Phát triển du lịch homestay tại Cù Lao An Bình - Vĩnh Long

23/05/2024, 10:58
báo nói -

TCDN - Loại hình du lịch homestay đang đóng góp rất lớn, vì vậy, quan tâm đến giải pháp để phát triển loại hình du lịch này là thực sự cần thiết.

6-1

TÓM TẮT:

Theo Nghị quyết của tỉnh ủy Vĩnh Long đã đề ra, các chỉ tiêu qui hoạch phát triển ngành Du lịch của UBND tỉnh Vĩnh Long đến năm 2015 và 2020, lượng khách đến Vĩnh Long lần lượt là 1 triệu lượt khách và 2,6 triệu lượt khách và Cù lao An Bình là nơi thu hút lượng khách đến du lịch đông nhất (90%) tổng lượng khách đến Vĩnh Long. Để thực hiện mục tiêu này, loại hình du lịch homestay đang đóng góp rất lớn, vì vậy, quan tâm đến giải pháp để phát triển loại hình du lịch này là thực sự cần thiết.

1. Đặt vấn đề

Tỉnh Vĩnh Long nói chung, Cù lao An Bình - huyện Long Hồ nói riêng, loại hình du lịch homestay được xem là “cái nôi” ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau nhiều năm làm du lịch và nhận được những trái ngọt từ hiệu quả làm nghề, người nông dân đã chú trọng hơn và xem du lịch chính là một nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên, sự cạnh tranh đang diễn ra ngày càng gay gắt ngay giữa những homestay tại vùng đất Cù lao lẫn các tỉnh lân cận.

Vấn đề được đặt ra là, homestay tại Cù lao An Bình làm sao để thu hút khách đến nhiều hơn và làm thế nào để níu chân du khách ở lại lâu hơn hay du khách sẽ quay trở lại với du lịch đất Cù lao trong chuyến du lịch kế tiếp của mình. Tác giả nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của loại hình du lịch homestay với nhiều thế mạnh nhưng cũng không ít thách thức và hạn chế. Trong đó, một hạn chế lớn nhất và còn chưa có hướng giải quyết đó chính là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng homestay đã và đang ngày càng khó khăn trong việc thỏa mãn được nhu cầu của du khách. Bởi lẽ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ… đều có những sản phẩm du lịch tương tự và gần như là giống nhau. Du khách chỉ cần đến một điểm là đã hiểu rõ những điểm khác như thế nào.

Việc tìm kiếm những định hướng, giải pháp đưa du lịch tỉnh Vĩnh Long đặc biệt là du lịch homestay của vùng đất Cù lao An Bình - huyện Long Hồ, loại hình du lịch hiện đang là điểm nhấn và được khai thác chủ yếu tại Vĩnh Long ngày càng đi lên và phát triển đúng định hướng.

2. Tiềm năng phát triển du lịch homestay tại Cù lao An Bình

Vĩnh Long là tỉnh thuộc hạ lưu sông Mê Kông, nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và ở trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phía Bắc và Đông Bắc giáp các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, phía Tây Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Đông Nam giáp với tỉnh Trà Vinh, phía Tây Nam giáp các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và Thành phố Cần Thơ.

Long Hồ là một trong tám Huyện - Thành phố của tỉnh Vĩnh Long, diện tích tự nhiên 19.289 ha. Huyện chia làm 15 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 14 xã và 1 thị trấn (trong đó có 04 xã cù lao), tổng cộng 112 ấp - khóm, phần lớn cơ quan ban ngành huyện đặt tại Trung tâm Thị trấn Long Hồ (Khóm 5, Khóm 1 và Khóm 2); Lao động làm việc trong khu vực nhà nước là 2.349 người, làm việc trong các ngành kinh tế 89.482 người.

Cù lao An Bình - huyện Long Hồ với địa hình điển hình của dạng đồng bằng bồi tụ phù sa sông mà người dân ở đây thường gọi là “cù lao sông” hay “cồn” là kết quả của sự bồi tụ phù sa ở rìa hoạt động của châu thổ. Bề mặt địa hình bị chia cắt khá phức tạp do mạng lưới sông ngòi chằn chịt. Lớp mặt được bồi lắng nguồn phù sa mới từ sông Tiền và sông Cổ Chiên rất thuận lợi phát triển nông nghiệp nhất là cây ăn trái, tạo ra cảnh quan miệt vườn trù phú thuận lợi phát triển du lịch sinh thái, du lịch sông nước miệt vườn. Cù lao An Bình khá thuận lợi cho nông nghiệp theo hướng đa canh, thêm canh tăng vụ, nhất là các vườn trái cây và tạo thuận lợi cho hệ thống sinh thái phát triển, đâylà điều kiện cho du khách tham gia vào các hoạt động nông nghiệp tại địa phương cũng như tham quan các hệ sinh thái cây trái miệt vườn, thuận lợi này cũng cho phép công tác bảo tồn và những kiến trúc truyền thống - văn hoá của cộng đồng được dễ dàng hơn để khách có thể đến lưu trú và trải nghiệm cũng như tham quan - tìm hiểu, việc tổ chức và tham gia các hoạt động du lịch ngoài trời cũng ít bị gián đoạn.

Về di tích lịch sử văn hóa, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng có 16 đình, 13 nhà thờ Công giáo, 04 nhà thờ tin lành, 21 chùa, 10 miếu, 7 thánh thất Cao đài, 1 Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, 1 đền thờ Lãnh binh Thành (xã Long Phước), 1 bia truyền thống Cây Sao (xã Thạnh Quới), 2 bia tưởng niệm ghi danh anh hùng, liệt sĩ (xã Thnah5 quới và xã Phước Hậu). Trong đó, có 2 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (xã Long Phước) và Chùa Tiên Châu (xã An Bình) ; 7 di tích xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là đình Hòa Ninh (xã Hòa Ninh), miếu Âm Nhơn (xã Phước Hậu), Đình Kỳ Hà (xã Phú Đức), mộ nhà thơ Nhiêu Tâm (xã Thanh Đức), Đình Tân Hạnh (xã Tân Hạnh), Chùa Ông (xã Thanh Đức), Đình An Thành (xã An Bình).

Đây là lợi thế để Long Hồ thực hiện các chương trình, tour, tuyến du lịch kết hợp tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa và danh nhân. Nhằm quảng bá và khẳng định thương hiệu du lịch huyện Long Hồ đến với du khách trong và ngoài nước.

Bốn xã cù lao có địa thế nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên thuộc hệ thống sông Mêkông, trong nội địa sông rạch chằn chịt khí hậu quanh năm mát mẽ cho nên rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản và du lịch sông nước, có quốc lộ 57 đi qua nối liền 2 tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long. Đây là nơi có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây ăn trái đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ những điều kiện tự nhiên thuận lợi đó, trong những năm qua, huyện Long hồ đã tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch miệt vườn gắn với nuôi trồng thủy sản. Huyện đã phát triển được vườn cây ăn trái đặc sản ở 4 xã cù lao với diện tích gần 6.000 ha, đồng thời mở rộng nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi lồng bè trên sông, nuôi cá trong ao, hầm dưới tán lá cây xanh trong vườn, đến nay, đã có hàng trăm lồng bè nuôi thủy sản phục vụ khách tham quan và thưởng thức các món ngon từ cá, tôm được bắt tại chỗ…và hiện rất nhiều du khách khi đến nơi đây đã cho rằng phong cảnh của một miền quê giữa sông nước mênh mông, cù lao xanh với quanh năm hoa thơm, trái ngọt là địa điểm tham quan nghỉ dưỡng lý tưởng.

