Sử dụng mã ID trong thu, nộp thuế như thế nào?

17/05/2023, 21:26
báo nói -

TCDN - Việc thực hiện thu nộp thuế theo mã ID khoản phải nộp mang lại các lợi ích như: Trường hợp nộp trên Cổng TTĐT Tổng cục Thuế, NNT chỉ cần chọn ID khoản phải nộp, hệ thống tự động hỗ trợ điền thông tin liên quan lên giấy nộp tiền, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế sai sót.

thue

Theo Công văn số 1483/TCT-KK, từ ngày 10/5/2023, Cổng TTĐT Tổng cục Thuế sẽ nâng cấp chức năng cho phép người nộp thuế (NNT)  tra cứu nghĩa vụ thuế, hỗ trợ sắp xếp thứ tự thanh toán theo quy định của Luật Quản lý thuế, lập Giấy nộp tiền vào NSNN theo mã ID khoản nộp. Với việc thực hiện thu nộp thuế theo ID khoản phải nộp, sẽ có nhiều lợi ích thiết thực cho cả cơ quan thuế cũng như NNT.

Trường hợp chứng từ không có ID khoản phải nộp, cơ quan thuế đã thực hiện tra soát hoặc cung cấp thông tin qua Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) Tổng cục Thuế để NNT tra soát nhưng đến ngày hệ thống xử lý bù trừ nghĩa vụ thuế định kỳ hàng tháng vẫn chưa có thông tin ID khoản phải nộp thì hệ thống tiến hành xử lý bù trừ theo quy tắc hiện hành đáp ứng quy định về thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tại Luật Quản lý thuế.

Việc thực hiện thu nộp thuế theo mã ID khoản phải nộp mang lại các lợi ích như: Trường hợp nộp trên Cổng TTĐT Tổng cục Thuế, NNT chỉ cần chọn ID khoản phải nộp, hệ thống tự động hỗ trợ điền thông tin liên quan lên giấy nộp tiền, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế sai sót. ID khoản phải nộp được lựa chọn thanh toán đáp ứng quy định về thứ tự thanh toán thì được trừ nợ đích danh theo khoản NNT lựa chọn nộp.

Cùng với đó, khi nộp thuế theo ID khoản phải nộp, số tiền thuế đã nộp được bù trừ nợ đích danh trong ngày cơ quan thuế nhận được chứng từ có ID chính xác. Khi NNT thực hiện nộp thuế vào NSNN theo thứ tự thanh toán quy định tại Luật Quản lý thuế, việc thanh toán theo thứ tự nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho NNT, tháo gỡ kịp thời các rào cản trong hoạt động do biện pháp cưỡng chế nợ thuế gây ra...

Đối với khoản phải nộp liên quan nghĩa vụ tài chính về đất đai, lệ phí trước bạ phương tiện và các khoản thu khác thuộc NSNN do cơ quan thuế quản lý thu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 57 Luật Quản lý thuế thì không phải thanh toán theo thứ tự.

Đối với NNT đã có tài khoản giao dịch thuế điện tử truy cập Cổng TTĐT Tổng cục Thuế để truy vấn khoản phải nộp đã được hỗ trợ sắp xếp thứ tự thanh toán.

Cách sử dụng mã ID khoản phải nộp

Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, có 2 cách sử dụng mã ID khoản nộp. Cụ thể là sử dụng mã ID trong nộp thuế:

Trường hợp NNT thực hiện nộp thuế tại Cổng TTĐT Tổng cục Thuế: Cổng TTĐT Tổng cục Thuế cho phép NNT truy vấn khoản phải nộp theo mã hồ sơ (đối với khoản phải nộp liên quan nghĩa vụ tài chính về đất đai, lệ phí trước bạ phương tiện) hoặc truy vấn toàn bộ khoản phải nộp của NNT. Cổng TTĐT Tổng cục Thuế trả kết quả truy vấn về khoản phải nộp có gắn ID và điền tự động thông tin lên giấy nộp tiền theo ID NNT lựa chọn nộp tiền.

Trường hợp NNT lựa chọn nhiều ID để lập 1 giấy nộp tiền, nếu đảm bảo các điều kiện về thứ tự thanh toán liền kề nhau, có cùng thông tin Kho bạc Nhà nước tiếp nhận khoản thu, cơ quan thu, tài khoản thu, nội dung kinh tế, loại tiền, tính chất nghiệp vụ quản lý thuế Cổng TTĐT Tổng cục Thuế hỗ trợ gom ID lên giấy nộp tiền, ID hiển thị trên giấy nộp tiền khác các mã ID riêng lẻ mà NNT lựa chọn.

Mã ID được đảm bảo thống nhất từ khâu tạo lập giấy nộp tiền tại Tổng cục Thuế, qua ngân hàng, đến Kho bạc nhà nước và cơ quan Thuế.

Với các trường hợp chưa có ID khoản phải nộp, trường hợp tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ thì NNT tích chọn “Tạm nộp” để hệ thống hiển thị giao diện lập giấy nộp tiền. NNT kê khai toàn bộ thông tin trên Giấy nộp tiền vào NSNN để cơ quan thuế có cơ sở ghi nhận, xử lý bù trừ khoản đã nộp của NNT với khoản phải nộp hoặc tra soát thông tin với NNT để hoàn thiện chứng từ.

Trường hợp không tìm thấy khoản phải nộp tương ứng (có thể do các nguyên nhân như: các khoản thuế đã lập và gửi hồ sơ khai thuế nhưng chưa được cơ quan thuế chấp nhận…) hoặc thông tin khoản phải nộp chưa đúng nhưng để đảm bảo thời hạn nộp thuế thì NNT tích chọn “Loại thuế khác” để hệ thống hiển thị giao diện lập giấy nộp tiền. NNT kê khai toàn bộ thông tin trên Giấy nộp tiền vào NSNN để cơ quan thuế có cơ sở ghi nhận, xử lý bù trừ khoản đã nộp với khoản phải nộp hoặc tra soát thông tin với NNT để hoàn thiện chứng từ.

Trường hợp nộp thuế tại Ngân hàng, Kho bạc, Cổng dịch vụ công quốc gia thì NNT cung cấp Thông báo nộp tiền liên quan nghĩa vụ tài chính về đất đai, lệ phí trước bạ phương tiện hoặc ghi cụ thể mã ID trên bảng kê nộp tiền liên quan khoản phải nộp khác hoặc đề nghị Kho bạc Nhà nước, Cổng dịch vụ công Quốc gia, ngân hàng có kết nối với Cổng TTĐT Tổng cục Thuế hỗ trợ truy vấn ID khoản phải nộp tại Cổng TTĐT Tổng cục Thuế để lập giấy nộp tiền vào NSNN.

Thứ hai, có thể sử dụng mã ID trong tra soát, điều chỉnh thông tin thu nộp NSNN. Cụ thể: Cổng TTĐT Tổng cục Thuế cho phép NNT tra cứu toàn bộ tình hình xử lý nghĩa vụ thuế đã được ghi nhận trong hệ thống ứng dụng quản lý thuế.

Cổng TTĐT Tổng cục Thuế trả kết quả truy vấn về khoản phải nộp, khoản tạm nộp/nộp thừa có gắn ID và điền tự động thông tin lên đề nghị tra soát theo ID NNT lựa chọn.

Lê Doãn Tài
Bạn đang đọc bài viết Sử dụng mã ID trong thu, nộp thuế như thế nào? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan