Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, quy định này tại Luật Quản lý Thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ có tác động tích cực trong thời gian tới.

Bà có nhận xét gì về tác động của cơ chế ưu đãi đầu tư, nhất là những chính sách ưu đãi thuế trong hoạt động thu hút doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua?

Hệ thống chính sách thuế Việt Nam trên cơ sở đảm bảo minh bạch, bình đẳng trước pháp luật, đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế TNDN đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và phát huy các lợi thế so sánh của đất nước.

Ưu đãi thuế TNDN cho các doanh nghiệp FDI đã dần chuyển đổi. Cụ thể: Luật Thuế lợi tức năm 1990 quy định, doanh nghiệp FDI được áp dụng thuế suất thuế phổ thông của thuế lợi tức ở mức 25%. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước áp dụng các mức thuế suất thuế lợi tức 30%, 40% và 50% tùy theo ngành nghề kinh doanh.

Ngoài ra, doanh nghiệp FDI còn được hưởng các mức thuế suất ưu đãi 10%, 15% và 20% áp dụng đối với các dự án khuyến khích đầu tư; được miễn thuế lợi tức tối đa 4 năm kể từ khi bắt đầu kinh doanh, giảm 50% số thuế lợi tức phải nộp tối đa trong 4 năm tiếp theo, tùy theo ngành nghề đầu tư hoặc địa bàn hoạt động. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận thu được để tái đầu tư thì được hoàn lại số thuế lợi tức đã nộp cho phần lợi tức sử dụng để tái đầu tư.

Theo Luật Thuế TNDN năm 1997 có hiệu lực từ ngày 1/1/1999 đến hết năm 2003, mức thuế suất phổ thông đối với doanh nghiệp FDI là 25% trong khi các doanh nghiệp trong nước là 32%. Về ưu đãi thuế, doanh nghiệp FDI được miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 2 năm tiếp theo và có thể lên đến 4 năm nếu đạt nhiều tiêu chuẩn khuyến khích đầu tư. Đối với trường hợp đặc biệt khuyến khích đầu tư, thời gian miễn thuế cho doanh nghiệp FDI lên đến 8 năm. Nhìn chung, mức độ ưu đãi thuế TNDN cho doanh nghiệp FDI trong giai đoạn này cao hơn doanh nghiệp trong nước.

Luật Thuế TNDN năm 2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2004, đã thống nhất nghĩa vụ thuế và ưu đãi thuế giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Theo đó, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông áp dụng chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp là 28%. Các doanh nghiệp FDI từ thuế suất 25% cũng được điều chỉnh lên 28%, tuy nhiên được bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo tỷ lệ 3-5-7% nên nhìn chung không giảm ưu đãi thuế. Sau đó, mức thuế suất này được điều chỉnh giảm xuống 25% kể từ ngày 01/01/2009 theo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) năm 2008. Giai đoạn này, các doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục được hưởng các mức thuế suất thuế TNDN ưu đãi 10%, 15% và 20% tùy theo lĩnh vực đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được hưởng ưu đãi về thu nhập miễn thuế đối với một số khoản thu nhập do từ hợp đồng nghiên cứu khoa học, từ sản xuất sản phẩm thử nghiệm…

Thay đổi quan trọng nhất nhằm tăng khả năng cạnh tranh về thuế và thu hút đầu tư là chủ trương giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông. Sau các lần sửa đổi, bổ sung năm 2013 và 2014, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông được giảm từ 25% xuống 22% (từ 1/1/2014) và xuống 20% (từ 1/1/2016). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN năm 2013 đã bổ sung ưu đãi đối với đầu tư trong khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi) và dự án đầu tư mở rộng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 đã bổ sung thêm một số lĩnh vực, ngành nghề thuộc diện ưu đãi thuế như: Trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thủy sản (không áp dụng ưu đãi đối với lĩnh vực chế biến lâm sản); sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; các dự án sản xuất có quy mô vốn lớn và công nghệ cao. Thay đổi quan trọng về ưu đãi đầu tư từ năm 2013 là chuyển việc ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn ưu đãi sang ưu đãi cho thu nhập từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư.

Thực tế, dù áp dụng cùng mức thuế suất thuế TNDN nhưng so với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI vẫn có một số lợi thế về vốn, công nghệ sản xuất hiện đại. Vì vậy doanh nghiệp FDI vẫn được hưởng một số ưu đãi về thuế như trong lĩnh vực công nghệ cao, bảo vệ môi trường, chế biến nông lâm thủy sản, công nghiệp hỗ trợ.

Mặt khác, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh, Chính phủ đã ban hành các nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế mặt nước, trong đó đã quy định các chính sách miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước với các dự án khuyến khích đầu tư theo lĩnh vực hoặc địa bàn đầu tư, lĩnh vực xã hội hóa… Đặc biệt, Nghị định số 35/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 quy định thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong Khu kinh tế, Khu công nghệ cao với những ưu đãi cao hơn mức ưu đãi của các dự án đầu tư thường. Do đó, vô hình chung các doanh nghiệp FDI được hưởng các ưu đãi thuế.

Như vậy trong thời gian qua chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đã có tác động tích cực đến các doanh nghiệp FDI. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam vừa có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh vừa giúp tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam, đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam học tập được kỹ năng quản lý áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh.

Với Nghị quyết về thu hút doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài vừa được Bộ Chính trị ban hành, chính sách quản lý thuế cần được điều chỉnh như thế nào?

Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là vấn đề quan trọng. Trong quá trình chuyển dịch, các nền kinh tế mở như Myanmar, Trung Quốc đã có sự đổi mới trong cơ cấu để thu hút vốn đầu tư các nền kinh tế ổn định.

So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam cũng có một số lợi thế như lao động giá rẻ, chính trị ổn định. Thực tế, khi các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam vấn đề đầu tiên được quan tâm là môi trường pháp luật, chính trị ổn định. Điều này sẽ giúp thống nhất tất cả để nhà đầu tư yên tâm hoạt động.

Có thể mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp không phải là vấn đề nhà đầu tư quá quan tâm. Bởi khi Việt Nam ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với các nước sẽ loại bỏ việc đánh thuế trùng bằng cách: Miễn, giảm số thuế phải nộp tại Việt Nam cho các đối tượng cư trú của nước ký kết hiệp định; hoặc khấu trừ số thuế mà đối tượng cư trú Việt Nam đã nộp tại nước ký kết hiệp định vào số thuế phải nộp tại Việt Nam.

Điều nhà đầu tư mong muốn là môi trường pháp lý minh bạch, cơ sở hạ tầng phát triển tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Trong đó, các cơ chế, chính sách về thuế là thực sự quan trọng. Ví dụ khi muốn thu hút doanh nghiệp FDI, một số tỉnh đã đưa ra các chính sách khuyến khích, nhưng không được quy định trong Luật như miễn giảm về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, khi kiểm toán nhà nước, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm dẫn đến doanh nghiệp phải chịu phạt.

Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đã quy định chính sách thuế do cơ quan thuế ban hành gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp là lỗi của cơ quan thuế. Trường hợp, cơ quan quản lý nhà nước ban hành các chính sách ưu đãi không đúng chế độ, doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan ban hành sẽ chịu trách nhiệm.

Luật Quản lý thuế được xây dựng trên nguyên tắc bản chất quyết định hình thức, quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin trong khai nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Tất cả những điều này đều phù hợp với trình độ quản lý của nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một giải pháp thúc đẩy sự minh bạch thúc đẩy nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Việt Nam.

Việc doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển giá, trốn thuế đang là vấn đề nan giải. Tình trạng này cần được khắc phục như thế nào?

Để khắc phục tình trạng này Chính phủ đã ban hành nghị định 20/2017/NĐ - CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã tồn tại một số vấn đề như mức khống chế chi phí lãi vay tại khoản 3 Điều 8. Hoặc một số quy định khác về cơ sở dữ liệu được cung cấp để xác định giá tham khảo. Chính vì vậy, năm nay Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thực hiện sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ - CP vừa phù hợp với thông lệ quốc tế vừa kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam không chuyển giá và tài sản cố định. Ví dụ như nâng giá trị máy móc thiết bị khi đầu tư vào Việt Nam để có lãi ngay trong chi phí đó. Điều này đòi hỏi phải có thêm các cơ sở dữ liệu để so sánh, từ đó làm tốt công tác chống chuyển giá.

Đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến để các nhà đầu tư thấy rằng khi đầu tư vào Việt Nam phải lựa chọn các giải pháp nâng cao thu nhập, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh thay vì trốn tránh nghĩa vụ thuế thông qua, chuyển giá. Cơ quan thuế đưa vấn đề này vào tiêu chí để xác định nếu doanh nghiệp chuyển giá sẽ bị xử lý nghiêm, còn đối với doanh nghiệp có biện pháp khuyến khích sản xuất, kinh doanh, tuân thủ tốt các nghĩa vụ về thuế tốt sẽ có những ưu đãi nhất định.

Theo bà, việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế theo quy mô có gây tác động bất lợi cho doanh nghiệp trong nước do phần lớn các doanh nghiệp trong nước không có lợi thế về vốn như các doanh nghiệp FDI?

Hiện chính sách thuế, ngoài ưu đãi về địa bàn, lĩnh vực, lao động nữ, còn có ưu đãi cho các doanh nghiệp sử dụng vốn lớn, nhiều lao động. Nghĩa là, chính sách thuế không có sự phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, chỉ cần doanh nghiệp có đủ điều kiện sẽ được hưởng ưu đãi.

Khi đưa các tiêu chí về quy mô vốn, lao động, doanh nghiệp là để khuyến khích cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Không nên vì doanh nghiệp trong nước quy mô vốn nhỏ mà không ban hành các chính chính ưu đãi. Nếu doanh nghiệp FDI đầu tư vốn lớn tạo việc làm cho lao động trong nước, tạo ra doanh thu lớn, là tiền đề quan trọng để kinh tế Việt Nam tăng trưởng.

4 định hướng hoàn thiện chính sách thuế đối với khu vực FDI

Theo Bộ Tài chính, để đảm bảo chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư hiệu quả đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu đặt ra, việc xây dựng các chính sách ưu đãi cần được xem xét trong bối cảnh phát triển kinh tế tổng thể của cả nước. Việc ban hành chính sách mới, trong đó có chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, các cam kết mà Việt Nam đã cam kết thực hiện với các tổ chức quốc tế (ví dụ tổ chức WTO…). Theo đó mặc dù cần trao đổi và tìm kiếm giải pháp để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, việc xây dựng các chính sách ưu đãi cần đảm bảo đúng mục tiêu công bằng và không có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Cần nghiên cứu một cách tổng thể để từ đó xây dựng hệ thống chính sách pháp luật minh bạch, đơn giản, tránh chồng chéo, không thống nhất giữa các văn bản luật gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài (ví dụ: Việc ưu đãi về thuế chỉ thực hiện theo pháp luật về thuế để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật).

- Các chính sách cần được áp dụng ổn định trong trung và dài hạn, hạn chế việc thường xuyên thay đổi các chính sách ưu đãi làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cũng như chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

- Hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai theo hướng rà soát lại các ưu đãi về đất đai để đảm bảo tính đồng bộ giữa pháp luật đất đai, pháp luật về đầu tư và các chính sách khác của Nhà nước. Xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi về đất đai để ưu đãi của Nhà nước đến được trực tiếp với người được thụ hưởng. Việc ưu đãi phải thực chất và chỉ nên thực hiện đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, đầu tư vào địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách.

- Tăng cường cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng hệ thống ưu đãi đầu tư minh bạch, công bằng và hiệu quả, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những doanh nghiệp muốn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và gặt hái những thành công chính đáng trên mảnh đất mến khách và giàu tiềm năng.

Thu Hằng

Tạp chí in số tháng 9/2019