3. Thực trạng phát triển du lịch của huyện Long Hồ

Hằng năm huyện Long Hồ đón trên 80.000 lượt du khách quốc tế. Cơ cấu khách chủ yếu như: Pháp (15%); Đức (9%); Úc (18%); Hà Lan (10%); Anh (08%); Mỹ (2%); Nhật (4%); Malaysia (18%); Singapore (4%); Trung Quốc (10%); còn lại là quốc tịch khác. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2020 - 2022 tỷ trọng khách du lịch đến với Vĩnh Long nói chung và Long Hồ nói riêng giảm mạnh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ngành du lịch chịu ảnh hưởng chung.

b1

Về doanh thu du lịch luôn có sự biến đổi qua từng năm do chịu ảnh hưởng và tác động của nhiều yếu tố. Du lịch huyện Long Hồ đang từng bước khắc phục những ảnh hưởng và dần lấy lại niềm tin của du khách gần xa nhất là khách du lịch quốc tế (2022: 2.200 khách so 2023 là 17.500 khách).

Từ bảng 1.2. cho ta thấy doanh thu du lịch của Cù lao An Bình trong 5 năm qua có xu hướng tăng và giảm không đều, năm 2022 tăng nhiều nhất (156%) là do sự phục hồi sau đại dịch (chủ yếu doanh thu từ khách du lịch nội địa bời du khách quốc tế chưa quay lại trong thời gian này). Doanh thu tăng và giảm nhiều thể hiện sự biến động và thử thách mà ngành du lịch đang phải đối mặt. Tuy hiệu quả kinh doanh du lịch tính ổn định chưa cao nhưng du lịch Long Hồ đang từng bước tìm lại nguồn khách ổn định và tiếp tục phát triển theo đúng định hướng mà Nghị quyết Đảng bộ huyện Long Hồ đã đặt ra.

b2

ới địa hình bằng phẳng, Cù lao An Bình là một cồn nổi có tài nguyên thiên nhiên phong phú, sông ngồi chằng chịt, vị trí địa lý được thiên nhiên ưu đãi, nên nơi đây có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch sông nước miệt vườn, Du lịch văn hóa truyền thống, Du lịch sinh thái, Du lịch homestay, Du lịch tham quan tìm hiểu văn hóa lịch sử, Du lịch tín ngưỡng tâm linh… Một số tuyến du lịch đang khai thác: Tuyến 1: “Cái Bè - Cù Lao An Bình” dọc kênh mương lộ và sông Cái muối; Tuyến 2: “Vĩnh Long - An Bình - Đồng Phú - Cầu Mỹ Thuận”; Tuyến 3: “Vĩnh Long - Long Hồ - Vũng Liêm”…

4. Giải pháp khai thác du lịch homestay Cù lao An Bình

Tour kết hợp du lịch chữa bệnh và du lịch nghỉ dưỡng tại homestay: du lịch homestay là nơi khai thác và phát huy sự gần gũi với thiên nhiên do vậy sức khỏe của người bệnh có thể được điều dưỡng tốt hơn tại đây, có nhiều loại lá cây, dây leo có thể làm thuốc uống (thuốc nam) rất hiệu quả. Để khai thác được loại hình du lịch này cần đầu tư dịch vụ y tế và phối hợp đông y trong điều trị và chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp... qua các dịch vụ như chữa bệnh không bằng thuốc mà bằng massage, bấm huyệt, dùng thực phẩm điều trị... Loại hình du lịch này có thể phục vụ cho cả hai đối tượng khách du lịch quốc tế và trong nước.

Sản phẩm quà lưu niệm tại homestay: Để thực hiện được dịch vụ này, cần có sự quan tâm của Nhà nước trong công tác quy hoạch và khai thác các làng nghề đưa vào hoạt động trong du lịch, đặc biệt lưu ý đến sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng và sự tiện dụng đối với sản phẩm. Trên thực tế, nghề gốm Cổ Chiên có thể đưa vào xây dựng và phát triển thành sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng du lịch Vĩnh Long. Các sản phẩm gốm nên có kích thước nhỏ, gọn, hình dáng và kiểu mẫu nên hiện thực hóa những con vật là thú cưng hay những hình ảnh đặc trưng của Cù lao An Bình như nhà cổ, thuyền, ghe, xuồng, nhạc cụ trong đờn ca tài tử; bình hoa nhỏ; tranh bằng đất nung... Cũng có thể phát triển các nghề như đan thảm lục bình, đan lát, tranh thêu, tranh sáng tạo từ các nguyên liệu tái chế như vỏ cây, bông lúa, hạt gạo…

Dịch vụ làm nông dân và thuê đất trồng trọt tại các homestay:

Cù lao An Bình có diện tích đất bãi bồi khá lớn, một phần rất lớn còn chưa đưa vào khai thác. Có thể quy hoạch một khu đất bãi bồi đưa vào khai thác du lịch “một ngày làm nông dân”, hay “đất trồng của riêng mình” vừa cho du khách thuê dịch vụ, vừa mang lại nguồn thu nhập rất ổn định cho người nông dân.

Dịch vụ bổ trợ trong ẩm thực tại các homestay:

Ngoài việc phục vụ ăn, uống với những món ăn theo văn hóa ẩm thực Nam bộ như hiện nay thì các nhà vườn, các đơn vị kinh doanh ẩm thực cần có những dịch vụ bổ sung để tăng sự hấp dẫn đối với du khách, trong đó:

Tiếp tục phát huy những dịch vụ đã khai thác như hướng dẫn khách làm chả giò, gói bánh tét, bánh xèo, nên đưa thêm cách làm các loại bánh cổ truyền vào cho du khách học làm như bánh ướt, bánh tráng, bánh bò, bánh lá dừa...; hình thành khu vực bán bánh truyền thống (dân gian hay hàng rong) trên xuồng trong những kênh rạch nhỏ, tăng hấp dẫn và chi tiêu của du khách.

Tăng cường danh sách các món ăn mới vì món ăn hiện nay bị trùng lắp giữa du lịch homestay Vĩnh Long với du lịch homestay các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre như cá tai tượng chiên xù, canh chua cá bông lau, cá lóc kho tộ... Có thể khai thác món ăn chay được chế biến từ thực vật như các món nấm: nấm luộc, nấm xào, nấm kho, nấm chưng... và đặt tên cho món ăn cũng thật hấp dẫn để gây sự tò mò cho du khách. Gian bếp được bố trí để khách có thể nhìn thấy cách chế biến và nghe được đầu bếp giải thích về món ăn (công dụng, cách dùng...), khách có thể ngửi thấy mùi hương của món ăn, kích thích vị giác của du khách qua thị giác, thính giác.

Tổ chức các show trong ẩm thực như: thi nấu ăn giữa các đầu bếp, thi nấu ăn dành cho khách (có giấy chứng nhận và giải thưởng), hoặc tổ chức dạy cách chế biến món ăn cho du khách và học cách chế biến món ăn từ du khách... tất cả các show đều hướng đến sự hợp tác của cả đôi bên và nên có quay phim hoặc chụp hình để ghi lại những khoảnh khắc này sau đó gửi tặng bất ngờ cho dù khách sau chuyến đi. Như thế ngoài việc chỉ phục vụ ăn, uống đơn thuần chúng ta nâng lên thành việc giao lưu văn hóa giữa người dân địa phương và khách du lịch, tạo thành những kỷ niệm khó quên đối với du khách.

