Ô nhiễm không khí gây tổn thất khoảng13 tỷ USD, đề xuất thu thuế carbon
TCDN - Thông tin này được PGS.TS Đinh Đức Trường - Trường Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra tại Tọa đàm Đối thoại chính sách quý 1/2020: “Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm” ngày 14/1.
Theo PGS.TS Đinh Đức Trường, thiệt hại ô nhiễm không khí được lượng giá dựa vào thu nhập và phúc lợi. Cụ thể, thông qua đo lường tổng thu nhập bị mất do chết trước tuổi kỳ vọng do ô nhiễm không khí; đo mức chi trả của xã hội cho giảm rủi ro tử vong do ô nhiễm không khí sẽ lượng giá được tổn thất kinh tế.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, số lượng người tử vong do ô nhiễm môi trường tại Việt Nam là 71.000 người, trong đó 50.000 người chết do ô nhiễm không khí.
Trong khi, giá trị của đời sống thống kê - VLS Việt Nam (2018) là 216.323 – 272.654 USD. Theo đó, thiệt hại kinh tế của ô nhiễm không khí là 10,82 - 13.63 tỷ USD tương đương với 4.45 - 5.64% GDP năm 2018.
Để giảm thiểu ô nhiễm, PGS.TS Đinh Đức Trường cho rằng, vấn đề trước tiên là cần thực hiện các giải pháp tài chính như: áp dụng thuế carbon, thu phí ô nhiễm không khí, phát hàng trái phiếu môi trường và hợp tác công tư (PPP) – cơ sở hạ tầng.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, gần 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đề ra mục tiêu giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ Trái đất ấm lên ở mức dưới 2°C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong báo cáo tháng 10/2019, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhắc lại, thực thi thuế carbon là một công cụ hiệu quả và mạnh mẽ nhất để giảm lượng khí thải gây biến đổi khí hậu. IMF nhận thấy giá trung bình toàn cầu của thuế carbon là 2 USD/tấn, trong khi thế giới yêu cầu thuế carbon toàn cầu phải là 75 USD/tấn vào năm 2030 để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá ngưỡng 2°C, theo Hiệp định khí hậu Paris. Như thế, giá điện sẽ tăng trung bình 70% và giá xăng tăng từ 5% đến 15% ở hầu hết các nước. Nhưng đó là bức tranh trước khi người ta xem xét số tiền thu từ thuế carbon có thể làm gì.
Nếu các chính phủ sử dụng doanh thu thuế carbon phân bổ cho những người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương, đồng thời cắt giảm các loại thuế không hiệu quả về mặt kinh tế - như thuế thu nhập thì việc tăng giá điện hay xăng là không đáng kể. Tiền thuế carbon cũng có thể dùng cho nghiên cứu và phát triển thiết yếu để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang tái tạo. Báo cáo của IMF cho biết, chi phí để đạt được giảm phát thải thông qua phương pháp thuế carbon sẽ thấp hơn chi phí để khắc phục hậu quả thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899