Phớt lờ cảnh báo của một kỹ sư, tập đoàn Boeing nếm trái đắng

15/01/2024, 19:53

TCDN - Hồi năm 2001, một kỹ sư của tập đoàn Boeing đã cảnh báo ban lãnh đạo về những rủi ro của chiến lược mở rộng thuê ngoài sản xuất để giảm chi phí.

Báo Wall Street Journal (WSJ) đưa tin tập đoàn Boeing noi theo chiến lược của Apple, tập trung thuê doanh nghiệp khác sản xuất để giảm chi phí.

Song vụ tai nạn ngày 5/1/2024 của hãng hàng không Alaska Airlines khi chiếc 737 Max 9 bung cửa ở độ cao hơn 4.000 m khiến áp suất giảm đột ngột và gây nên nỗi kinh hoàng cho hành khách đã khiến ban lãnh đạo tập đoàn Boeing phải nhìn nhận lại sai lầm.

Cảnh báo của một kỹ sư

Đây không phải lần đầu tiên sản phẩm của Boeing gây tai tiếng khi các vụ tai nạn của 737 MAX 8 năm 2018-2019 đã khiến hoạt động sản xuất của tập đoàn Boeing gián đoạn suốt gần 2 năm. Song dường như tập đoàn không rút ra bài học nào từ sai lầm ấy.

Nếu một điện thoại iPhone hỏng, phát nổ hay trục trặc, nhà sản xuất có thể bồi thường hoặc xử lý truyền thông dễ dàng, nhưng một máy bay Boeing hỏng chắc chắn không thể người tiêu dùng và các nhà chức trách bỏ qua một cách đơn giản.

Năm 2001, kỹ sư John Hart Smith, khi ấy là nhân viên của Boeing, khi tham gia một hội nghị chuyên đề kỹ thuật nội bộ, đã cảnh báo ban lãnh đạo về những rủi ro của chiến lược mở rộng thuê ngoài và ký kết với nhiều nhà thầu phụ có thể ảnh hưởng đến chất lượng công việc.

"Hiệu suất của những nhà thầu phụ chắc chắn không bao giờ có thể vượt qua những nhà cung ứng chính. Chúng ta có thể nhìn ra rất nhiều chi phí ẩn mà Boeing không lường tới vì chúng không thể hiện rõ ràng lúc bình thường mà chỉ bộc lộ khi tai nạn phát sinh", kỹ sư Smith nói.

Thế nhưng ban lãnh đạo tập đoàn Boeing không chú ý tới cảnh báo của Smith vì chi phí thuê ngoài rẻ hơn, đặc biệt là khi Apple thành công với chiến lược đặt nhà máy ở Trung Quốc của họ để trở thành doanh nghiệp lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa.

Trái đắng từ chiến lược thuê ngoài sản xuất của tập đoàn Boeing

20 năm kể từ lời cảnh báo của Smith, hãng Boeing bắt đầu nếm trái đắng từ chính chiến lược của họ.

Sau hàng loạt tai nạn năm 2018-2019 và hiện nay, tờ WSJ cho hay Boeing đang gặp rất nhiều vấn đề lỗi sản phẩm mà không chịu khắc phục. Từ khoan sai lỗ, bu lông bánh lái hỏng hay mới đây là bung cửa đều xuất phát từ chiến lược dựa vào thuê ngoài lẫn nhà thầu phụ của hãng.

Boeing 1

Ví dụ, một nhà máy tại Wichita thuộc bang Kansas, chuyên sản xuất các thiết bị quan trọng cho Boeing 737 và 787. Ban đầu Boeing sở hữu nhà máy này cho đến năm 2005 trước khi bán lại cho hãng tư nhân Spirit AeroSystems.

Alan Mulally, Tổng giám đốc Boeing khi đó, cho rằng việc giảm các nhà máy mà họ sở hữu cho tư nhân sẽ khiến tập đoàn dồn được nguồn lực tài chính cho khâu thiết kế, lắp ráp cuối cùng cũng như tiết kiệm chi phí hiệu quả.

Thế nhưng chất lượng sản phẩm cùng nhiều vấn đề đã phát sinh kể từ khi Spirit nắm quyền điều hành nhà máy này từ tập đoàn Boeing.

Spirit đang là nhà cung ứng thân máy bay duy nhất của Boeing để sử dụng cho nhiều dòng sản phẩm phản lực, bao gồm cả chiếc máy bay thương mại gây tai nạn của Alaska Airlnes ngày 5/1 vừa qua.

Do sự phụ thuộc doanh thu vào Boeing mà Spirit đã vô cùng lao đao trong giai đoạn đại dịch COVID-19 cũng như khoảng thời gian 2018-2019 khi các vụ tai nạn liên tiếp diễn ra.

Đây là khoảng thời gian gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính của Spirit khiến họ phải giảm nhân sự và hậu quả là không đáp ứng kịp các đơn hàng của Boeing khi nhu cầu trở lại.

Với khoảng 15.900 lao động, Spirit đã sa thải hàng nghìn người trong mùa đại dịch, để rồi đối mặt tình trạng thiếu nhân viên lành nghề lẫn người đủ trình độ giám sát tiêu chuẩn sau đó.

Từ nguyên nhân này, nhiều người lao động của Spirit khẳng định vấn đề chất lượng nội bộ của hãng đã bị phớt lờ do thiếu nhân lực cũng như phải cố gắng chạy cho kịp tiến độ giao hàng trong bối cảnh tình hình tài chính công ty yếu kém.

Theo WSJ, bình quân mỗi ngày các công nhân của Spirit phải sản xuất 2 thân máy bay, tương đương khoảng 10 triệu lỗ cần được lắp bu lông, dây buộc hay đinh tán, chưa kể những kỹ thuật khác. Công việc này là quá tải với lượng lao động mà Spirit hiện có.

"Chúng tôi có hàng loạt máy bay trên khắp thế giới đang có lỗi mà không ai phát hiện. Nguyên nhân chính là do áp lực giao hàng mà Spirit áp đặt lên các nhân viên để hoàn thành kịp tiến độ", Chủ tịch Cornell Beard của Hiệp hội thợ máy ngành hàng không quốc tế (IAMAW) cảnh báo.

Tùng Lâm/WSJ
Bạn đang đọc bài viết Phớt lờ cảnh báo của một kỹ sư, tập đoàn Boeing nếm trái đắng tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan