Tăng trưởng tín dụng: Kích cung, hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh

26/03/2024, 18:14
báo nói -

TCDN - Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng liên tục suy giảm trong các tháng đầu năm 2024, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là kích cung hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh được trên chính thị trường trong nước, giảm giá thành sản phẩm, xuất khẩu nhiều hơn.

11-1

Tín dụng suy giảm

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Tháng 1/2024, tín dụng giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Có 5/9 nhóm tổ chức tín dụng ghi nhận tín dụng giảm, trong đó nhóm ngân hàng liên doanh ghi nhận tín dụng giảm mạnh nhất ở mức 3,41%.

Báo cáo Thị trường Tiền tệ tháng 2/2024 của hãng chứng khoán Rồng Việt Securities (VDSC) ghi nhận, NHNN ước tính, tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1/2024 là -0,6% và tính đến ngày 16/02/2024 là -1,0%.Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng tiêu biểu trong tháng 01/2024 giảm mạnh hơn diễn biến của toàn ngành như Ngân hàng Vietcombank (-2,3% so với cuối năm 2023), Ngân hàng BIDV (-1,3%) hay Ngân hàng MBBank (-0,7%).

Tăng trưởng tín dụng thấp trong những tháng đầu năm là hiện tượng phổ biến, bình quân tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm của giai đoạn 2013 - 2023 chỉ là 0,56%. Dữ liệu lịch sử cho thấy tăng trưởng tín dụng âm trong hai tháng đầu năm xuất hiện trong các năm 2014 và 2018.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, hết tháng 1/2024 tín dụng cuối kỳ đạt 1,24 triệu tỉ đồng, giảm 2,3%. Nguyên nhân tín dụng giảm là do tín dụng bán lẻ trong tháng đầu tiên năm 2024 tiếp tục đà giảm, giảm đến 11.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản cũng giảm do thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án mới cấp phép năm 2023 có ít dẫn đến nguồn cùng thiếu, nhiều dự án vướng mắc về pháp lý.

"Yếu tố đặc thù tín dụng Vietcombank là dư nợ ngắn hạn bán buôn chiếm tỉ trọng lớn hơn 74%, dư nợ cho vay thanh toán quốc tế tài trợ thương mại thời vụ tập trung vào dịp Tết Dương lịch phục vụ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa... các khách hàng FDI thường có xu hướng trả nợ cuối năm. Trong khi đó, tâm lý chung doanh nghiệp, người dân ngại vay nợ những tháng đầu năm. Tôi cho rằng các quý sau việc giải ngân cho khách hàng sẽ tăng trở lại...", ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Trần Long - Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, nguyên nhân suy giảm tín dụng trong tháng đầu năm chính là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Kinh tế còn nhiều thách thức, các nhóm ngành là động lực tăng trưởng còn phục hội chậm, thị trường đầu ra gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) phân tích về điểm khác biệt trong tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024. Cụ thể, nếu như một số năm trước đây, thời điểm cuối năm tình hình nhu cầu tín dụng tăng cao, lúc đó các ngân hàng "khá căng" về room tín dụng nên nhu cầu được "vắt sang" giải quyết trong tháng 1 làm cho tăng trưởng tín dụng đầu năm khá cao.

Còn trong năm 2023 khi room tăng trưởng tín dụng tương đối thoải mái, nhu cầu tín dụng được đáp ứng, đến thời điểm 31/12, các doanh nghiệp, cá nhân quyết toán công nợ, cơ bản được giải quyết hết trong năm 2023, do đó, nhu cầu vay trong tháng 1 thấp. Có ngân hàng số người trả nợ nhiều hơn người vay, làm tăng trưởng tín dụng giảm tốc trong tháng 1 năm 2024.

Vừa qua, báo cáo từ Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân trình lên Thủ tướng Chính phủ vào tháng 1/2024 cho thấy, nhiều doanh nghiệp cho biết đang đối mặt với khó khăn lớn về việc tiếp cận tín dụng ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của tín dụng.

Báo cáo chỉ ra rằng, mặc dù có dấu hiệu đơn hàng tăng lên, nhưng các doanh nghiệp đã cạn kiệt nguồn vốn và không còn tài sản để thế chấp cho các khoản vay mới, dẫn đến tình trạng không đủ vốn để duy trì hoạt động sản xuất.

Nhìn nhận về câu chuyện tăng trưởng tín dụng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh đánh giá, việc tín dụng tăng chậm trong 1-2 tháng đầu năm là điều bình thường theo quy luật hàng năm. Vì vào thời điểm cuối năm, nhất là tháng 11-12, nhu cầu thanh toán của các doanh nghiệp và người dân thường tăng rất cao khiến tín dụng có xu hướng tăng mạnh.

Ngoài ra, có thể có lý do là các ngân hàng thương mại thường cố gắng đẩy tăng trưởng tín dụng của mình chạm “room” tín dụng mà NHNN cho phép, vì tăng trưởng tín dụng gắn liền với tăng trưởng lợi nhuận. Ngân hàng nào cũng muốn lợi nhuận tốt nên luôn cố gắng có hạn mức tín dụng cao nhất.

“Trong giai đoạn đầu của Covid-19, định hướng chính sách của chúng ta là giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng lãi suất huy động giảm nhanh hơn rất nhiều so với lãi suất cho vay, đã tạo ra siêu lợi nhuận cho ngành ngân hàng trong những năm đó, kéo theo cả việc tăng giá cổ phiếu.

Để điều chỉnh lại vấn đề này, tôi cho rằng một biện pháp hiệu quả là công khai lãi suất cho vay để thị trường tự so sánh, quyết định, khiến các ngân hàng thương mại phải thận trọng hơn khi điều chỉnh các mức lãi suất của mình”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh nói.

Tháo gỡ khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp

Trong bối cảnh tín dụng sụt giảm, lãnh đạo VietinBank đề nghị Chính phủ cần có chiến lược kích cầu cho nền kinh tế. Đồng thời, các địa phương nên đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn pháp lý cho các dự án, doanh nghiệp.

Đại diện Vietcombank cho hay, tín dụng bán buôn của ngân hàng này chiếm 70% dự nợ tín dụng, nhưng đang gặp khó về vấn đề pháp lý dẫn tới chậm giải ngân vốn trung, dài hạn. Ví dụ với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, Vietcombank đang tiếp cận 20 dự án với dư nợ 10.000 tỷ đồng, tuy nhiên, khó khăn vướng mắc hiện nay chính là tháo gỡ thủ tục pháp lý.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh cũng phân tích, sức cầu của nền kinh tế có thể đến từ nhiều phía như xuất khẩu, chi tiêu Chính phủ và tiêu dùng. Trong đó, cần chú ý hơn đến vấn đề xuất khẩu và chi tiêu Chính phủ bởi vì độ mở nền kinh tế Việt Nam lớn, giá trị xuất khẩu đã tương đương thậm chí là hơn cả giá trị GDP của đất nước.

Thứ nhất, nếu xuất khẩu càng nhiều thì sẽ kéo được tăng trưởng kinh tế lên và kéo được nguồn ngoại tệ về, đồng thời giảm bớt nhập siêu.

Thứ hai là về chi tiêu Chính phủ, trong nhiều năm qua luôn luôn có một vấn đề đó là chi tiêu ngân sách không đạt so với kế hoạch đề ra, nghĩa là chúng ta có tiền để chi nhưng không chi được. Vì vậy khi đã có sẵn nguồn lực, thì cần phải chi tiêu cho đầu tư hạ tầng bởi sức lan tỏa của cơ sở hạ tầng là rất lớn đối với nền kinh tế.

Thứ ba là chi tiêu tiêu dùng. Điều cần lưu ý là sức cầu của người dân có tính hai mặt, có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế; nhưng sản phẩm mà các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra chưa đáp ứng hết yêu cầu của người dân và vẫn phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng cho tiêu thụ trong nước. Nếu chúng ta không khéo trong việc kích cầu tiêu dùng thì sẽ thành kích cầu cho nước ngoài chứ không phải kích cầu cho doanh nghiệp Việt.

“Ngoài việc kích cầu, chúng ta còn có cung, phải làm sao cung được hàng hóa và hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ tăng tính cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, sản xuất được nhiều hơn, xuất khẩu nhiều hơn và cạnh tranh được trên chính thị trường trong nước. Khi đó, kích cung cũng là yếu tố quan trọng thay vì chỉ nhìn đến cầu hoặc chỉ nhìn đến chính sách tiền tệ.

Riêng với câu chuyện trầm lắng trên thị trường bất động sản có ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng, chúng ta đều thấy 1/5 dư nợ tín dụng của tổng tín dụng đâu đó nằm ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng làm cho thị trường bất động sản “nóng sốt” trở lại để tăng tín dụng; vì định hướng của Việt Nam là hướng tín dụng đến những ngành sản xuất kinh doanh và tạo động lực kinh tế cho đất nước, chứ không chỉ đi vào những kênh đầu tư đầu cơ như vậy”, vị chuyên gia phân tích.

Thu Hương

Tạp chí in số tháng 3/2024
Bạn đang đọc bài viết Tăng trưởng tín dụng: Kích cung, hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận