Quản trị doanh nghiệp bền vững để thực hiện mục tiêu kép
TCDN - Vượt lên trên những thách thức, doanh nghiệp có sự cam kết mạnh mẽ, kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững trong nhiều năm qua đã tự tạo ra “kháng thể” trước đại dịch, duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng, hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ, các CQQL và cộng đồng trong việc thực hiện mục tiêu kép.
Hơn 10.000 doanh nghiệp dừng hoạt động mỗi tháng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 8, cả nước có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 68.000 tỷ đồng, giảm 34,1% về số doanh nghiệp và giảm 44,6% về vốn đăng ký so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp giảm 57%; số vốn đăng ký tăng 54,9%.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng trước và giảm 45,3% so với cùng kỳ năm trước.
8 tháng đầu năm, khoảng 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tính trung bình, mỗi tháng có khoảng 10.680 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong đó, bao gồm 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%.
Tính chung 8 tháng đầu năm, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1,11 triệu tỷ đồng, giảm 8% về số doanh nghiệp và giảm 7,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 13,9 tỷ đồng, tăng 0,5%. Bên cạnh đó, còn có 32.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm lên 114.000 doanh nghiệp. Đó là những con số biết nói. Dù không phải là tất cả nhưng phần nào minh chứng cho việc các doanh nghiệp đã và đang khó khăn trước sự tàn phá của đại dịch Covid-19.
Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép
Ngày 09/09/2021 - Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững lần thứ 8 (VCSF 2021), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) đã tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề trực tuyến “Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép”.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp suy yếu, thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp biết tự thay đổi, tự quản trị và từng bước thực hiện được mục tiêu “Bền để Vững”.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD nhận định: “Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, để sống chung và vượt qua đại dịch, mỗi doanh nghiệp cần phát huy nội lực của chính mình, thay đổi kế hoạch cũng như chiến lược để đảm bảo mục tiêu kép cho doanh nghiệp, vừa phòng chống dịch hiệu quả, đảm bảo sức khỏe, sự an toàn của nhân viên và khách hàng của mình, đồng thời duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cần ưu tiên giải quyết vấn đề theo cả quan điểm kinh doanh lẫn quan điểm phát triển bền vững.”
Bên cạnh đó, ông Vinh cũng chia sẻ về sáng kiến thành lập “Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp ứng phó Covid-19” của VCCI nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư và chỉ đạo của Chính phủ về việc các tổ chức, hiệp hội cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn.
Được thành lập năm 2010 theo sự phê duyệt của Chính phủ, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) là tổ chức định hướng doanh nghiệp, nơi quy tụ những doanh nghiệp hàng đầu và các tổ chức xã hội uy tín ở Việt Nam tiên phong trong thực hiện phát triển bền vững (PTBV), là cầu nối giúp tăng cường phối hợp chặt chẽ và đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các đối tác trong xã hội để đẩy mạnh PTBV. VBCSD hiện cũng là 01 trong 69 đối tác thuộc Mạng lưới toàn cầu của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD).
Hội đồng sẽ là nơi tập hợp sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, kết nối các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức liên quan cùng VCCI để chung tay với Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, kinh tế Việt Nam được kì vọng sẽ phục hồi trở lại vào Quý 4/2021 và GDP ước tăng khoảng 4.8% trong năm nay, tuy nhiên vẫn có những rủi ro đe dọa tăng trưởng. Do vậy, Chính phủ cần cho các chính sách phù hợp nhằm giúp giảm bớt các rủi ro trong trung và dài hạn đối với nền kinh tế.
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp, đại diện WB tại Việt Nam cũng cho rằng, rằng trong phạm vi quốc gia, việc kiểm soát được dịch bệnh và đẩy nhanh hoạt động tiêm vắc xin đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2022.
Để vượt qua những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra và duy trì hoạt động kinh doanh, từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, đồng Chủ tịch VBCSD-VCCI khuyến nghị các nhóm giải pháp sau: Ưu tiên tiêm phòng đầy đủ cho tất cả công nhân và nhà thầu làm việc trong các nhà máy sản xuất đồ uống và thực phẩm thiết yếu; Trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp trong việc áp dụng mô hình phòng chống Covid-19 tại các nhà máy dựa trên các hướng dẫn của Bộ Y tế; Các quy định liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương cần được đơn giản hóa và thống nhất với chỉ đạo từ Trung ương; và Số hóa các thủ tục hành chính công nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc nộp và phê duyệt hồ sơ trực tuyến, đặc biệt trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội.
Tại phiên Tọa đàm “Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép”, đại diện VCCI, VBCSD ông Vinh đánh giá qua 4 đợt dịch, doanh nghiệp đang dần kiệt sức và “cạn” tiền. “Nguyên nhân chính là do đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước. Nhìn từ góc độ phát triển bền vững, có thể thấy doanh nghiệp đang mất cân bằng giữa 3 trụ cột: vốn tài chính, vốn xã hội và vốn môi trường. Thực trạng hiện nay cho thấy đại dịch đang ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nguồn vốn tài chính và nguồn vốn xã hội của doanh nghiệp. Cạn tiền và khủng hoảng nhân sự đang là những vấn đề cốt tử của doanh nghiệp hiện tại. Bên cạnh yếu tố tác động tiêu cực từ đại dịch, thì khả năng quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng yếu kém cũng là một nguyên nhân lớn”.
Cũng theo đại diện VCCI, VBCSD, các doanh nghiệp thực hiện chiến lược phát triển bền vững nói chung, và áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) nói riêng đã cho thấy sức chống chịu tốt hơn hẳn so với mặt bằng chung. Đó là những doanh nghiệp có sức bền dẻo dai hơn, nên khả năng phục hồi cũng cao hơn.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận những kiến thức cập nhật về quản trị khủng hoảng, VCCI cùng đối tác kỹ thuật - Deloitte Việt Nam sẽ ra mắt phiên bản thứ hai của cuốn Cẩm nang Quản trị công ty - Ứng phó, Phục hồi và Phát triển thời khủng hoảng trong tháng 9/2021.
Tại tọa đàm, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu đã chia sẻ về kết cấu nền kinh tế gắn với phát triển bền vững doanh nghiệp và đề xuất những giải pháp cho doanh nghiệp Việt tiếp tục xây dựng và duy trì cấu trúc phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, những khó khăn và giải pháp để giải quyết các vấn đề trong ổn định chuỗi cung ứng, đảm bảo sản xuất kinh doanh, lợi ích của người lao động, và các sáng kiến chuyển đổi mô hình kinh doanh, áp dụng các phương thức kinh doanh dựa trên chuyển đổi số đã được các doanh nghiệp chia sẻ.
Bức tranh kinh tế của các ngành da giày-túi xách, nông nghiệp-thực phẩm, bán lẻ,… cũng được thể hiện rõ nét thông qua các kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp.
Các kiến nghị từ Hội thảo sẽ được tập hợp và báo cáo lên Chính phủ và Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp ứng phó Covid-19 của VCCI, từ đó góp phần xây dựng kế hoạch hành động của VCCI hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất- kinh doanh hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) là hoạt động thúc đẩy đối thoại về phát triển bền vững doanh nghiệp quan trọng nhất trong năm do VBCSD-VCCI chủ trì.
Năm 2021, VCSF được tổ chức với chủ đề “Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Những nội dung trọng điểm dự kiến sẽ được thảo luận tại Diễn đàn năm nay chính là những vấn đề then chốt cần được giải quyết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội bao trùm và bền vững trong thập niên 2021-2030, bao gồm: Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép; Kinh tế tuần hoàn: Tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững; Quản trị doanh nghiệp bền vững với CSI và Tối ưu hóa chuyển đối số doanh nghiệp.
Thông qua các hoạt động đối thoại, VCSF đang dần thay đổi tư duy của các doanh nghiệp về quản trị đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều “ông lớn” của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế bị “sụp đổ” khi không kịp chuyển mình, nắm bắt xu thế và quản trị doanh nghiệp một cách bền vững, minh bạch.
Đối với Việt Nam, hơn 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do vậy, doanh nghiệp càng cần phải thực hiện công cuộc quản trị. Đặc biệt, càng trong khủng hoảng doanh nghiệp càng cần quản trị tốt.
Nền tảng quản trị không chỉ giúp doanh nghiệp vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn khủng hoảng mà còn xây dựng nền móng và tạo đà để doanh nghiệp bứt phá, phát triển.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo hoạt động sản xuất đều tiến hành xây dựng các kịch bản ứng phó và thành lập các ban và tiểu ban phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp để có thể chủ động ứng phó trong những tình huống phức tạp.
Minh Anh
email: [email protected], hotline: 086 508 6899