Sửa quy định quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước

26/07/2024, 09:30
báo nói -

TCDN - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 97/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/9/2024.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan.

Tại Nghị định số 97/2024/NĐ-CP, quy định trên được sửa thành: Thủ tướng Chính phủ thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan đối với các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nghị định số 97/2024/NĐ-CP nêu rõ: Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật liên quan đối với:

1- Doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập;

2- Doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao quản lý hoặc được giao trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, bao gồm cả các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có hiệu lực thi hành và không có tên tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này;

3- Phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Về quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về quản lý cán bộ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, theo Nghị định số 97/2024/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với Kiểm soát viên theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy mô của doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban Kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu lựa chọn, quyết định bổ nhiệm cán bộ, công chức do mình quản lý làm Kiểm soát viên và có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp cho cán bộ, công chức khi thôi làm Kiểm soát viên.

Tại Nghị định số 97/2024/NĐ-CP sửa đổi quy định người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập có quyền đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung Điều lệ; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản doanh nghiệp. Quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị hạch toán phụ thuộc theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu biết trong vòng 180 ngày kể từ ngày thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị hạch toán phụ thuộc.

Việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng.

Việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ doanh nghiệp.

Nghị định số 97/2024/NĐ-CP nêu rõ, doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước gồm:

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Hoá chất Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn để thành lập mới theo quy định tại Điều 11 Luật số 69/2014/QH13.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Sửa quy định quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thủ tướng: Doanh nghiệp nhà nước xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành nước ngoài
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh một cách căn cơ, bài bản, toàn diện, bền vững; xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp.
Thủ tướng: Đẩy mạnh phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước
Tại Hội nghị với doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm nghiên cứu dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên tinh thần Nghị quyết 68, đẩy mạnh phân cấp hơn nữa cho cơ quan đại diện chủ sở hữu; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực...