Tập đoàn, tổng công ty nhà nước: Mỗi ông lớn kẹt một kiểu

27/05/2020, 07:00
báo nói -

TCDN - Sau gần 2 năm 19 tập đoàn, Tổng công ty nhà nước chuyển về "siêu Ủy ban", nhiều đơn vị, trong đó có 4 tập đoàn lớn là EVN, VNPT, TKV, PVN đang than gặp phải những khó khăn, vướng mắc ở khá nhiều khâu.

Bài 1: Vướng quy chế tài chính, EVN khó huy động vốn

Một số quy định liên quan đến huy động vốn, cầm cố tài sản và xác định chi phí khi tính thuế TNDN tại Nghị định 10/2017/NĐ- CP về Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang “trói” chặt EVN trong bối cảnh doanh nghiệp này có nhu cầu đầu tư lớn cho các dự án.

evn (1)

Nhu cầu vốn lớn nhưng “Quota” quá hẹp

Theo các quy định pháp lý chung tại Điều 23, Luật số 69/2014/QH13; Khoản 3, Điều 4, Nghị định 219/2013/NĐ-CP, Khoản 2, Điều 20 Nghị định 91/2015/NĐ-CP đối với việc vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả chỉ yêu cầu khoản vay của doanh nghiệp phải nằm trong hạn mức vay nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm.

Tuy nhiên, quy định riêng đối với EVN tại khoản 11, Điều 6, Nghị định 10/2017/NĐ- CP, EVN được trực tiếp vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ cho bên vay nước ngoài không vượt quá mức dự án nhóm B.

Từ đó, EVN cho rằng, trong thời gian tới, nhu cầu đầu tư cho các dự án là rất lớn, EVN dự kiến huy động một số khoản vay từ nguồn vốn nước ngoài không có bảo lãnh chính phủ và đều có giá trị khoản vay vượt mức dự án nhóm B.

Trong khi đó, đối với các khoản vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả vượt quá mức dự án nhóm B của EVN, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định các nội dung: cơ quan nào sẽ trực tiếp vay vốn nước ngoài, quy trình thực hiện để EVN có thể sử dụng các khoản vay vượt quá mức dự án nhóm B.

Để giải quyết nhu cầu vốn, EVN kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định cụ thể để làm cơ sở cho EVN triển khai thực hiện.

Một vấn đề khác, theo quy định tại Điều 25 Luật 69/2014/QH-13, doanh nghiệp được quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản cố định theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn; nhượng bán, thanh lý tài sản cố định đã hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, không có nhu cầu sử dụng, không sử dụng được hoặc sử dụng không hiệu quả để thu hồi vốn.

Thế nhưng, Nghị định 10/2017/NĐ-CP lại giới hạn hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản không vượt quá mức vốn của dự án nhóm B. Nghị định 10/2017/NĐ-CP cũng không quy định rõ ở mức nào cơ quan chủ sở hữu phải báo cáo thủ tướng. Cụ thể: khoản 2 Điều 15 Nghị định 10/2017/NĐ- CP quy định, Hội đồng thành viên EVN quyết định các hợp đồng cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản có giá trị dưới 50% vốn chủ sở hữu ghi trong báo cáo tài chính quý hoặc năm của EVN tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản nhưng giá trị còn lại của tài sản cho thuê, thế chấp, cầm cố không vượt quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công.

Trường hợp vượt quá mức quy định tại điểm này, Hội đồng thành viên EVN có trách nhiệm báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định. Trường hợp vượt thẩm quyền, cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thực tế, tài sản của EVN hình thành từ dự án là hệ thống gồm nhiều tài sản đơn lẻ kết hợp lại, khi vay vốn cho các dự án, thông thường các nhà tài trợ yêu cầu thế chấp tài sản hình thành bằng vốn vay. Do vậy, giá trị tài sản thế chấp có thể lớn hơn giá trị khoản vay. Như vậy, với các dự án vượt quá mức vốn của dự án nhóm B, Hội đồng thành viên sẽ không đủ thẩm quyền duyệt hợp đồng thế chấp khoản vay. Vì vậy, EVN đề xuất thực hiện như quy định tại Điều 25, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH-13).

Phát sinh chi phí nhưng không được tính thuế TNDN

Bên cạnh những vướng mắc trên, EVN còn gặp khó khăn trong xác định thuế TNDN. Khoản 4 Điều 25 Nghị định 10/2017/NĐ- CP quy định, chi phí hoạt động kinh doanh “Không tính vào chi phí sản xuất kinh doanh các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế để tính thuế TNDN”. Điều này khiến EVN gặp khó khăn khi phát sinh các chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không đủ điều kiện được trừ khi xác định thuế TNDN.

Trong khi đó, các quy định hiện hành cho phép chi phí kế toán khác chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN.

EVN cho rằng, cần bổ sung điều khoản cho phép doanh nghiệp chi các khoản liên quan đến hoạt động sả xuất, kinh doanh nhưng không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN thì loại trừ các chi phí này. Đồng thời, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định 10/2017/NĐ- CP theo hướng bỏ nội dung: “Không tính vào chi phí sản xuất kinh doanh các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế để tính thuế TNDN.”

Ngoài ra, EVN đang gặp vướng mắc trong việc xác định đối tượng cổ phần hóa theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

Hiện EVN đang xây dựng phương án chuyển các Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Công ty nhiệt điện Thái Bình thành công ty TNHH MTV, sau đó xây dựng kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định 852/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP dẫn đến mất nhiều thủ tục và thời gian.

Ngoài ra, theo tiêu chí về phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thì khâu phát điện không thuộc đối tượng nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nên việc chuyển thành công ty TNHH MTV có thể gặp khó khăn theo quy định pháp lý này.

EVN đề nghị Chính phủ bổ sung đối tượng cổ phần hóa trong Nghị định 126/2017/NĐ-CP bao gồm cả chi nhánh của doanh nghiệp (tương tự như trước đây, tại Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần có quy định đối tượng CPH là đơn vị hạch toán phụ thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước).

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Tập đoàn, tổng công ty nhà nước: Mỗi ông lớn kẹt một kiểu tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

EVNGENCO 2 sắp chào bán cổ phần
Ngày 19/5, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã công bố kết quả xác định giá trị cổ phần hóa của Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2) đạt gần 2 tỷ USD.