Tập đoàn, tổng công ty nhà nước... (Bài 2) Chuyển DNNN thành công ty cổ phần: VNPT lo tiến độ, hụt tài sản

28/05/2020, 07:00
báo nói -

TCDN - Theo kế hoạch, cuối năm 2020 Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc kiểm kê, phân loại tài sản, bàn giao công nợ và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp khiến tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp này ngày càng chậm.

kinh-doanh-vnpt

Khó xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản

Theo phản ánh của VNPT, hiện quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần đang làm khó doanh nghiệp viễn thông. Theo đó, tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định, “Khi nhận được quyết định thực hiện cổ phần hóa của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản, các nguồn vốn và quỹ doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng, đối chiếu và xác nhận công nợ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, đối với các tài sản chuyên ngành viễn thông (Vệ tinh Vinasat 1 và vệ tinh Vinasat 2; Các tuyến cáp biển quốc tế; Mạng ngoại vi; Thiết bị mạng chuyển mạch, thiết bị viễn thông khác; Các thiết bị đầu cuối của dịch vụ MyTV, Gphone, MegaVNN, FiberVNN và kênh thuê riêng) việc tiếp cận kiểm kê trực tiếp và đánh giá hiện trạng để xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản là rất khó khả thi, không thể thực hiện được toàn bộ số lượng thiết bị. Hoặc nếu thực hiện sẽ phát sinh khối lượng công việc, chi phí rất lớn, thời gian thực hiện kéo dài, không đáp ứng được thời gian quy định của quy trình cổ phần hóa tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP, ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa  theo chỉ đạo của Chính phủ.

Liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp, khoản 3 Điều 13 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP yêu cầu: “Khi cổ phần hóa Công ty  mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con, các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ phải thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp theo qui định tại Nghị định này. Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp của công ty con phải trùng với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp của công ty mẹ.”

Thực tế, số lượng ví điện tử của VNPT-Media là 345.500 ví và dự kiến sẽ tăng mạnh trong các năm tiếp theo. Việc đề nghị khách hàng đối chiếu, xác nhận số dư tiền trong từng ví điện tử là không khả thi, tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. Mặt khác, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động Trung gian thanh toán, việc quản lý ví điện tử bắt buộc phải đảm bảo từ hệ thống, con người và quy định đều rất chặt chẽ về việc bảo vệ thông tin và bảo mật hệ thống, dữ liệu hệ thống và tài khoản người dùng.

Mặt khác, VNPT cho rằng, công tác bàn giao các khoản công nợ không tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá kèm theo đầy đủ hồ sơ, các tài liệu liên quan cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam để xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 15, Nghị định 126/2017/NĐ-CP mất nhiều thời gian. Bởi các khoản nợ khó đòi đã xử lý của doanh nghiệp viễn thông có đặc điểm là giá trị của từng khách nợ nhỏ nhưng số lượng khách nợ lớn, số lượng hồ sơ  xử lý nợ rất lớn và đang được lưu giữ dàn trải khắp cả nước. Hiện nay, các đơn vị trực thuộc VNPT đang tiếp tục theo dõi để đôn đốc, thu hồi nợ cũng như rà soát hạn chế khách nợ đăng ký sử dụng dịch vụ VTCNTT khi chưa thanh toán hết công nợ.

Cho phép sử dụng các thông tin kiểm soát hoạt động tài sản

Để tạo thuận lợi cho công tác kiểm kê, phân loại tài sản VNPT đề nghị, Chính phủ xem xét bổ sung hướng dẫn kiểm kê, đánh giá hiện trạng đối với các tài sản chuyên ngành viễn thông, công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, cho phép VNPT được sử dụng các thông tin kiểm soát hoạt động tài sản gồm: Hệ thống giám sát, theo dõi trạng thái hoạt động của vệ tinh tại trạm điều khiển và khai thác vệ tinh Vinasat; Hệ thống giám sát, theo dõi tại trạm cập bờ đối với tuyến cáp biển; Hệ thống phần mềm quản lý đối với các  thiết bị viễn thông; Cơ sở dữ liệu của các giản đồ mạng cáp/hoặc dữ liệu của các phần mềm quản lý mạng cáp/hoặc dữ liệu của các file quản lý mạng cáp đối với mạng ngoại vi; Hệ thống theo dõi online đối với thiết bị đầu cuối tại địa chỉ của khách hàng… kết hợp với các thông tin trong sổ sách kế toán của VNPT tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, thay cho việc kiểm kê trực tiếp.

Đối với vướng mắc về kiểm kê tài sản, VNPT đề xuất xem xét, bổ sung quy định về đối chiếu số dư ví điện tử. VNPT kiến nghị được đối chiếu tổng số tiền dư nợ phải trả khách hàng về ví điện tử trên tài khoản công nợ với tổng số tiền trong ví điện tử được theo dõi trên hệ thống, dữ liệu trung gian thanh toán, không phải thực hiện đối chiếu, xác nhận số dư chi tiết từng ví điện tử với khách hàng.

Trong công tác xử lý nợ, VNPT kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy định như sau: “Đối với các khoản nợ khó đòi của khách hàng sử dụng dịch vụ VT-CNTT trả sau đã được xử lý bằng nguồn dự phòng trong vòng 05 năm liền kề trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện báo cáo danh sách khách hàng đã xử lý cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam, doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp tục quản lý hồ sơ khách hàng đã xử lý nợ để đôn đốc thu hồi nợ theo quy định, trường hợp thu hồi được nợ thì chuyển cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam.”

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Tập đoàn, tổng công ty nhà nước... (Bài 2) Chuyển DNNN thành công ty cổ phần: VNPT lo tiến độ, hụt tài sản tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan