Sau kiểm tra thông quan, hàng nhập khẩu không đạt chất lượng tăng tới 14 lần

16/09/2020, 14:42

TCDN - 8 tháng đầu năm 2020, chỉ tính riêng 3 cơ quan kiểm tra chất lượng với 1.092 lô hàng nhập khẩu phát hiện tới 40 lô không đạt chất lượng, chiếm tỷ lệ gần 4%. Trong khi đó kiểm tra tiền kiểm tỷ lệ lô hàng nhập khẩu không đạt yêu cầu chỉ có từ 0 – 0,27%.

Ngày 16/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án GIZ tổ chức hội thảo “Thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành: Vấn đề và kiến nghị”.

Bà Nguyễn Minh Thảo, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trình bày những đánh giá chung về cải cách hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, một số kết quả tích cực đã đạt được có thể kể đến như: Số mặt hàng phải thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã giảm từ 100.000 (năm 2015) xuống còn 78.000, tỉ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan chỉ còn 19,4%. Tính đến tháng 6/2020 đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối với 198 thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa.

Tỷ lệ hàng nhập khẩu không đạt yêu cầu sau kiểm tra thông quan cao.

Tỷ lệ hàng nhập khẩu không đạt yêu cầu sau kiểm tra thông quan cao.

Tuy nhiên, việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn những bất cập như: thời gian và chi phí thực hiện thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành tuy đã giảm nhưng vẫn còn dài dẫn đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp (chi phí lưu kho bãi, phạt hành chính do chậm thông quan, lỡ cơ hội kinh doanh…).

Nhiều lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành chưa áp dụng đầy đủ nguyên tắc “quản lý rủi ro” trên cơ sở mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.

Khoảng 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa (tương đương với 1.012 dòng hàng tính theo mã số HS ở cấp độ 8 chữ số và tương ứng với 1.501 mặt hàng được chi tiết theo tên hàng cụ thể) còn chồng chéo trong thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lô hàng nhập khẩu, xuất khẩu không đạt yêu cầu thấp. Theo đó, tỷ lệ lô hàng (tờ khai) xuất khẩu, nhập khẩu không đạt yêu cầu từ năm 2017 đến tháng 10/2019 trên ba lĩnh vực gồm: kiểm dịch, kiểm tra chất lượng (theo luật chất lượng sản phẩm hàng hóa) và kiểm tra an toàn thực phẩm là rất thấp, gần như không đáng kể. Hàng hóa nhập khẩu tỷ lệ lô hàng không đạt yêu cầu 0 – 0,27%. Hàng hóa xuất khẩu tỷ lệ lô hàng không đạt yêu cầu là 0%.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, so sánh giữa kiểm tra theo cơ chế chặt (tiền kiểm) tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thì tỷ lệ vi phạm ít như số lượng báo cáo.

Đáng chú ý, khi kiểm tra áp dụng cơ chế hậu kiểm, cho thông quan rồi kiểm tra chất lượng sau thì tỷ lệ vi phạm chất lượng có xu hướng gia tăng. Đơn cử như trong 8 tháng đầu năm 2020, chỉ tính riêng 3 cơ quan kiểm tra chất lượng với 1.092 lô hàng nhập khẩu phát hiện tới 40 lô không đạt chất lượng, chiếm tỷ lệ gần 4%. Như vậy tăng gấp hơn 14 lần so với tiền kiểm.

“Rất nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật. Nếu cho hàng ra thị trường tiêu thụ chất lượng không đảm bảo sẽ gây nguy cơ cho người tiêu dùng. Vì vậy sửa đổi cải cách cần phải cân nhắc giữa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Sau kiểm tra thông quan, hàng nhập khẩu không đạt chất lượng tăng tới 14 lần tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan