Sắp phá sản, chuỗi siêu thị thành tâm điểm tranh chấp giữa Jeff Bezos và người giàu nhất Ấn Độ
TCDN - Một chuỗi siêu thị đang lao đao vì COVID-19 ở Ấn Độ đang là trọng tâm của tranh chấp giữa tỉ phú Jeff Bezos, người giàu nhất hành tinh, và Mukesh Ambani, người giàu nhất Ấn Độ.
CNN đưa tin tập đoàn thương mại điện tử Amazon của tỉ phú Jeff Bezos đang chống một thỏa thuận thâu tóm trị giá 3,3 tỉ USD giữa tập đoàn Reliance Industries của tỉ phú Mukesh Ambani với tập đoàn Future Group.
Hiện tại, Mukesh Ambani là người giàu nhất Ấn Độ, còn Jeff Bezos là người giàu nhất hành tinh và mang biệt danh "vua thương mại điện tử".
Mục tiêu của cả Amazon và Reliance Industries là quyền kiểm soát chuỗi siêu thị Big Bazaar lừng danh ở Ấn Độ. Đó là chuỗi bán lẻ mà cả hai tập đoàn đều muốn sở hữu, hoặc ngăn chặn đối thủ thâu tóm.
"Nếu một trong hai bên chùn bước, mọi người sẽ cảm thấy dường như đó là bên thua cuộc và đối thủ đã thắng khi cuộc chiến vừa mới bắt đầu", Tarun Pathak, nhà phân tích của Counterpoint Research, bình luận.
Amazon đang nắm 31,2% thị phần thương mại điện tử Ấn Độ, chỉ sau Flipkart thuộc sở hữu của Walmart (31,9%), theo một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Forrester. Song Ambani không hề giấu diếm tham vọng thống trị thị trường với JioMart, sàn thương mại điện tử thuộc tập đoàn của ông.
Tâm điểm của cuộc chiến hiện nay là Future Retail, bộ phận chủ lực về lợi nhuận của Future Group. Linh hồn của Future Retail là chuỗi siêu thị Big Bazaar nổi tiếng. Hồi tháng 8/2019, Amazon mua gần 4,8% cổ phần trong Future Retail, theo hồ sơ công ty nộp lên ủy ban chứng khoán.
Thương vụ với Future Retail cho phép Amazon quyền mua thêm cổ phần của Future Retail trong tương lai.
Sau đó đại dịch COVID-19 bùng phát và Ấn Độ trở thành một trong những nước triển khai những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất. Họ yêu cầu các cửa hàng, siêu thị đóng và hàng triệu người phải ở nhà trong nhiều tháng.
Đại dịch COVID-19 tạo ra tác động tiêu cực lớn đối với hoạt động của Future Retail, theo một báo cáo tài chính gần đây của công ty. Hồi tháng 7, mức xếp hạng tín dụng của Future Retail giảm khi họ không thể thanh toán trái phiếu đáo hạn. Fitch Ratings hạ mức tín nhiệm của Future Retail xuống mức C, nghĩa là công ty sắp vỡ nợ.
Trong tháng tiếp theo, Reliance Industries và Future Group thông báo Reliance Industries sẽ mua bộ phận bán lẻ Future Retail và nhiều tài sản khác của tập đoàn Future Group.
"Vụ thâu tóm sẽ cho phép Future Group có một giải pháp toàn diện để giải quyết những thách thức mà COVID-19 và môi trường kinh tế vĩ mô tạo ra", Kishore Biyani, Tổng giám đốc Future Group, phát biểu.
Thông báo của Kishore Biyani khiến giới quan sát sửng sốt.
"Mọi người đều biết Amazon nắm cổ phần của Future Retail, và thỏa thuận không đề cập tới cách xử lí số cổ phần của Amazon", Satish Meena, một nhà phân tích của Forrester, bình luận.
Ngay sau đó, Amazon đáp trả bằng đơn kiện lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC).
"Giới doanh nghiệp Ấn Độ và nước ngoài hoạt động ở Ấn Độ đồng ý giải quyết tranh chấp ở SIAC vì đó là một cơ quan tư pháp trung lập với mức độ khách quan rất cao và áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế", Ashish Kabra, một luật sư đang lãnh đạo bộ phận giải quyết tranh chấp quốc tế của hãng luật Nishith Desai Associates tại Singapore, giải thích.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899