Tập huấn chế độ kế toán và chính sách thuế cho doanh nghiệp

19/09/2019, 11:13

TCDN - Vừa qua, tại thị xã Kỳ Anh - Hà Tĩnh, Công ty TNHH Tư vấn tài chính và kế toán FAC phối hợp với Cục Thuế Hà Tĩnh tổ chức tập huấn về chế độ kế toán và chính sách thuế cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Hơn 100 kế toán và giám đốc các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh lớn trên địa bàn thị xã Kỳ Anh được bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) và bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Chủ Tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH tư vấn tài chính và kế toán FAC phổ biến các chính sách thuế mới có hiệu lực từ năm 2019 và một số lưu ý trong kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); thực hiện hóa đơn điện tử…

Bên cạnh cập nhật các nội dung mới của Luật Quản lý thuế số 38/QH14/2019, bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, trong quá trình thực thi chính sách thuế, các doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, theo quy định của Nghị định 20/2017/NĐ-CP, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khúc mắc khi thực hiện quy định này.

Theo đó, Tổng cục Thuế vừa có công văn số 3002/TCT-DNL ngày 1/8/2019 làm rõ một trong những khúc mắc này về việc xác định chi phí lãi vay được trừ theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP trong năm tài chính 2017 như sau: Chỉ áp dụng đối với chi phí lãi vay phát sinh từ ngày 1/5/2017 trở đi, không phân biệt hợp đồng vay được ký kết trước hay sau ngày 1/5/2017.

Công văn 3002/TCT-DNL hướng dẫn trường hợp NNT hạch toán theo dõi riêng được KQ KD từ 01/5/2017 đến hết năm tài chính, các chỉ tiêu để tính “Tổng lợi nhuận thuần từ HĐKD cộng chi phí lãi vay, CPKH trong kỳ” được xác định theo số liệu phát sinh thực tế.

Trường hợp NNT không hạch toán theo dõi riêng được KQKD từ ngày 01/5/2017 đến hết năm TC thì các chỉ tiêu để tính “Tổng lợi nhuận thuần từ HĐKD cộng chi phí lãi vay, CPKH trong kỳ” được phân bổ tương ứng với số tháng còn lại của năm tài chính kể từ ngày 01/5/2017.

Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết thêm, những kiến nghị về chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP đã được Tổng cục Thuế nghiên cứu tổng hợp để tham mưu với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo sửa Nghị định 20/2017/NĐ-CP,trong đó có nội dung sửa đổi khoản 3, Điều 8.

Về việc áp dụng hóa đơn điện tử, đại diện VTCA chia sẻ, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2018 nêu rõ, cơ sở kinh doanh và cơ quan thuế có thời hạn 24 tháng từ ngày 11/1/2018 đến ngày 11/1/2020 để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và con người để áp dụng HĐĐT theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP. Trong thời gian từ 1/11/2018 đến ngày 31/10/2020, các ND 51/2010/NĐCP và 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn hiệu lực thi hành.

Hơn nữa, Chương X,Luật Quản lý thuế số 38/QH14/2019 cũng quy định về việc áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử. Tại Điều 151 quy định hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022; khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tửcủa Luật này trước ngày 01/7/2022.

Lưu ý doanh nghiệp về thuế TNDN, bà Nguyễn Thị Thúy Nga nhấn mạnh, thuế TNDN được tạm nộp theo quý (không phải kê khai hàng quý), doanh nghiệp thực hiện tự tạm nộp, tự kê khai quyết toán và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về số thuế TNDN phải nộp NSNN. Doanh nghiệp phải tự xác định đối tượng được ưu đãi thuế TNDN hay không, Thuế suất ưu đãi đối với dự án cụ thể của doanh nghiệp được hưởng.

Cơ quan thuế không có trách nhiệm quyết toán thuế với  doanh nghiệp mà thực hiện chức năng tuyên truyền, hỗ trợ và thanh kiểm tra theo quy định, trong đó có nội dung xác định số liệu quyết toán thuế TNDN của doanh nghiệp so với Luật thuế quy định.

Đặc biệt, việc quyết toán thuế không chính xác sẽ dẫn đến một số rủi ro. Đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn: Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định trên là 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm cao hơn so với mức quy định của pháp luật về thuế.

Trường hợp vi phạm theo quy định trên thì ngoài việc bị xử phạt theo quy định là 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu tại còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế nợ, số tiền thuế thiếu, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

Cơ quan thuế xác định số tiền thuế thiếu, số ngày chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế; số tiền phạt và ra quyết định xử phạt đối với người nộp thuế.

Ngọc Thủy
Bạn đang đọc bài viết Tập huấn chế độ kế toán và chính sách thuế cho doanh nghiệp tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận