Sẽ thanh kiểm tra doanh nghiệp FDI than lỗ vẫn mở rộng sản xuất
TCDN - Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều doanh nghiệp FDI luôn tìm mọi cách để "né" thuế, giảm thuế, tối đa hóa lợi nhuận.
Trong lúc hệ thống pháp luật còn “kẽ hở” cần sửa đổi, bổ sung, cần thiết sớm ban hành Luật Chống chuyển giá. Thời gian tới ngành thuế sẽ thanh tra, kiểm tra thuế các doanh nghiệp (DN) FDI có phát sinh lỗ nhiều năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ðủ cách né thuế
Liên quan việc Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) liên tiếp “sờ gáy” nhiều “ông lớn” doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) cuối năm 2019 như Coca Cola, Heineken, giới chuyên gia cho rằng, không có gì bất ngờ. Trong suốt nhiều năm, qua các diễn đàn, việc chây ỳ, trốn thuế của các doanh nghiệp này đã được đề cập.
Xác nhận với PV Tiền Phong, đại diện truyền thông hai nhãn hàng này ở Việt Nam đều cho biết, bước đầu DN đã tạm nộp số tiền bị truy thu, phạt qua thanh tra. Tuy nhiên, họ chưa đồng thuận với các quyết định trên, đang thực hiện các thủ tục pháp lý theo các điều khoản của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết với nước có trụ sở chính của công ty mẹ thuộc hai DN trên.
Trong khi đó, theo ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, thời gian tới sẽ thanh tra, kiểm tra thuế các DN FDI có phát sinh lỗ nhiều năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Đứng đầu danh sách này là Coca Cola và Heineken.
Coca Cola từng bị Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh xếp vào vị trí số 1 trong danh sách DN có dấu hiệu chuyển giá liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Từ năm 2012 trở về trước, công ty này liên tục kê khai lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở các dấu hiệu nghi vấn, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo Tổng cục Thuế, liệt công ty này vào diện rủi ro cao để theo dõi, thanh tra.
“Nhiều lần Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã làm việc về vấn đề này. Tuy nhiên, đại diện Coca Cola vẫn trả lời một cách “lấp liếm” bằng việc doanh thu không thể bù lại mức trả chi phí mua nguyên liệu. Công ty này cũng giải thích giá nguyên phụ liệu cao do đây là sáng chế lâu đời, bao gồm cả chi phí chất xám”, ông Minh chia sẻ.
Hiện tại, Việt Nam đã ký kết 75 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 75 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Bùi Quý Thuấn, giảng viên Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, cách thức chuyển giá phổ biến của các DN FDI là nâng giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào, trong khi lại hạ thấp giá xuất khẩu đầu ra để có kết quả tài chính lỗ nhằm không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) tại Việt Nam. Việc thanh tra, thu hồi và xử phạt vi phạm hành chính với những hành vi chuyển giá theo ông Thuấn vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Văn bản có giá trị pháp lý cao nhất liên quan đến chống chuyển giá là Nghị định 20/2017/NĐ-CP (NĐ 20) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có hiệu lực từ 1/5/2017. Trong đó, khoản 3, điều 8 của NĐ 20 quy định tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ chỉ được khấu trừ thuế nếu không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ (EBITDA). Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Tuy nhiên, điều khoản này của Nghị định 20 lại gặp phản ứng từ các DN trong nước vốn dựa nhiều vào vay nợ, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có giao dịch liên kết giữa các thành viên. Trong khi đó, các công ty đa quốc gia, DN FDI không có nhiều ý kiến về vấn đề này. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi nâng mức trần lãi vay từ 20 lên 30%.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, qua khảo sát thấy rằng, để nguyên mức 20% thì số lượng DN FDI chịu điều chỉnh của NĐ này khoảng 5,5%, còn nâng lên 30%, con số trên giảm xuống chỉ còn 3,4%, như vậy có nguy cơ để lọt nhiều DN FDI có hành vi trốn thuế hơn.
Cần thiết ban hành Luật Chống chuyển giá
Theo ThS. Bùi Quý Thuấn, ngoài Nghị định 20 đang được nghiên cứu, sửa đổi, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020 với 4 nguyên tắc chống chuyển giá và 8 hành vi bị cấm, trong đó có cấm thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế. Việc này, theo ông Thuấn cần được thực thi nghiêm túc và triệt để mới mong ngăn chặn được phần nào những hành vi chuyển giá, trốn thuế ngày càng lắt léo, tinh vi.
Từ năm 2015, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã thành lập 5 phòng thanh tra giá chuyển nhượng (1 phòng thanh tra giá chuyển nhượng tại Tổng cục Thuế và 4 phòng thanh tra giá chuyển nhượng tại 4 Cục Thuế lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương). Thừa nhận với PV Tiền Phong, đại diện Vụ Thanh tra thuế cho biết, lực lượng này vẫn còn quá mỏng trong khi các tập đoàn đa quốc gia phát sinh giao dịch liên kết có đội ngũ kế toán giàu kinh nghiệm và luôn được sự hỗ trợ của các công ty luật, công ty tư vấn, kiểm toán hàng đầu trên thế giới. Chưa kể, ở trong nước, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thường xuyên nên hiệu quả chống chuyển giá chưa cao.
Trong thời gian tới, ThS. Bùi Quý Thuấn cho rằng, Việt Nam nên ban hành Luật Chống chuyển giá. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động chống chuyển giá, không chỉ có ý nghĩa đối với quản lý thuế TNDN mà còn liên quan quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên...
Ngoài ra, theo ông Thuấn, cần xây dựng văn bản pháp lý quy định về việc quản lý, định giá đối với trường hợp các dự án đầu tư góp vốn bằng tài sản, máy móc, thiết bị và một số khoản chi phí đặc biệt khác, như chi thuê chuyên gia quản lý nước ngoài, chi sử dụng vốn vay của tổ chức nước ngoài. Bên cạnh đó, ngành thuế cần tinh giản bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thuế thực sự chất lượng, hiệu quả.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899