Giải pháp thiết kế chương trình đào tạo riêng cho cán bộ tham gia cung ứng dịch vụ du lịch homestay: hiện nay, vấn đề nhận thức đúng về mô hình du lịch homestay, lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội mà nó đem lại còn mơ hồ đối với người dân. Cho nên người dân chưa thiết kế được các hoạt động, dịch vụ phù hợp vì chưa hiểu rõ phải làm gì để hấp dẫn du khách, tiêu chuẩn cơ bản về các dịch vụ phục vụ du khách là gì?… Bên cạnh đó, nghiệp vụ trong lĩnh vực du lịch của người dân nơi đây còn chưa chuyên nghiệp, trình độ ngoại ngữ lẫn những kiến thức cơ bản về du lịch còn yếu kém. Vì vậy, để phát triển homestay vững mạnh tại Vĩnh Long nói chung và Long Hồ nói riêng thì điều đầu tiên là đào tạo bài bản nguồn nhân lực tại địa phương. Các đơn vị đào tạo cần có những chương trình đào tạo dành riêng cho các hộ dân, với những chương trình đào tạo dễ hiểu, dễ gần với người dân để giúp người dân dễ tiếp thu. Các khóa đào tạo nên tập trung vào du lịch cộng đồng, du lịch homestay, kỹ năng phục vụ khách du lịch, kỹ năng giao tiếp, phổ cập kiến thức ngoại ngữ, nghiệp vụ phục vụ bàn, cắt tỉa rau củ quả, kỹ năng sơ cấp cứu cho khách khi gặp sự cố... đối tượng là các hộ dân hoạt động trong lĩnh vực homestay.

Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo, vì các hộ dân này hoạt động nhỏ lẻ nguồn kinh phí thu được từ khách du lịch còn ít. Việc làm này sẽ tạo cho người dân địa phương được bổ sung kiến thức, kỹ năng thường xuyên, tạo điều kiện thay đổi các phương thức hoạt động phù hợp. Đặc biệt Ý thức cho người dân về truyền bá nền văn hóa địa phương đến du khách một cách chính xác và thân thiện, làm gương và giáo dục du khách về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực: con người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch và các hoạt động của du lịch homestay liên quan trực tiếp đến con người. Thái độ phục vụ của chủ nhà và nhân viên, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động và thu hút khách quay trở lại địa phương. Để du lịch homestay thật sự phát triển phải có chính sách đào tạo, thu hút phát triển nguồn nhân lực, thường xuyên tổ chức các lớp học nâng cao trình độ tay nghề của đội ngũ cán bộ nhân viên, hướng dẫn viên tại địa phương. Tổ chức các chuyến tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm. Mở các lớp bồi dưỡng, giáo dục về du lịch homestay cho cộng đồng địa phương như phương thức làm du lịch, thái độ với khách du lịch, nghiệp vụ tiếp đón khách du lịch,.., khách du lịch như về môi trường, tôn trọng văn hóa bản địa của cộng đồng địa phương….và cho tất cả những cá nhân, tập thể làm du lịch.

Chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Tiến hành điều tra, thống kê, phân tích lao động trong ngành du lịch để xác định nhu cầu chú trọng nguồn nhân lực trực tiếp nhằm chuyển đổi mạnh mẽ lao động từ nông nghiệp nông thôn sang lĩnh vực du lịch. Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch theo chuẩn quốc gia. Chú trọng đào tạo kiến thức giao tiếp, tâm lý khách hàng, chuyên môn, phong cách phục vụ, nâng cao trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp, hoa, Nga, Nhật) cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch và người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Dự án “Quy hoạch phát triển Văn hóa và du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, cơ quan chủ quản Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, đơn vị tư vấn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học QUốc gia TP. Hồ Chí Minh.

2. Hiệp hội du lịch tỉnh Vĩnh Long (2013). Hội nghị chuyên đề “ Tìm giải pháp liên kết khai thác phát huy du lịch sinh thái, văn hóa sông nước miệt vườn”, Vĩnh Long.

3. Nguyễn Diễm Phúc (2013). “Bảo vệ Môi trường Du lịch Cù lao An Bình tỉnh Vĩnh Long” Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

4. Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 06/11/2015 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 60/NQ-HĐND ngày 07/02/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc thông qua quy hoạch phát triển văn hóa và du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

5. Nghị quyết 173/2019/NQ-HĐND ngày 31/05/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đến năm 2030.

Lê Thùy Trinh

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Tạp chí in số tháng 5/2024
Bạn đang đọc bài viết Phát triển du lịch homestay tại Cù Lao An Bình - Vĩnh Long tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận