Nỗi đau lương thấp của công nhân ở "cường quốc dệt may"

04/12/2023, 13:42
báo nói -

TCDN - Công nhân may mặc ở "cường quốc dệt may" Bangladesh nhận mức lương tháng thấp nhất so với các nước sản xuất hàng may mặc khác như Campuchia, Indonesia.

Là "cường quốc dệt may" với lượng sản phẩm khổng lồ xuất ra toàn cầu, Bangladesh đã tận dụng lĩnh vực này để chuyển biến từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành một trong những nước phát triển nhất trong khu vực.

Mức lương trung bình quá thấp

Song, nhiều mặt tối đằng sau những số liệu tích cực đã bắt đầu bộc lộ. Theo DW, Các cuộc biểu tình của công nhân may liên tục nổ ra xung quanh thủ đô Dhaka của Bangladesh. Trong nhiều tuần qua, những người biểu tình đã yêu cầu mức lương cao hơn, cho rằng mức lương hiện tại không đủ để họ trang trải cuộc sống.

Khoảng 10.000 công nhân đã rời khỏi các nhà máy và tổ chức các cuộc biểu tình sau khi biết tin chính quyền không đáp ứng đầy đủ yêu cầu tăng lương của họ. Các cuộc biểu tình quy mô lớn khác cũng xuất hiện ở các vùng lân cận thủ đô Dhaka, bất chấp việc ủy ban do chính phủ Bangladesh chỉ định đã tăng mức lương tối thiểu hàng tháng cho công nhân may mặc thêm 56,25% lên 12.500 taka (khoảng 2,7 triệu đồng) từ mức 8.300 taka (khoảng 1,8 triệu đồng).

Nhiều người phản đối và cho rằng mức tăng ấy quá thấp. Họ yêu cầu mức lương tối thiểu tăng khoảng 3 lần, lên 23.000 taka (khoảng 5 triệu đồng).

Sabina Begum, một thợ may 22 tuổi, nói với với AFP rằng cô tham gia biểu tình vì cô cần đấu tranh để đảm bảo đủ lương thực cho gia đình, đồng thời khẳng định mức lương tối thiểu hàng tháng hiện tại không đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản.

"Làm sao chúng tôi có thể sống một tháng với 8.300 taka khi riêng tiền thuê căn nhà một phòng ngủ đã tốn tới 5.000-6.000 taka?" Begum nói.

Cuộc sống công nhân vất vả hơn do lạm phát

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may chiếm tới 85% tổng kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD của Bangladesh mỗi năm.

Khoảng 3.500 nhà máy dệt may đang hoạt động tại "cường quốc dệt may, sản xuất quần áo cho nhiều thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Zara, Levi's và H&M.

Bất chấp thực tế đó, điều kiện sống của 4 triệu công nhân trong ngành vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Tới nay, nhiều người chỉ sống với mức lương tối thiểu ở mức 12.500 taka mỗi tháng.

cong nhan det may

Chia sẻ với DW, Kalpona Akter, chủ tịch Liên đoàn Công nhân công nghiệp và may mặc Bangladesh, cho rằng cuộc sống của công nhân may mặc đã trở nên vất vả hơn trong bối cảnh lạm phát tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu sau đại dịch.

"Công nhân phải tiết kiệm trong từng bữa ăn hàng ngày để đối phó với việc giá cả tăng cao. Họ đã giảm bớt lượng thức ăn mỗi bữa để tồn tại", bà Kalpona Akter chia sẻ với DW. "Nếu người lao động không thể trang trải cuộc sống với mức lương hiện tại, họ chắc chắn sẽ yêu cầu mức lương cao hơn đủ để họ có thể tồn tại".

Mức lương thấp đã giúp Bangladesh trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới sau Trung Quốc. Tuy nhiên, giá nhiên liệu và điện tăng vọt đã khiến chi phí sinh hoạt của người dân tại "cường quốc dệt may" tăng vọt.

Daily Star đưa tin lạm phát ở Bangladesh tăng vọt trong tháng 10, lên tới 9,93%, bất chấp việc chính phủ liên tục thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát.

Một báo cáo nghiên cứu do Trung tâm đối thoại chính sách công bố cho thấy công nhân may mặc Bangladesh nhận mức lương hàng tháng thấp nhất so với các nước sản xuất hàng may mặc khác như Campuchia, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...

Các nghiên cứu toàn diện về chi phí sinh hoạt của Viện Nghiên cứu Lao động Bangladesh cũng đã chỉ ra rằng người lao động cần ít nhất 23.000 taka để có mức sống trên ngưỡng nghèo.

Giống như hầu hết các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, các nhà bán lẻ thời trang đang vật lộn với lượng hàng tồn kho cao. Nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại cũng khiến người mua hàng ở các thị trường trọng điểm ít hơn.

Như Hằng/France24
Bạn đang đọc bài viết Nỗi đau lương thấp của công nhân ở "cường quốc dệt may" tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan