Phòng vệ thương mại: Người lạm dụng, kẻ xem nhẹ

28/01/2019, 05:40

TCDN -

Số vụ khiếu kiện của doanh nghiệp nước ngoài đối với hàng xuất khẩu Việt Nam có xu hướng gia tăng. Một số quốc gia có dấu hiệu lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến ngày 15/10/2018, có 141 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó về phía Việt Nam, trong giai đoạn 2016 tới tháng 10/2018, Bộ Công Thương chỉ áp dụng 6 biện pháp phòng vệ thương mại đối với phân bón DAP, bột ngọt, các sản phẩm sắt thép như phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình và tôn màu.

Số vụ khiếu kiện của doanh nghiệp nước ngoài đối với hàng xuất khẩu Việt Nam có xu hướng gia tăng, trong đó tập trung vào một số sản phẩm quan trọng như thủy sản, thép, giày dép, lốp xe... Đơn cử, năm 2017 có 13 vụ kiện và tăng lên 16 vụ trong 10 tháng của năm 2018. Bên cạnh đó, cách thức điều tra cũng khắt khe hơn, gây khó cho các đơn vị liên quan...

Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, nhìn chung nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm được hết các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại và sử dụng chúng một cách phù hợp, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bản thân.

Bên cạnh đó, một số quốc gia có dấu hiệu lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ quá mức ngành sản xuất trong nước. Điều này đang tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Một số quốc gia khác, dù không chạy theo xu hướng bảo hộ, nhưng để đảm bảo chất lượng hàng hóa nhập khẩu vẫn đặt ra các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng cao, trở thành rào cản đối với nước xuất khẩu.

Công cụ phòng vệ thương mại WTO và các FTA cho phép áp dụng gồm 3 biện pháp: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Theo số liệu của WTO, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 10/2017 đến giữa tháng 5/2018, các thành viên WTO đã khởi xướng điều tra thêm 173 biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm 137 biện pháp chống bán phá giá, 28 biện pháp chống trợ cấp và 8 biện pháp tự vệ. Số các biện pháp phòng vệ thương mại được khửoi xướng điều tra này chưa tính tới biện pháp chống lẩn tránh, chiếm tới hơn 40% tổng số các biện pháp chính sách tác động đến thương mại mà các thành viên WTO thực hiện trong giai đoạn này.

Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó trưởng phòng xử lý phòng vệ thương nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm, điều đáng lo hiện nay là bất cứ hàng hoá xuất khẩu cũng có khả năng đối tượng bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại, từ nông, thuỷ sản đến các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, các mặt hàng chịu nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất là thuỷ sản (tôm, cá ba sa), sắt, thép,...

Hiện các vụ kiện phòng vệ thương mại phát sinh nhiều xu hướng mới như: Kiện chùm (kiện đồng thời nhiều nước); kiện chống lẩn tránh thuế (kiện tj nước để ngăn chặn khả năng lẩn tránh một biện pháp thuế đã áp cho nước khác); kiện domino (nước này kiện được, nước khác cũng kiện theo); kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp) làm gia tăng số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Lý giải việc Việt Nam ít sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đại diện Cục Xúc tiến thuơng mại nhận định, nguyên nhân một phầnphần do các doanh nghiệp trong nước vẫn xem nhẹ biện pháp này. Mặc dù cơ quan điều tra có thể tự khởi xướng một vụ điều tra, tuy nhiên hầu hết các vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng dựa trên đơn kiện của các nhà sản xuất trong nước. Vì các nhà sản xuất trong nước là người tiếp cận trực tiếp và phát hiện được các hành vi cạnh tranh không công bằng của các nhà sản xuất nước ngoài, cũng như hiểu rõ nhất những thiệt hại mà mình gặp phải. Trong trường hợp các doanh nghiệp trong nước không gửi đơn kiện, cơ quan có thẩm quyền khó có thể tiến hành cuộc điều tra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Thêm nữa, nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay về công phòng vệ thương mại tuy có cải thiện nhưng nhìn chung còn yếu. Trong khi đó, tính chất phức tạp và thời gian theo kiện tương đối dài của các biện pháp phòng vệ thương mại đòi hỏi doanh nghiệp cần nắm rõ bản chất các điều kiện sử dụng công cụ này.


Liên kết doanh nghiệp cùng ngành nghề

Theo các chuyên gia từ Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản (METI), doanh nghiệp nên trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, nhất là các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của các thị trường đang và sẽ xuất khẩu; chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại thể xảy ra bất kỳ lúc nào...

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tìm hiểu thông tin về chính sách thương mại của thị trường nhập khẩu. Đối với những thị trường lớn như Hoa Kỳ, cần xác định chính xác bang, tiểu bang muốn tiếp cận. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần tạo mối quan hệ tốt với các đối tác để được cảnh báo, nhận biết sớm các nguy cơ về thương mại.

Riêng với các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như: nông sản, lâm, thủy sản... cần tăng cường các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để vượt qua các hàng rào về chất lượng, kỹ thuật.

Việc bị kiện tụng về thương mại không chỉ gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp mà còn tác động trực tiếp tới toàn ngành hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp cùng ngành nghề cần liên kết chặt chẽ với nhau để phát huy thế mạnh tổng hợp trong việc tận dụng cơ hội thị trường cũng như ứng phó với các sự cố về thương mại.

Các chuyên gia nhấn mạnh, để tăng cường nhận thức về các biện pháp phòng vệ thương mại trong các FTA, cộng đồng doanh nghiệp cần tăng cường thông tin về phòng vệ thương mại trong các FTA qua kênh hiệp hội ngành hàng, chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền vận dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được phép áp dụng trong WTO và các FTA để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu.

Bản thân doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát sao tình hình giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa, tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về phòng vệ thương mại để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước. Qua đó, sử dụng biện pháp phù hợp khi có hiện tượng hàng hóa nước ngoài gây sức ép cạnh tranh không công bằng.

Minh Tuân - Tạp chí TCDN số 1+2/2019
Bạn đang đọc bài viết Phòng vệ thương mại: Người lạm dụng, kẻ xem nhẹ tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận