Chủ tịch VTCA:

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn không nên quá đột ngột

08/08/2024, 14:49

TCDN - Bà Nguyễn Thị Cúc đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia. Tuy nhiên việc tăng thuế không nên quá đột ngột và có lộ trình để các tổ chức kinh doanh có thời gian chuyển đổi, không ảnh hưởng quá lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh...

Empty

Sáng 8/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) và ngành đồ uống”.

Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) đang được Bộ Tài Chính chủ trì soạn thảo và đang lấy ý kiến rộng rãi với nhiều sửa đổi quan trọng. Đối với ngành đồ uống, các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ là đối tượng chịu tác động trực tiếp của đề xuất điều chỉnh của luật, với đề xuất tăng thuế suất theo lộ trình liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB. 

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA dẫn số liệu được Oxford Economic đưa ra, ngành bia đóng góp 555 tỷ USD vào GDP toàn cầu, tạo ra 23 triệu công ăn việc làm và đóng góp 66 tỷ USD tiền thuế cho các chính phủ trên toàn thế giới trong năm 2019. Mặc dù ngành bia chỉ chiếm khoảng 3% lao động, nhưng đang tạo ra tới 7% giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và chiếm khoảng 6% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Theo tính toán, cứ 1 công việc trực tiếp tại nhà máy tạo ra khoảng trên 50 công việc gián tiếp trong chuỗi cung ứng phụ trợ.

“Trước những đề xuất tăng thuế cao cũng như bổ sung mặt hàng mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB cần được xem xét cẩn trọng, đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện trong điều kiện ở Việt Nam, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học,… để có chính sách đảm bảo hài hòa các lợi ích nhất”, ông Việt nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho hay, hiện nay sản phẩm đồ uống không có cồn, nước giải khát chưa chịu thuế TTĐB tại Việt Nam. Đối với sản phẩm đồ uống có cồn áp dụng phương pháp tính TTĐB theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế, được tính trên cơ sở giá bán sản phẩm chưa có thuế VAT, chưa có thuế TTĐB. Chính sách thuế TTĐB đối với sản phẩm có cồn, từ khi có luật thuế TTĐB năm 1990 đến nay đã được thay đổi 12 lần cả về sản phẩm chịu thuế, thuế suất, nồng độ cồn. 

Theo bà Cúc, VTCA thống nhất quan điểm tăng thuế TTĐB theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 nhằm đạt mục tiêu của thuế TTĐB theo QĐ số 508/QĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2022 của TTCP phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 “…xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030…”.

“Việc tăng thuế theo 2 phương án 1 và 2 đều tăng liên tục và tăng  cao sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp đang cố gắng ổn định, hồi phục sản xuất kinh doanh sau Covid-19, đồng thời phải thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông”, bà Cúc phân tích.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.

Theo bà Cúc, việc tăng thuế TTĐB cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế TTĐB đề ra. Việc tăng thuế có thể làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu thụ mặt hàng rượu bia, hạn chế tác hại việc uống rượu bia nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu; người tiêu dùng ở nông thôn, có thu nhập thấp có nhiều khả năng chuyển cơ chế tự cung, tự cấp và bán lấy lãi bằng cách dân tự nấu rượu, tự pha chế; không nộp thuế TTĐB, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân… Mục tiêu hạn chế tiêu dùng, đảo bảo sức khỏe cộng đồng khó thực hiện.  

“Từ thực tế trên, chúng tôi đề nghị ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu kỹ thêm tác động tăng thuế nhanh, cao theo dự Luật đến thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng. Trong đó có thể xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn”, Chủ tịch VTCA nhấn mạnh. 

Bà Cúc gợi ý, có thể theo phương án năm đầu tăng thuế suất 5%. Nhưng các năm tiếp theo thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm.

Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Cúc cũng cho rằng cần tiến hành đồng bộ các giải pháp khác như thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cần có các biện pháp quyết liệt chống hàng nhập lậu và đưa vào diện quản lý nộp thuế TTĐB của rượu trong dân, sản xuất rượu không có đăng ký kinh doanh, không đảm bảo chất lượng dễ gây ngộ độc, chết người, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân, trật tự, an sinh xã hội. 

Về nước giải khát có đường, dự thảo Luật đưa nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào diện chịu thuế suất 10%. Bà Cúc cho hay, nội dung này đã được đưa vào một số lần dự thảo thay đổi Luật thuế TTĐB trước đây nhưng chưa điều chỉnh. Chủ tịch VTCA đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thấu đáo khi bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB, đồng thời xem xét lượng đường bao nhiêu là phù hợp, 5g/100ml hay 7 hoặc 8 g/100 ml như kinh nghiệm của một số nước có đánh thuế.

Đại diện Sabeco khẳng định, bất kỳ quốc gia nào cũng đều thực hiện tăng thuế. Tuy nhiên, Sabeco đề nghị tốc độ tăng, mức tăng nên cân nhắc hợp lý hơn để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, duy trì nguồn thu ngân sách nhà nước lâu dài. Bởi theo đại diện Sabeco nếu tăng thuế cao có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể đóng cửa nhà máy nhỏ, ảnh hưởng tới người lao động, công ăn việc làm và an sinh xã hội.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia.

Đối với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên: phương án 1 tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Phương án 2 tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.

Đối với mặt hàng rượu dưới 20 độ: phương án 1 tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 40%, 45%, 50%, 55%, 60% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Phương án 2 tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.

Đối với mặt hàng bia: phương án 1 tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Phương án 2 tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn không nên quá đột ngột tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thuế tiêu thụ đặc biệt ôtô: Cần tính toán phương án để 'nói phải củ cải cũng nghe'
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho hay, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô cần phải đảm bảo hài hòa các yếu tố như thu ngân sách nhà nước, môi trường, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn việc làm cho người lao động, định hướng tiêu dùng…
Cần lựa chọn lộ trình chuyển đổi thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn phù hợp
Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, khi sửa thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn cần lựa chọn hệ thống thuế và lộ trình chuyển đổi phù hợp với điều kiện cụ thể, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh để xây dựng mô hình thuế và cải cách phù hợp...
Sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn
Bộ Tài chính đã dự thảo sửa đổi quy định đối tượng chịu thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia theo pháp luật chuyên ngành (Luật Phòng chống tác hại của rượu bia) và xây dựng 02 phương án tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu bia theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030.