo chuỗi từ giá trị sản xuất, chế biến đến thương mại, đảm bảo được giá trị gia tăng cho ngành cà phê giai đoạn 2020-2030. Đề án cũng đặt ra có ít nhất 10 doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm cà phê chất lượng cao theo chuỗi từ giá trị sản xuất, chế biến đến thương mại, đảm bảo được giá trị gia tăng cho ngành cà phê giai đoạn 2020-2030 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2017).
Nhu cầu sử dụng cà phê hữu cơ tại thị trường Châu Âu đang ngày càng phát triển.
Trên thị trường này, cà phê hữu cơ hiện diện ở tất cả các phân khúc giá cả và chủ yếu được bán thông qua các siêu thị. Cà phê hữu cơ tuân theo các luồng thương mại ở châu Âu tương tự như cà phê thông thường. Năm 2018, hầu hết các loại cà phê hữu cơ mà Liên minh châu Âu nhập khẩu, đều có nguồn gốc từ Mỹ Latinh.
Về lâu dài, tính bền vững trong việc nâng cao giá trị cà phê Việt Nam, phải tính đến sự phát triển cà phê hữu cơ. Sự phát triển cà phê bền vững là sự tăng trưởng đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng của thế hệ tương lai trong việc thỏa mãn nhu cầu của họ. Cà phê bền vững được sản xuất trong điều kiện có tính đa dạng sinh học cao và đầu vào ít sử dụng hóa chất nông nghiệp, kiểm soát ô nhiễm và tiết kiệm năng lượng trong chế biến cũng như thân thiện với môi trường. Đây là những yếu tố mang tính lợi thế trong cạnh tranh thương mại vì nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe. Nhu cầu đó cũng phù hợp với chính sách của các quốc gia. Hệ thống canh tác cà phê phải bền vững về mặt kinh tế, sinh thái và xã hội, đồng thời khả thi về mặt kỹ thuật và thực tiễn.
Nhu cầu về cà phê chất lượng cao luôn không ngừng tăng lên. Để có nguồn cà phê bền vững, tham gia chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu, chính phủ và lãnh đạo các tỉnh có diện tích cà phê lớn, cần biết cà phê sẽ phát triển ở đâu trong tương lai và sự phù hợp của các khu vực này sẽ thay đổi theo thời gian như thế nào do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Do đó, các vùng trồng cà phê truyền thống có thể biến mất và các vùng mới có thể xuất hiện. Với thông tin này, chuỗi cung ứng sau đó cần phát triển các chiến lược giảm thiểu và thích ứng cụ thể theo từng địa điểm, phù hợp cho cả ngắn hạn và dài hạn để đảm bảo nguồn cung cà phê cũng như hỗ trợ sinh kế cho các hộ trồng cà phê. Bước đầu tiên trong thích ứng là giảm sự tổn thương của nông dân trồng cà phê trước biến đổi khí hậu. Ở những vùng sẽ trở nên không phù hợp để trồng cà phê, cần thiết hướng dẫn nông dân xác định các loại cây trồng thay thế. Ở những vùng có thể bị buộc phải từ bỏ cà phê, cần tính đến về vai trò của các hộ trong quá trình chuyển đổi này. Các vùng mà cà phê hiện không được trồng nhưng trong tương lai sẽ trở nên phù hợp, nên đầu tư chiến lược để phát triển sản xuất cà phê.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2017): Quyết định về việc phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” (Quyết định số 4653/QĐ-BNN-KHCN)
2. Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ (2019): Phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng Tây Nguyên trong bối cảnh liên kết vùng và hội nhập quốc tế, NXB. Khoa học Xã hội
3. Song Minh và Hoàng Bảy (2013): Cuộc rượt đuổi bất tận trên thị trường cà phê nội địa. (Tại: https://cafebiz.vn/cau-chuyen-kinh-doanh/cuoc-ruot-duoi-bat-tan-tren-thitruong-ca-phe-noi-dia-201308310949097701.chn)
ThS. Nguyễn Minh Hiền
Trường Đại học Tài chính - Marketing
email: [email protected], hotline: 086 508 6899