Bộ Tài chính tính áp 5% thuế GTGT mặt hàng phân bón

10/10/2020, 15:54

TCDN - Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tránh vướng mắc trong thực hiện, Bộ Tài chính đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với thuế suất 5%.

Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Theo khoản 3a Điều 5 Luật thuế GTGT hiện hành thì “phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Thực hiện quy định trên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định) phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại.

Bộ Tài chính muốn áp thuế GTGT 5% cho mặt hàng phân bón.

Bộ Tài chính muốn áp thuế GTGT 5% cho mặt hàng phân bón.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tránh vướng mắc trong thực hiện, Bộ Tài chính đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. 

Ngày 26/11/2014 Quốc hội thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định) dùng cho sản xuất phân bón.

Việc quy định không chịu thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là không chịu thuế ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Việc quy định không chịu thuế GTGT gây bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước trong khi mặt hàng phân bón nhập khẩu không chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, phân bón sản xuất trong nước thì thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ phải tính vào chi phí sản xuất.

Bộ Tài chính cho biết, với chính sách mới, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% là áp dụng ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng, do đó tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại.

Tuy nhiên, giá mặt hàng phân bón được hình thành theo cơ chế thị trường; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường.

Do đó, theo Bộ Tài chính để không làm tăng chi phí đầu vào cho nông dân, các doanh nghiệp phân bón phải hạ giá thành sản phẩm để không tăng giá bán mặt hàng phân bón. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải thực hiện các giải pháp như tăng cường quản trị, rà soát để tiết giảm chi phí, từ đó giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính tính áp 5% thuế GTGT mặt hàng phân bón tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Đề xuất để mặt hàng phân bón chịu thuế VAT 5%
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, cần đề xuất sửa đổi Luật số 71 của Quốc hội, trong đó, thuế giá trị gia tăng (VAT) chịu mức 5% đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu, qua đó giúp phân bón nhập khẩu có lợi thế về giá so với phân bón sản xuất trong nước.
Vinachem than vì thuế VAT mặt hàng phân bón chỉ... 0%
Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) việc đưa mặt hàng phân bón vào diện đối tượng không chịu thuế VAT đã nảy sinh nhiều bất cập. Do phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT nên không được khấu trừ thuế VAT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất khiến chi phí sản xuất trong nước tăng.