Ông Vũ Tiến Lộc: "Thị trường vốn chủ yếu vẫn từ tín dụng"

13/09/2022, 13:36
báo nói -

TCDN - Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nguồn vốn huy động qua chứng khoán và trái phiếu mới chiếm 26%, tức là cứ 4 đồng vốn huy động thì chỉ có 1 đồng từ thị trường vốn, còn lại chủ yếu qua kênh tín dụng.

Cần một chế định độc lập

Tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” sáng 13/9, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, mặc dù doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi nhưng sự hồi phục còn gian nan, ngoài vấn đề khó khăn hậu đại dịch, vấn đề vốn rất cần quan tâm, doanh nghiệp đang rất cần tiếp sức nguồn vốn nhưng hiện các van của nguồn vốn đang gặp nhiều ách tắc.

Theo ông Lộc, nếu không khơi thông được dòng chảy nguồn vốn thì kết quả phục hồi rất khó được như kỳ vọng. Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước đã nới room cho các ngân hàng nhưng chúng ta đang đứng trước sức ép của lạm phát nên du di cho nới room sẽ không nhiều. Chính vì vậy nguồn cung ứng tín dụng vào nền kinh tế cũng đang hạn chế so với nhu cầu về nguồn vốn để phục hồi và phát triển nên thị trường đang kỳ vọng vào các van tín dụng khác cho nền kinh tế qua kênh chứng khoán, trái phiếu…

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Dẫn chứng về kênh huy động vốn, ông Lộc cho hay, có thể thấy ở các nước kênh vốn chủ yếu đến từ thị trường vốn nhưng Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ tín dụng. Thị trường vốn Việt Nam có phát triển khá mạnh trong 5 năm gần đây nhưng vẫn còn non trẻ. Nguồn vốn huy động qua chứng khoán và trái phiếu mới chiếm 26%, tức là cứ 4 đồng vốn huy động thì chỉ có 1 đồng từ thị trường vốn, còn lại chủ yếu qua kênh tín dụng. Đây là vấn đề cần tháo gỡ của Việt Nam. Cần phải làm sao để nguồn vốn của người dân trực tiếp tham gia vào quá trình huy động vốn chứ không phải qua kênh tiết kiệm ngân hàng.

Trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại; các lĩnh vực khác tiếp tục khá hạn chế, chỉ có 2 đợt phát hành từ CTCP Fuji Nutri Food và CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền với tổng 1.800 tỷ đồng.

TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, câu chuyện trái phiếu là dài hạn, phát triển thị trường tài chính nói chung đặc biệt thị trường vốn, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước châu Á có lịch sử dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng thương mại, khác với các thị trường Mỹ, Anh có nhiều thị trường vốn hơn. Câu chuyện phát triển thị trường trái phiếu đã được bàn từ năm 2000, cũng đã xây dựng chiến lược phát triển, đó là câu chuyện lớn, dài.

Thời điểm hiện tại trong giai đoạn phục hồi, theo ông Thành, kênh huy động vốn vốn quan trọng bên cạnh tín dụng, cổ phiếu IPO, một số hình thức đầu tư như FDI, quỹ thì trái phiếu thực sự là kênh quan trọng với doanh nghiệp không chỉ trong bất động sản. Tuy nhiên, trong phát triển thị trường trái phiếu cũng như vốn nói chung, bên cạnh ý nghĩa nhu cầu thì kèm rủi ro.

Đánh giá về thị trường trái phiếu Việt Nam, TS. Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, trong xã hội đã có phân công nhiệm vụ, khi dòng vốn ngắn hạn thì giao cho ngành ngân hàng, còn về vốn dài hạn thì phải dựa vào thị trường trái phiếu.

Theo ông Phước, muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến thì chúng ta cần có một định chế độc lập, cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng. Cần phải có các định chế xếp hạng sức khỏe của doanh nghiệp, nhà đầu tư từ đó quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Phát triển thị trường vốn dựa vào niềm tin của doanh nghiệp, người dân

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, thống kê tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 1,5 triệu tỷ, tổng số vốn trung dài hạn hệ thống ngân hàng 5 triệu tỷ, bằng khoảng 1/3. Những năm qua, vốn trái phiếu tăng trưởng với khoảng 30-35%/năm. Nếu tính toán công thức có nghĩa 2 năm sau khối lượng trái phiếu tăng lên gấp đôi, lên khoảng 2,8 triệu tỷ, 2 năm kế tiếp lên 5,6 triệu tỷ, 6 năm sau lên 11,2 triệu tỷ. 11,2 triệu tỷ gánh được gần như vốn trung dài hạn mà hệ thống ngân hàng tìm vốn ngắn cho vay trung dài hạn.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Ông Nghĩa cho biết, đây là điều chúng ta kỳ vọng trong tương lai, trong khi hiện tại có quan điểm coi trái phiếu như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành, có trường hợp sai phạm, nhà đầu tư phải ráng chịu. Trái phiếu là thị trường vô cùng quan trọng nhưng đang không được phát triển với tâm thế xem nó là "máu" của nền kinh tế thị trường.

Ông Nghĩa cho rằng niềm tin và trách nhiệm là 2 từ gắn với nhau. Trách nhiệm lớn lao nhất là Chính phủ, niềm tin là doanh nghiệp, nhân dân, là trụ cột thị trường này. Chính phủ không nên nói không, chỉ trên nền tảng trách nhiệm của Chính phủ thì mới tạo lòng tin. Lòng tin quyết định phát triển thị trường.

Đồng tình với điều này, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, khi chúng ta tham gia thị trường đều có niềm tin, luật chơi ở đây là nếu người ta làm sai thì phái trả giá, bất kỳ thị trường nào cũng đều phải xây dựng hệ thống niềm tin. Thông thường, chúng ta có 2 cách tiếp cận về niềm tin. Cách cổ điển là chúng ta xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro. Cách làm như thế đúng là ít rủi ro nhưng lại tiêu diệt thuộc tính đương nhiên của thị trường là có rủi ro.

Do đó, chúng ta có cách tiếp cận mới là phải xây dựng niềm tin, xây dựng các công cụ xử lý rủi ro. Do mỗi nhà đầu tư có khẩu vị khác nhau về rủi ro nên có những nhu cầu khác nhau, nên chúng ta cần có các công cụ khác nhau.

Nhiều người nói phải xây dựng các cơ quan xếp hạng tín nhiệm để lấy niềm tin, vậy niềm tin đơn vị xếp hạng lấy ở đâu ra? Do đó, công cụ phát triển niềm tin tốt hơn là xây dựng bảo hiểm rủi ro, theo đó, chúng ta xây dựng những định chế đảm bảo, rằng rủi ro ít thì trả họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều… thị trường khi đó sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn. Theo đó, trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Ông Vũ Tiến Lộc: "Thị trường vốn chủ yếu vẫn từ tín dụng" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

'Nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp cần thận trọng'
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng cho biết, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp cần lưu ý tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường có nhiều biến động, giá trị tài sản có thể bị sụt giảm, không đủ thanh toán trái phiếu.