Phân lô, bán nền trái phép ở Bình Dương: Doanh nghiệp “đặc quyền” lập dự án sai quy hoạch
TCDN - Hiện nay, nhiều địa phương, chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, có trường hợp điều chỉnh tùy tiện, nhằm phục vụ lợi ích nhà đầu tư, ảnh hưởng môi trường, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư.
Đây là thực trạng đang diễn ra ở Bình Dương, đặc biệt tại các dự án do bà Phạm Thị Hường thực hiện.
Cách hơn một tháng lại được giao một khu đất
Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bà Hường hiện là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH TMDV BĐS Phú Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH BĐS Phú Hồng Thịnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Đầu tư & Phát triển Đô thị Việt Nam.
Ba doanh nghiệp (DN) tư nhân này được cấp giấy phép kinh doanh vào các năm 2006, 2013 và 2017; cùng đăng ký trụ sở tại số nhà 18A, 18B, 18C đường Nguyễn Văn Tiết, Khu phố Bình Hòa, phường Lái Thiêu, TP Thuận An.
Hiện tại, số nhà 18C còn là địa chỉ trụ sở của Công ty CP Phú Gia Khiêm Land, thành lập ngày 4/10/2018.
Từ 2015 đến 2020, các công ty của bà Hường hàng chục lần được giao đất làm dự án nhà ở thương mại.
Ngày 31/12/2015, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định 3610/QĐ-UBND giao 0,8ha đất và cho chuyển mục đích sử dụng thành đất ở đô thị để bà Hường thực hiện Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh II (phường An Phú, TP Thuận An).
Năm 2017, bà Hường được giao đất làm dự án Phú Hồng Thịnh III (1,08ha); Phú Hồng Thịnh V (cùng phường An Phú, TP Thuận An, 1,33ha); Phú Hồng Thịnh VI (phường Bình An, TP Dĩ An, 5,3ha);
Năm 2018, bà Hường được giao tới 8 dự án, nghĩa là trung bình cứ một tháng rưỡi lại được giao một khu đất. Đó là Phú Hồng Thịnh VIII (phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, 7,3ha); Phú Hồng Thịnh IX (4,7ha); Phú Hồng Thịnh X (cùng phường Bình An, TP Dĩ An, 5,3 ha); Phú Hồng Khang (3,4ha); Phú Gia Huy (3,7ha); Phú Hồng Đạt (cùng phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, 3ha); Phú Hồng Phát (2,7ha); Phú Hồng Lộc (cùng phường Thuận Giao, TP Thuận An, 2,5ha);
Năm 2019, bà Hường tiếp tục được UBND tỉnh Bình Dương giao 4 khu đất làm dự án Phú Gia (2,65ha); Phú Vinh (cùng phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, 2,65 ha); Phú Huy (phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, 1,1ha); Khu nhà ở chuyên gia Phú Uy Khang (phường An Phú, TP Thuận An, 0,84 ha);
Về phía Công ty CP Phú Gia Khiêm Land, dù mới thành lập ngày 4/10/2018, nhưng đã được tỉnh Bình Dương giao 0,67 ha đất và cho chuyển mục đích từ đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thành đất ở đô thị để xây Khu chung cư cao cấp Phú Hồng Thịnh tại phường An Phú, TP Thuận An; theo Quyết định số 739/QĐ-UBND ngày 19/3/2020 của UBND tỉnh Bình Dương.
Như vậy, theo thống kê sơ bộ, chỉ trong ba năm, từ 2017-2019, trước khi Quốc hội ra Nghị quyết về việc thành lập TP Thuận An và TP Dĩ An (được nâng cấp lên từ hai Thị xã nằm sát cạnh TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 1/2020), bà Hường đã được tỉnh Bình Dương giao khoảng 500 ngàn m2 đất xây các khu nhà ở thương mại. Đây mới chỉ là con số trên giấy tờ. Trên thực địa cho thấy diện tích đất bà Hường thâu tóm còn nhiều hơn trên giấy.
Những quyết định giao đất “thần tốc” nhiều sai sót
Có những thời điểm như năm 2018, bà Hường liên tiếp được giao 8 khu đất phân lô bán nền. Tốc độ cấp phép của tỉnh Bình Dương cho bà Hường cũng rất “thần tốc”, có khi trong cùng một ngày, buổi sáng Sở TN&MT làm tờ trình, thì buổi chiều lãnh đạo tỉnh đã ký quyết định giao đất.
Như tại dự án Phú Hồng Thịnh VIII (phường Bình An, Dĩ An), chỉ 16 ngày từ khi có ý tưởng đầu tư, được tỉnh chấp thuận, ngày 2/1/2018, Giám đốc Sở TN&MT đã có tờ trình số 01/TTr-STNMT. Cùng ngày, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương ký Quyết định 01/QĐ-UBND với hai nội dung: Thứ nhất, thu hồi 6 sổ đỏ và Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình của một DN khác. Thứ hai, cho phép bà Hường chuyển mục đích gần 73 ngàn m2 đất đó để thực hiện dự án, chuyển mục đích sang đất ở đô thị.
Tại dự án Phú Hồng Thịnh X, một ngày sau khi UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, Giám đốc Sở TN&MT đã có tờ trình 203/TTr-STNMT ngày 11/4/2018. Chỉ một ngày sau, 12/4/2018, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ký Quyết định 939/QĐ-UBND: Thứ nhất, thu hồi khu đất 51.446m2 từng được tỉnh cấp cho một DN khác sản xuất. Thứ hai, cho Phú Hồng Thịnh sử dụng 53.584,7m2 xây dự án nhà ở thương mại.
Chính vì thực hiện “siêu tốc” trong vòng 3 ngày, đã dẫn đến nhiều sai sót.
Thứ nhất, “vênh” nhau về diện tích, “dôi dư” ra 2.138,7m2 đất khi giao Phú Hồng Thịnh, không rõ có phải là đất công hay không?
Thứ hai, trong pháp luật về đất đai, chỉ có các dạng quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất… chứ không hề tồn tại dạng quyết định “cho phép được sử dụng đất” như Quyết định 939/QĐ-UBND trên.
Thứ ba, đất cũ là đất gì mà không chuyển mục đích, lại “cho phép sử dụng” ngay?
Thứ tư, sai về hình thức, vì không thể “nhốt” tất cả các quyết định thu hồi đất người này, giao cho người khác, vào cùng một văn bản.
Chưa sửa quy hoạch đã chấp thuận cho xây nhà trên đất công nghiệp
Dấu hiệu các DN bà Hường là “sân sau”, được hưởng các “đặc quyền ngoài vòng pháp luật” còn thể hiện rõ ở việc tỉnh Bình Dương đồng ý cho bà Hường thực hiện những dự án sai quy hoạch.
Tại dự án Phú Vinh và Phú Gia (từ khu đất 5,3ha chia đôi tại phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, trên thực tế hiện nay được gộp làm 1 thành dự án Icon Central), ngay từ ngày 10/12/2018, UBND tỉnh Bình Dương đã có Công văn 5959/UBND-KTN và 5960/UBND-KTN chấp thuận cho hai DN của bà Hường làm chủ đầu tư.
Vấn đề ở chỗ, thời điểm này, dự án trên không phù hợp quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TP Dĩ An, toàn bộ khu đất là đất cụm công nghiệp và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Như vậy, hai công văn chấp thuận chủ đầu tư của UBND tỉnh Bình Dương đã vi phạm điều cấm quy định tại khoản 8 Điều 16 Luật Quy hoạch đô thị “Cố ý vi phạm quy hoạch đô thị đã được phê duyệt”.
Bỏ qua sai phạm này, tỉnh Bình Dương sau đó thay đổi quy hoạch, biến khu đất ba mặt giáp các nhà máy xí nghiệp sang chức năng đất ở dự án theo Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phường Tân Đông Hiệp, được UBND TP Dĩ An phê duyệt điều chỉnh cục bộ tại Quyết định 125/QĐ-UBND ngày 9/1/2019. UBND TP Dĩ An sau đó phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định 331/QĐ-UBND và 332/QĐ-UBND ngày 17/1/2019.
Tại dự án Phú Hồng Khang (phường Bình Chuẩn, Thuận An, quy mô 3,45 ha, phân lô bán nền thành 320 lô đất nhà ở liền kề, sau này “liên thông” với dự án Phú Hồng Đạt bên cạnh thành một), còn có dấu hiệu cho thấy tỉnh Bình Dương đã “bóp” cả một con đường rộng từ 38m xuống còn 26m để phục vụ lợi ích dự án tư nhân.
Theo Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phường Bình Chuẩn đến 2020 định hướng 2030 được phê duyệt tại Quyết định 7756/QĐ-UBND ngày 30/12/2014, tuyến đường Bình Chuẩn 67 (nay là Bình Chuẩn 37) được xác định là đường khu vực (lộ giới 24m, mặt đường 14m).
Ngày 7/6/2018, bà Hường được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận lấy đất tại khu vực này làm chủ đầu tư dự án nhà ở tại Công văn số 2498/UBND-KTN. Có điều con đường rộng 38m trong quy hoạch nêu trên chạy qua dự án Phú Hồng Khang.
Rất nhanh, chỉ chưa đầy 3 tuần sau, ngày 27/6/2018, UBND TP Thuận An đã có Quyết định số 4198/QĐ-UBND điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phường Bình Chuẩn, lộ giới tuyến đường Bình Chuẩn 37 giảm còn lộ giới 17m, mặt đường 9m. Nghĩa là 12m lộ giới và mặt đường đã biến mất, nhường đất cho dự án bà Hường.
Chưa đầy một tuần sau, ngày 3/7/2018, UBND TP Thuận An phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án tại Quyết định số 4276/QĐ-UBND. Tỉnh Bình Dương giao đất và cho bà Hường chuyển mục đích sử dụng thực hiện dự án tại Quyết định số 2030/QĐ-UBND ngày 25/7/2018.
Sau khi mọi chuyện rơi vào tình trạng “sự đã rồi”, mãi tới ngày 30/10/2018, UBND TP Thuận An mới có văn bản số 3227/UBND-KT xác định tuyến đường này không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của thành phố.
Chưa đủ đất nhưng đã có… quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500
Tại các dự án của bà Hường, cơ quan quy hoạch của tỉnh Bình Dương cũng có nhiều hành vi gian dối trắng trợn, khi thực hiện được những điều không tưởng: Trong cùng một ngày, khi bà Hường sáng vừa nhận chuyển nhượng đất, thì buổi chiều đã xong quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Tại dự án Phú Hồng Đạt, ngày 3/7/2018, bà Hường nhận chuyển nhượng 4989m2 đất của một DN (dạng đất cơ sở sản xuất kinh doanh, Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm) và 16.811,2m2 đất xây dựng công trình công nghiệp Nhà nước cho thuê. Ngay trong ngày, UBND TP Thuận An đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án tại Quyết định 4277/QĐ-UBND.
Phi lý hơn nữa là tình trạng chưa có đất mà đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 tại dự án Phú Hồng Khang. ngày 3/7/2018, bà Hường nhận chuyển nhượng 204m2 đất trồng cây lâu năm của một cá nhân. Ngày 16/7/2018 bà Hường ba lần ký hợp đồng nhận chuyển nhượng gần 7700m2 đất ở và đất trồng cây của 3 cá nhân. Cũng trong ngày này, bà Hường được tỉnh Bình Dương giao 100,8m2 đất công để tăng diện tích dự án. Thế nhưng trước đó 13 ngày, từ 3/7/2018, UBND TP Thuận An đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án tại Quyết định số 4276/QĐ-UBND (cùng ngày với dự án Phú Hồng Đạt).
Những tình tiết trên không chỉ chứng tỏ sự phi lý, mà còn cho thấy có dấu hiệu một số cán bộ, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng DN bà Hường lập quy hoạch gian dối.
Để ra bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, DN phải có đất, nộp các hồ sơ giấy tờ đến cơ quan chức năng, lấy ý kiến một số đơn vị ban ngành, làm tờ trình đề nghị, ra vô số các loại bản vẽ, bản đồ… sau đó cán bộ thẩm quyền mới thẩm định, trình lãnh đạo xem xét phê duyệt. Dù có là “siêu nhân”, cũng không ai có thể làm xong các thủ tục để ra bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 chỉ trong một ngày, từ khi DN có đất. Thế nhưng các dự án của bà Hường đã làm được, thậm chí còn có bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trước khi có đất.
Tự quảng bá là “một trong những DN tiên phong, đi đầu trong quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị và xã hội ở tỉnh Bình Dương”, “tâm – tài”... Nhưng thực tế, các DN bà Hường làm chủ đã phá nát quy hoạch tỉnh Bình Dương; vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch... Một vấn đề khác đặt ra, hệ thống chính quyền, các cơ quan giám sát của Bình Dương vì sao để DN lộng hành như vậy?
email: [email protected], hotline: 086 508 6899