Phát triển ngành ôtô: Không nhất thiết phải ưu đãi lớn
TCDN - Ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cho thấy không nhất thiết phải ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lớn như hiện nay.
Tại hội thảo Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô vừa tổ chức, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, cho rằng, chính sách thuế, tài chính đối với ngành công nghiệp ô tô hiện đang tồn tại 3 vấn đề khiến các biện pháp ưu đãi thuế không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Thứ nhất, sự thay đổi nhanh và nhiều của chính sách thuế, đặc biệt là các chính sách thuế đối với linh kiện. Thứ hai, sự thiếu đồng bộ trong một số chủ trương, chính sách. Thứ ba, khi thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế quan, trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô nguyên chiếc các loại xuống 0%.
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cho thấy không nhất thiết phải ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lớn như hiện nay. Bởi khi doanh nghiệp hoạt động có lãi, việc chia sẻ lợi nhuận với cộng đồng là hợp lý. Còn khi doanh nghiệp hoạt động chưa có lãi thì ưu đãi này cũng không có ý nghĩa cho việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ưu đãi này có thể là kẽ hở cho một số doanh nghiệp lợi dụng, khi hết hạn ưu đãi hó có thể chuyển sang địa điểm khác hoặc mở dự án mới để được hưởng giai đoạn ưu đãi mới.
Đối với chính sách thuế nhập khẩu, trong một số ngành công nghiệp hiện nay thuế nhập khẩu vật tư, linh kiện cao hơn thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc, do đó đã không khuyến khích được các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng tại Việt Nam vì phải chịu chi phí sản xuất cao hơn so với đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài.
Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, theo đó, để được miễn thuế nhập khẩu, doanh nghiệp phải trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác xuất khẩu. Quy định này khiến doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho các doanh nghiệp khác để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, việc xuất khẩu một sản phẩm cần có sự tham gia của nhiều nhà sản xuất, do đó hầu hết tất cả các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không thể đáp ứng điều kiện trực tiếp xuất khẩu. Việc không được miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu làm tăng giá thành hàng hóa xuất khẩu, giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Để khuyến khích ngành công nghiệp ô tô phát triển, bà Nguyễn Thị Hải Bình cho rằng, bên cạnh ban hành các chính sách mới, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô, cần ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính. Các chính sách này nên hướng đến khuyến khích phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường dựa trên các quy định cụ thể về dung tích động cơ, lượn phát thải và các tiêu chuẩn an toàn...
Đặc biệt, cần sử đổi các chính sách thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi hỗ trợ khác của Chính phủ để thu hút các dự án đầu tư sản xuất ô tô điện. Thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa thông qua việc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ phần trăm lịnh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước; giảm thuế đối với linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước; ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành công nghiệp ô tô.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899