Tạm dừng áp thuế tự vệ với phân bón DAP, Bộ Công Thương nói gì?
TCDN - Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu đang là đối tượng áp dụng biện pháp tự vệ theo Luật Quản lý ngoại thương, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Bộ Công Thương vừa phản hồi về việc tạm hủy đánh thuế tự vệ đối với phân bón DAP nhập khẩu, một loại phân vô cơ với thành phần chính là đạm (18%) và lân (46%) dễ hấp thu cho cây trồng.
Theo đó, Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu trên cơ sở yêu cầu hợp lệ của ngành sản xuất trong nước và sau một quá trình điều tra, đánh giá toàn diện tác động của các sản phẩm này tới thị trường Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật có liên quan.
Trong quá trình điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ, các yếu tố kinh tế - xã hội đã được Bộ Công Thương đánh giá đầy đủ và có sự tham khảo, thống nhất ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Việc thuế tự vệ đối với DAP và MAP nhập khẩu được áp dụng ở mức thấp hơn, với thời gian áp dụng ngắn hơn so với quy định của WTO và được giảm dần theo lộ trình cho thấy Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã cân nhắc kỹ thực trạng của thị trường phân bón trong nước, tác động của biện pháp tự vệ tới các bên sử dụng và tác động đến chi phí trồng lúa.
Theo tính toán, tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp tự vệ, mức thuế tự vệ chỉ tương đương tối đa khoảng 0,66% tổng chi phí của người trồng lúa. Tỷ lệ này tới nay có thể còn thấp hơn do mức thuế tự vệ được giảm dần theo lộ trình trong khi nhiều chi phí khác trong sản xuất lúa tăng lên.
Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng thuế tự vệ theo lộ trình giảm dần một mặt tạo môi trường công bằng cho sản xuất trong nước phát triển nhưng cùng với đó cũng hướng tới việc duy trì môi trường cạnh tranh để mang tới lợi ích cho người sử dụng phân bón. Với một nước nông nghiệp như nước ta, việc tránh phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu là một vấn đề quan trọng.
Trước năm 2009, khi ngành sản xuất trong nước chưa hình thành, giá phân bón DAP đã từng bị đẩy lên rất cao (18.000đ/kg năm 2008), gây ảnh hưởng tiêu cực đến người nông dân. Thực tế cho thấy, với nhiều ngành công nghiệp đầu vào quan trọng như phân bón, kim loại cơ bản, hóa chất, chất dẻo..., khi đã có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá bình quân luôn thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó.
Vì vậy, rất nhiều Thành viên WTO, kể cả các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Ca-na-đa… đều đã và đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các ngành sản xuất này.
Trước đó, giá phân bón DAP tăng mạnh và có tình trạng khan hiếm hàng, dẫn tới nguy cơ thiếu phân bón phục vụ sản xuất vụ mùa tới. Doanh nghiệp nhập khẩu kiến nghị tạm thời dừng áp dụng biện pháp tự vệ trong "trường hợp khẩn cấp" này và rà soát lại thực trạng để có biện pháp quản lý cho phù hợp.
Bộ Công Thương cũng khẳng định đang phối hợp các bộ ngành theo dõi sát tình hình biến động giá cả phân bón, các nguyên liệu đầu vào và hoạt động sản xuất kinh doanh của oanh nghiệp.
Theo đó, bộ đã họp với Bộ NN&PTNT cùng đơn vị liên quan đánh giá tình hình, nhận thấy biến động giá DAP thời gian gần đây chủ yếu do các yếu tố bên ngoài như sự tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào, sự gia tăng của chi phí vận chuyển… chứ không phải do nhu cầu trong nước đối với DAP tăng so với trước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương khẳng định giá một số mặt hàng phân bón nhập khẩu khác, dù không bị áp thuế tự vệ, cũng tăng rất mạnh.
"Thực tế giá DAP sản xuất trong nước không tăng mạnh như giá DAP nhập khẩu cho thấy ngành sản xuất trong nước đã phát huy tác dụng trong việc hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài, góp phần kìm hãm mức tăng giá chung của phân bón DAP" - bộ này nói và cho hay hiện nay không quy định về việc tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ theo những biến động mang tính thời điểm.
Do đó, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan để đánh giá, rà soát biện pháp tự vệ một cách khách quan, tổng thể và phù hợp với quy định của pháp luật.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899