Phó thủ tướng: Việt Nam phải có con đường đi riêng, không rập khuôn

28/10/2019, 08:37

TCDN - Trong giai đoạn 2011 – 2020, kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt được thấp, thấp hơn nhiều so với các nước trong giai đoạn tăng trưởng nhanh như Việt Nam đạt được nhưng Việt Nam không đơn thuần chỉ tập trung phát triển kinh tế để có nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo hôm 26/10.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo hôm 26/10.

"Việt Nam mới nằm ở giai đoạn đầu của ngưỡng các nước phát triển ở trình độ thu nhập trung bình thấp", báo cáo của trường ĐH Kinh tế Quốc Dân đóng góp vào văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu rõ.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học đóng góp vào văn kiện Đại hội Đảng do Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức cuối tuần qua.

Việt Nam đang ở đâu?

Đánh giá về các thành quả kinh tế đạt được giai đoạn 2011 – 2020, các chuyên gia của ĐH Kinh tế Quốc Dân nhận định: "thấp không phải chỉ so với mục tiêu mà còn so với thành quả của các quốc gia khác đạt được ở giai đoạn phát triển như Việt Nam".

Theo đó, kết quả tăng trưởng đạt được thấp, thấp hơn nhiều so với các nước trong giai đoạn tăng trưởng nhanh như Việt Nam đạt được. Cụ thể, xét giai đoạn 1991 – 2020, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam là 7,14% thì so với Hàn Quốc trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, xấp xỉ 4 thập niên từ 1961 – 2000 là 8%. Còn Nhật Bản giai đoạn 1955 – 1973 là 9,4%.

Hiệu quả tăng trưởng của Việt Nam cũng thấp. Ví dụ Nhật Bản trong giai đoạn tăng trưởng nhanh (1995 – 1973), suất đầu tư tăng trưởng chỉ là 3, tốc độ tăng năng suất lao động là 7,5% thì Việt Nam giai đoạn 2011 – 2018 lần lượt là 5,4 và 5,1%.

Bên cạnh đó, cấu trúc tăng trưởng của Việt Nam cũng thể hiện tính lạc hậu công nghệ. Cụ thể, đóng góp của nhân tố TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) chỉ chiếm 26,1%, trong khi đó, các nước đang phát triển đạt mức trung bình xấp xỉ 40%.

Theo báo cáo, nếu đánh giá theo tiêu chí xếp loại trình độ phát triển quốc tế của World Bank, Việt Nam ở thời điểm hiện tại đạt trình độ phát triển giai đoạn đầu của nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Số liệu cho thấy thu nhập bình quân đầu người tính theo PPP, giá 2011, là 6.222,3 USD, cận dưới của các nước thu nhập trung bình thấp là 6.000 – 7.000 USD. Cơ cấu ngành theo GDP còn lạc hậu hơn với các mức chung của nhóm nước này, tỷ trọng GDP nông nghiệp là 16,19%, quá cao so với mức 14,9%; tỷ trọng GDP dịch vụ là 45,73% lại quá thấp so với mức 49%.

Các tiêu chí khác như tỷ lệ lao động nông nghiệp, năng suất lao động hay tỷ lệ tích luỹ nội địa cũng đều đạt được ở mức thấp, chỉ tiệm cận được với mức của nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Phải có con đường riêng

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế khẳng định chủ trương phát triển nhanh và bền vững từ Đại hội Đảng lần thứ XII vẫn còn nguyên giá trị nhưng yêu cầu cần phải có cách làm sáng tạo và khả thi theo đặc điểm của Việt Nam, chứ không phải sao chép mô hình, giải pháp từ bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Các chuyên gia kinh tế cũng đề nghị tiếp tục coi trọng vai trò của doanh nghiệp, không chỉ ở chủ trương của Đảng mà còn trong từng chính sách, giải pháp của Nhà nước khi thực hiện chức năng của mình; có chiến lược về phát triển các đô thị, coi đây là một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế,...

Trường Đại học Kinh tế quốc dân và các diễn giả cũng nêu một số rào cản mà Việt Nam sẽ gặp phải trong thời gian tới, trong đó nổi bật là các nguy cơ về tỷ lệ dân số già hoá diễn ra nhanh chóng, gây sức ép tới hệ thống chăm sóc sức khoẻ và an sinh xã hội cũng như năng lực ban hành quyết sách thích ứng, nâng cao năng lực an sinh xã hội để không xảy ra biến động xã hội.

Tiếp nữa là tầng lớp trung lưu dự báo sẽ tăng mạnh từ 14% dân số hiện nay lên trên 50% dân số vào năm 2035, bên cạnh mặt tích cực là tạo ra thị trường nội địa khổng lồ và giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu nhưng rủi ro sẽ là sự bảo đảm chất lượng dịch vụ công gia tăng hơn cũng như yêu cầu cao hơn nữa về khát vọng, trách nhiệm xã hội của tầng lớp này.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự báo với kịch bản mưa ít hơn, nhiệt độ tăng lên và nước biển dâng sẽ làm tiêu tốn 10% GDP và tác động tới 10,8% dân số là thách thức rõ ràng đối với đất nước hiện nay và trong tương lai.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các phát biểu, tổng kết về việc thực hiện Chiến lược kinh tế xã hội 2011- 2020 và đề xuất của Trường Đọc Kinh tế quốc dân, các chuyên gia kinh tế về hướng đi trong Chiến lược 10 năm tới của đất nước và tầm nhìn tới năm 2045.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với quan điểm của nhiều nhà khoa học rằng Việt Nam cần có con đường đi riêng với giải pháp khả thi chứ không dập khuôn theo bất cứ mô hình nào của thế giới.

Nhắc lại khuyến nghị của một số quốc gia, tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam là tập trung phát triển kinh tế để có nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội, Phó Thủ tướng cho biết đặc điểm và trình độ phát triển xã hội của Việt Nam không cho phép thực hiện khuyến nghị này. Do đó, trong từng chủ trương, chính sách, Đảng, Nhà nước luôn gắn việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển với tiến bộ và công bằng xã hội.

Gia Hưng
Bạn đang đọc bài viết Phó thủ tướng: Việt Nam phải có con đường đi riêng, không rập khuôn tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

GDP 9 tháng năm 2019 tăng 6,98%, cao nhất trong 9 năm
Theo Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong 9 năm gần đây (Quý I tăng 6,82%; quý II tăng 6,73% và quý III tăng 7,31%).
Thống kê lại GDP: Nhiều doanh nghiệp lớn gây khó khăn
Thông tin được ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết tại buổi làm việc với một số cơ quan báo chí sáng 16/8 về nội dung tuyên truyền kết quả đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017.