Sản phẩm OCOP: Kết tinh các giá trị bản địa với khoa học, công nghệ và sáng tạo
TCDN - Việc nhiều sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu sang thị trường thế giới cho thấy, đã có sự kết tinh giữa các giá trị bản địa với khoa học, công nghệ và sự sáng tạo, tâm huyết của các chủ thể. Mẫu mã, bao bì không còn đơn giản như trước mà có hình thức ấn tượng.
Ứng dụng khoa học, đáp ứng thị hiếu khách hàng
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, các sản phẩm OCOP hiện nay đang phát triển nhanh, tính đến giữa tháng 12/2023 đã có 11.054 sản phẩm OCOP. Chất lượng các sản phẩm OCOP được nâng cao và cải thiện từ ứng dụng khoa học công nghệ đến bao bì mẫu mã, đạt được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật.
“Điểm ấn tượng nhất là chất lượng sản phẩm OCOP đã được nâng cao và cải thiện rõ rệt, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Sản phẩm OCOP đã có sự kết tinh giữa các giá trị bản địa với khoa học, công nghệ và sự sáng tạo, tâm huyết của các chủ thể, từ đó hình thành nhiều những sản phẩm mới, không chỉ thuần túy dựa trên những giá trị bản địa và thực sự đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hiện đại”, ông Tiến nhận xét.
Từ thực tế của doanh nghiệp hoạt động phân phối sản phẩm OCOP trà shan tuyết, ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng chia sẻ, việc áp dụng đưa khoa học, công nghệ vào quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm là hết sức cần thiết, kịp thời đáp ứng được những tiêu chuẩn về đóng gói, bảo quản, vận chuyển phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
“Mỗi hộp trà Suối Giàng đều có hình lá cờ đỏ sao vàng và 1 dòng chữ ‘Teabrand in Vietnam’ với mong muốn truyền tải được thông điệp của văn hóa và những giá trị Việt, không đơn thuần chỉ là một sản phẩm nông nghiệp mà ở đó còn có câu chuyện sản phẩm, lòng tự hào quốc gia”, ông Hiếu tiết lộ. Nếu như giai đoạn 2018-2020, các Bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương chủ yếu tập trung vào vấn đề phát triển sản phẩm OCOP, bước sang giai đoạn 2021-2025 cùng với việc phát triển số lượng sản phẩm, nâng cấp cải thiện chất lượng sản phẩm và hình thành ra hệ sinh thái các sản phẩm OCOP, công tác xúc tiến thương mại sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT), góp phần đưa được giá trị sản phẩm OCOP lan tỏa.
Nâng tầm sản phẩm OCOP lên vị thế cao hơn
Để tăng tiêu thụ sản phẩm OCOP qua thương mại điện tử, ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối - Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho rằng, câu chuyện sản xuất - đóng gói - bảo quản đang là một trong những rào cản, cần phải có sự quan tâm và đầu tư giúp cho bà con, hộ sản xuất nông nghiệp có đủ kiến thức. “Nếu như sản xuất một sản phẩm ra ăn ngay sẽ khác với một sản phẩm đóng gói xong chuyển đi. Đấy là những điểm cần phải chú ý khi các chủ thể đưa sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm OCOP lên sàn để kinh doanh”, ông Thế Anh lưu ý.
Giám đốc HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng - ông Đào Đức Hiếu cũng nhìn nhận, nếu chỉ đưa sản phẩm OCOP có mặt ở trên sàn sẽ chưa đủ, cần phải triển khai các hoạt động bên lề mang tính chuyên nghiệp như hình ảnh, câu chuyện về sản phẩm để khách hàng có thể dễ tiếp cận, từ đó chủ thể mới có cơ hội giới thiệu được truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. “Để thâm nhập thị trường quốc tế, các chủ thể cũng cần chú ý nghiên cứu thị trường xem thị trường đó họ cần tiêu chuẩn gì, bởi mỗi quốc gia sẽ có tiêu chuẩn khác nhau”, ông Hiếu chia sẻ kinh nghiệm.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đồng hành nâng tầm các sản phẩm OCOP lên vị thế cao hơn, thông qua nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ như hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu,… Đối với các cơ quan xúc tiến thương mại và Bộ Công Thương, cần đa dạng hoá kênh phân phối, đa dạng kênh xúc tiến thương mại để phù hợp với từng phân khúc tiêu dùng, từng thị trường tiêu thụ.
Mặt khác, các chủ thể OCOP cần định vị rõ phân khúc thị trường, trước khi đề ra kế hoạch xúc tiến thương mại.
"Sản phẩm phù hợp với thị trường nào thì tập trung xây dựng kênh tiêu thụ và xúc tiến thương mại phù hợp với nhóm khách hàng tiềm năng. Ví dụ, trà mạn, trà truyền thống và sử dụng nguyên liệu từ trung du, hái vào lúc nắng to thì hàm lượng tanin cao, chỉ phù hợp làm trà truyền thống; kênh tiêu thụ chính là trong nước. Nếu muốn đẩy lên thành sản phẩm cao cấp, đi vào thị trường ngách thì phải kể câu chuyện, kết hợp trải nghiệp trực tiếp, hoặc tổ chức livestream giới thiệu sản phẩm", ông Tiến chia sẻ.
Ngoài vấn đề về bao bì, nhãn mác, ông Tiến nhận xét, các lô hàng nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng còn tình trạng không đồng đều về chất lượng. Từ đó, ông đề xuất 3 nhóm giải pháp: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; Mẫu mã và bao bì phải đáp ứng được cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế; Xây dựng được thương hiệu và đăng ký bảo hộ với cơ quan quản lý.
Đặc biệt hiện nay, người tiêu dùng thuộc nhóm "Gen Z" (sinh khoảng năm 2000), nên ưu tiên trải nghiệm qua mạng xã hội cũng rất quan trọng, theo ông Tiến. Trên cơ sở đó, ông khuyên các chủ thể OCOP cần nâng cao năng lực về chuyển đổi số, đồng thời tích cực kết hợp quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, giúp mở rộng tệp khách hàng.
Thu Hà
email: [email protected], hotline: 086 508 6899