Sẽ quy định rõ mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

22/04/2019, 09:35

TCDN - Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải. Dự thảo kế thừa các quy định còn phù hợp, nhưng sẽ quy định cụ thể mức phí đối với từng đối tượng...

nước thải
Phí BVMT đối với nước thải công nghiệp hiện thu theo mức độ ô nhiễm nước thải xả ra, trường hợp chủ nguồn thải đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn thì số phí BVMT phải nộp thấp. Ảnh: T.L

Thu không đủ bù chi cho bảo vệ môi trường

Hiện nay quy định về phí BVMT đối với nước thải thực hiện theo Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ (Nghị định 154). Qua 2 năm triển khai, về cơ bản các địa phương đều nghiêm túc thực hiện. Việc quy định thu phí BVMT đối với nước thải đã nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân về BVMT; ràng buộc đối tượng xả thải nước thải gây ô nhiễm trong việc đóng góp kinh phí phục vụ cho việc cải tạo ô nhiễm môi trường đối với nước thải.

Theo thống kê, số tiền phí thu được năm 2016 là 1.287 tỷ đồng, năm 2017 là 2.102 tỷ đồng, đã góp phần tăng cường kinh phí cho công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở địa phương. Tuy nhiên, số thu này mới đáp ứng một phần yêu cầu BVMT từ nước thải gây ra (phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải), mà chưa có nguồn để xử lý nước thải sinh hoạt trước khi xả ra môi trường.

Trong quá trình triển khai đã có một số ý kiến từ các địa phương cho rằng, mức thu phí BVMT hiện thấp không đủ bù đắp chi phí xây dựng, duy tu, bảo trì hệ thống đường cống thu gom thoát nước. Ví dụ, TP. Hà Nội thu 200 tỷ đồng/năm, nhưng chi đến 1.000 tỷ đồng/năm. Có ý kiến khác cho rằng phí đối với nước thải công nghiệp thấp hơn nước thải sinh hoạt.

Bên cạnh đó, những chi phí đầu tư xây dựng, duy tu hệ thống thoát nước và xử lý nước thải rất lớn. Hiện nay, ngoài quy định thu phí BVMT đối với nước thải, các địa phương có đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải được phép thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải theo Nghị định số 80/2014/NĐ-CP (cao hơn mức thu phí BVMT). Trên thực tế, nếu địa phương đã đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thì UBND tỉnh/ thành phố đó có thể quy định mức giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải theo Nghị định số 80 để bù đắp chi phí đầu tư.

Thực tế, tại Nghị định 154 đã quy định trường hợp cần quy định mức thu phí BVMT đối với nước thải cao hơn (mức 10% giá 1m3 nước sạch) thì HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu cụ thể. Tuy nhiên, có rất ít địa phương quy định mức phí cao hơn.

Đối với nước thải công nghiệp, phí BVMT đối với đối tượng này hiện thu theo mức độ ô nhiễm nước thải xả ra, trường hợp chủ nguồn thải đầu tư hệ thống xử lý nước thải và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn thì số phí BVMT phải nộp thấp. Hiện nay, cơ bản các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung, doanh nghiệp đã đầu tư chi phí cho hoạt động xử lý nước thải nên số tiền phí BVMT thu được thấp.

Mức phí đối với nước thải sinh hoạt hiện nay cũng còn bất cập, bởi nếu áp dụng chung sẽ không công bằng, ví dụ giữa hộ gia đình và các cơ sở rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn.

Mức phí cố định áp dụng chung không còn phù hợp

Một bất cập hiện nay đó là quy định về mức phí cố định. Tại điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định 154 quy định: “Cơ sở sản xuất, chế biến có khối lượng nước xả thải dưới 20m3/ngày phải nộp mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm”.

Một số địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Ninh Bình cho rằng mức phí cố định 1,5 triệu đồng/năm áp dụng chung cho tất cả các cơ sở xả thải dưới 20m3/ngày đêm là không phù hợp. Thực tế, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến có lượng nước thải dưới 20m3/ngày đêm (ví dụ 5, 10 hoặc 15 m3/ngày đêm) cũng phải nộp mức 1,5 triệu đồng/năm là chưa công bằng. Do đó, các địa phương này đề nghị sửa đổi theo hướng quy định nhiều mức phí khác nhau áp dụng cho các cơ sở xả thải dưới 20 m3/ngày đêm. Các tỉnh Thanh Hóa, Lào Cai còn kiến nghị tăng mức phí lên 2,5 triệu đồng/năm.

Theo Bộ Tài chính, qua khảo sát thực tế cho thấy, có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến có quy mô và tính chất hoạt động khác nhau, khối lượng nước thải cũng rất khác nhau, nhất là các cơ sở cơ khí, may mặc,... có lượng nước thải ít. Có nhiều cơ sở xả thải dưới 5m3/ngày đêm, trong khi phải nộp cùng mức phí 1,5 triệu đồng/năm như các cơ sở khác là chưa hợp lý. Để đảm bảo công bằng trong việc nộp phí, cần thiết phải nghiên cứu quy định mức phí tính theo quy mô xả thải.

Thu theo nguyên tắc “gây ô nhiễm môi trường ít thì nộp ít”

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp, đồng thời khắc phục triệt để những bất cập, hạn chế của chính sách về phí BVMT đối với nước thải cho phù hợp với thực tiễn mà nhiệm vụ BVMT đặt ra, Bộ Tài chính đã dự thảo nghị định về phí BVMT đối với nước thải.

Theo đó, sẽ quy định rõ về đối tượng chịu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp; quy định cụ thể về mức phí đối với từng đối tượng đảm bảo nguyên tắc người gây ô nhiễm môi trường từ nước thải thì có trách nhiệm nộp phí BVMT; cách tính phí được điều chỉnh theo hướng đơn giản dễ tính, dễ khai nộp. Việc quản lý và sử dụng phí thu được đảm bảo đồng bộ và phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật về quản lý thuế hiện hành.

Dự thảo nghị định quy định: Không thu phí đối với nước thải sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng; bỏ quy định miễn phí đối với: Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội.

Đồng thời chia nhỏ hơn mức phí cố định áp dụng đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 20 m3/ngày đêm như sau: Từ 10 m3/ngày đêm đến dưới 20m3/ngày đêm: 2 triệu đồng/năm; từ 5 m3/ngày đêm đến dưới 10 m3/ngày đêm: 1,5 triệu đồng/năm; dưới 5 m3/ngày đêm: 1 triệu đồng/năm.

Theo Bộ Tài chính, việc không thu phí đối với nước thải sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng là chính sách nhân văn, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của hộ gia đình, cá nhân còn khó khăn phải sử dụng nguồn nước tự khai thác. Đồng thời, không tạo thêm gánh nặng về tài chính khi các đối tượng này có điều kiện thu nhập thấp và đây là trách nhiệm chia sẻ của xã hội.

Việc bỏ quy định miễn phí đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội sẽ đem lại tác động tích cực cho các công ty nước sạch hoạt động tại địa phương,

Việc quy định chia nhỏ hơn mức phí cố định áp dụng đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 20 m3/ngày đêm sẽ đảm bảo công bằng giữa các đối tượng xả thải và phù hợp với nguyên tắc gây ô nhiễm môi trường ít thì nộp phí ít và ngược lại.

Theo Bộ Tài chính, với quy định chia nhỏ mức thu phí, về cơ bản không điều chỉnh tăng mức thu phí, do đó cơ bản số thu NSNN không tăng./.

Theo Thời báo tài chính Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Sẽ quy định rõ mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tại chuyên mục Dự thảo cơ chế chính sách của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899