Phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn: Gắn sản phẩm chủ lực với ứng dụng công nghệ

15/11/2024, 16:15

TCDN - Bên cạnh xây dựng các vùng sản xuất theo 3 cấp sản phẩm gồm: Sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm đặc sản địa phương, ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đã tích cực chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất quả, các sản phẩm từ quả.

8-1

Chuyên tâm sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

Với mục đích liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, từ năm 2018, 8 hộ dân bản Huổi Bó, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã cùng góp vốn, đất sản xuất thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười để trồng nhãn, xoài theo quy trình VietGAP. Hiện nay, HTX có 14 thành viên, sản xuất 30 ha nhãn, 15 ha xoài; năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha, sản lượng trên 465 tấn. Để tiêu thụ sản phẩm, HTX tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do huyện, tỉnh tổ chức; chủ động kết nối với các doanh nghiệp, thương lái lớn. Năm 2020, HTX tham gia chuỗi liên kết sản xuất với các đối tác lớn, như Công ty cổ phần phân bón Fusa Hải Dương, cung cấp phân bón và bao tiêu sản phẩm cho HTX; Công ty Syngenta cung cấp thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười chia sẻ, tham gia chuỗi liên kết, việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản, không còn là nỗi lo được mùa mất giá như trước; việc sản xuất theo đơn đặt hàng giúp các thành viên HTX chuyên tâm sản xuất, đảm bảo chất lượng để giao sản phẩm cho khách hàng theo tiêu chuẩn.

Là một trong những điểm sáng trong việc liên kết chuỗi, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông dân phát triển vùng nguyên liệu; xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân trồng mía. Hiện nay, Công ty liên kết sản xuất với trên 10.000 hộ trên địa bàn huyện Mai Sơn, Yên Châu, trồng trên 9.000 ha mía, năng suất 65 tấn mía cây/ha. Sản lượng mía bình quân đạt 550.000-650.000 tấn/năm. Hằng năm, Công ty đầu tư 200-220 tỷ đồng cho sản xuất vùng mía nguyên liệu; trong đó, hỗ trợ không hoàn lại khoảng 50 tỷ đồng... Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, cho biết: Để người dân yên tâm, gắn bó với cây mía, Công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng cung cấp giống, phân bón cho các hộ ký hợp đồng trồng mía. Hỗ trợ làm đường vận chuyển mía nguyên liệu; tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư phục vụ sản xuất, sửa chữa nhà ở, tạo niềm tin và sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân - doanh nghiệp.

Tại huyện Thuận Châu, để hình thành chuỗi liên kết "4 nhà" gồm: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học, huyện Thuận Châu đã vận động người dân trồng xoài tham gia thành lập các hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp. Từ đó, nhằm tạo sự thuận lợi trong quá trình chăm sóc cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Được thành lập từ năm 2017, Hợp tác xã nông nghiệp bản Bon, huyện Thuận Châu hiện có gần 80 thành viên tham gia. Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, hợp tác xã đã khảo sát, lựa chọn địa điểm, triển khai trồng hơn 100 ha xoài tượng da xanh; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 70% tiền mua cây giống. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với cán bộ kỹ thuật của các hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tỉa hoa, bọc quả bằng túi giấy sinh học.

Hiện nay, đối với các hộ dân và hợp tác xã đã liên kết với doanh nghiệp, việc thu mua, bao tiêu sản phẩm được thực hiện ngay tại vườn. Xoài sau khi thu hoạch được công ty cử công nhân tới tận nơi phân loại, đóng gói bước một. Sau khi vận chuyển tới nhà kho, xoài sẽ tiếp tục được phân loại, đóng gói bước 2, trước khi vận chuyển, xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ đó, đời sống của bà con đã được cải thiện.

Cùng với quả xoài, cà phê cũng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Sơn La. Nhiều năm nay, hàng trăm hộ trồng cà phê ở Thành phố Sơn La không còn bị tư thương ép giá nhờ liên kết sản xuất với HTX cà phê Bích Thao. Việc sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định, còn làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao cho biết, năm 2017, tôi đã liên kết với 11 hộ trồng cà phê ở bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La thành lập HTX cà phê Bích Thao, quy mô 50ha cà phê và ký hợp đồng thu mua với 800 hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh. Với mục đích nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, từng bước xây dựng uy tín, thương hiệu cà phê, HTX tập trung mở rộng quy mô sản xuất; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất, triển khai mô hình trồng cà phê an toàn tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, HTX còn liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp chế biến sản phẩm cà phê đặc sản xuất khẩu theo hướng bền vững; xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao. Năm 2023, dự kiến sản lượng HTX đạt 4.000 tấn cà phê; trong đó, xuất khẩu 90-95%, giá trị ước đạt 15-20 tỷ đồng.

Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh đã xây dựng duy trì, phát triển 280 chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn. Bên cạnh đó, cấp 294 mã số vùng trồng cho 43 cơ sở. Có 27 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh; 98 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP còn hiệu lực; chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh; lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 151 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao đến 5 sao. Liên kết chuỗi mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, HTX, người sản xuất, người tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu. Thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật nông nghiệp vào sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cung ứng cho thị trường.

Tuy nhiên, việc liên kết chuỗi nông sản còn gặp khó khăn do thiếu sự chủ động, tích cực của người dân; sự tham gia của các chủ thể vào các khâu trong chuỗi cung ứng của một số sản phẩm nông sản còn lỏng lẻo, thiếu tập trung. Bên cạnh đó, tình trạng nông dân sản xuất và bán nông sản thông qua thương lái vẫn phổ biến, giá cả thường không ổn định.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, giải quyết vấn đề này, tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển các doanh nghiệp, HTX… Bên cạnh đó, rà soát, xây dựng các vùng sản xuất theo 3 cấp sản phẩm gồm: Sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm đặc sản địa phương mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”, lồng ghép vào các quy hoạch phát triển ngành cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh; Tiến hành tổ chức cấp mã số vùng trồng, triển khai có hiệu quả Luật Trồng trọt.

Đồng thời, tích cực chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất quả, các sản phẩm từ quả, nhất là các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; Thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản; Chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, phục vụ các nhà máy chế biến gắn với phát triển các sản phẩm lợi thế, chủ lực của từng địa phương, đáp ứng đủ nguyên liệu chế biến...

“Xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với HTX và người nông dân, đã khẳng định những ưu điểm trong phát triển nông nghiệp bền vững. Đây cũng là hướng đi chính của sản xuất nông nghiệp Sơn La trong thời gian tới” – ông Huệ khẳng định.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn: Gắn sản phẩm chủ lực với ứng dụng công nghệ tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm
Một trong những vấn đề trọng tâm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh triển khai để tạo dòng chảy của nông sản từ đồng ruộng đến với người tiêu dùng là xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành các hợp tác xã đủ mạnh, đồng thời chuẩn hóa các tiêu chuẩn xuất khẩu.