Tập trung hỗ trợ phía cầu - "Chìa khóa" kích thích dòng vốn cho doanh nghiệp

13/02/2024, 08:59
báo nói -

TCDN - Nhu cầu vốn của doanh nghiệp năm 2024 sẽ tốt hơn. Để thúc đẩy vốn ra nền kinh tế, các giải pháp cần tập trung về phía cầu, hỗ trợ cho doanh nghiệp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, giải quyết bài toán kích cầu nội địa, xuất khẩu.

3-2

Doanh nghiệp chủ động hơn trong tiếp cận vốn

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, để đẩy vốn tín dụng ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước đang thúc giục các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay thêm cần có thời gian, bởi từ lãi suất điều hành “ngấm” sang lãi suất thương mại luôn có độ trễ. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại trong giai đoạn cuối năm ngoái, đầu năm nay huy động vốn vào quá cao, nếu hạ lãi ngay thì ngân hàng sẽ lỗ nặng dù rất muốn cho vay.

“Để thúc đẩy tín dụng, cần phải chung sức, đồng lòng của nhiều phía. Nếu hệ thống lành mạnh, năm sau, có thể Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành thêm nữa. Hy vọng các ngân hàng thương mại có thể cố gắng giảm lãi suất cho vay ngoài các gói ưu đãi của Chính phủ” - TS. Võ Trí Thành cho hay.

3-3

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nhiều hơn. Ví dụ, hiện nay, khẩu vị của các ngân hàng khác nhau, có nơi thiên về doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nơi thiên về bất động sản…, doanh nghiệp nên tìm hiểu các khẩu vị này để tiếp cận vốn thuận lợi hơn.

Lý giải nguyên nhân tín dụng ngân hàng tăng thấp, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh, có 4 nguyên nhân chính gồm bối cảnh chung khó khăn hơn; khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn của bên vay thấp hơn; năng lực hấp thụ vốn của cả doanh nghiệp và hộ gia đình ở mức thấp; nhu cầu tín dụng giảm ở một số lĩnh vực lâu nay dựa nhiều vào vốn ngân hàng, hay trái phiếu doanh nghiệp như bất động sản, công nghiệp, tiêu dùng…

Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh room tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 15%, song tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng và nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, Chính phủ cần lưu ý rút ngắn độ trễ chính sách, để chính sách tác động nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ thực thi hoàn thuế VAT, các chính sách giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất; sớm xem xét giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp; xem xét chuyển phần còn lại của Chương trình phục hồi (nhất là cấu phần hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất…) sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội để có thể cho vay lãi suất thấp và nguồn vốn mồi bền vững…

Ngoài ra, cần tiếp tục tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc của doanh nghiệp; gia tăng nguồn lực cho các tổ chức tín dụng. Ví dụ cho phép các ngân hàng thương mại có sở hữu nhà nước giữ lại lợi nhuận nhà nước hàng năm để tăng vốn hỗ trợ nền kinh tế; phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn…

Về phía các tổ chức tài chính, cần chủ động rà soát để linh hoạt hơn trong việc áp dụng (không phải là hạ chuẩn) các điều kiện tín dụng; quyết liệt đơn giản hóa quy trình, thủ tục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số…

Về phía doanh nghiệp, cần quyết tâm cơ cấu lại, giảm chi phí; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm sử dụng vốn; đồng thời, đa dạng hóa nguồn vốn, tránh chỉ phụ thuộc vào một nguồn tín dụng…

Nhu cầu vốn năm 2024 sẽ tốt hơn

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh nhận định, động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam là cỗ xe tam mã, trong đó có xuất khẩu, nên chỉ cần động lực xuất khẩu quay trở lại, nhu cầu tín dụng sẽ tăng trưởng, thậm chí là đi trước tăng trưởng kinh tế do doanh nghiệp có đơn hàng nên cần vốn sản xuất, kinh doanh.

Với nhu cầu tiêu dùng trong nước, dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn e dè, phòng thủ vì không biết trước kinh tế thế giới sẽ diễn biến như thế nào. Do đó, phải đợi đến khi cầu thế giới tăng thì nhu cầu trong nước mới tăng theo.

3-4

Trong kịch bản tích cực như trên, nhu cầu vốn của doanh nghiệp năm 2024 sẽ tốt hơn năm nay. Nhìn chung, để thúc đẩy vốn ra cho nền kinh tế thì về phía cung, Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Khi chi phí vốn rẻ, doanh nghiệp cũng có động lực hơn cho sản xuất, kinh doanh.

Năm 2024, các giải pháp cần tập trung về phía cầu nhiều hơn là phía cung, vì sự hỗ trợ của Chính phủ về phía cung thời gian qua đã đủ, nên chúng ta cần tập trung giải quyết bài toán làm thế nào để kích cầu nội địa, kích cầu xuất khẩu. Đây sẽ là “chìa khoá” để kích thích dòng vốn chảy ra nền kinh tế.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2023 đạt khoảng 13,5%. Con số này cho thấy tăng trưởng tín dụng không phải là thấp. Tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế, nếu sang năm 2024, tình hình tăng trưởng kinh tế phục hồi tốt thì sẽ đẩy được vốn ra cho nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nếu GDP năm sau tăng trưởng như dự báo là 6 - 6,5% thì tín dụng phải tăng lên khoảng 14 - 15%, nhưng trong trường hợp kinh tế chỉ tăng trưởng 5 - 5,5%, tăng trưởng tín dụng khoảng 10% cũng là tốt. Bởi khi kinh tế vẫn còn yếu, việc cố gắng bơm vốn và thúc đẩy tín dụng sẽ gặp nhiều rủi ro về nợ xấu và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tài chính.

3-1

Do đó, chỉ có cách duy nhất là kéo nền kinh tế đi lên thì vốn mới được đẩy ra nền kinh tế và bản thân các ngân hàng cũng an tâm hơn để cung cấp tín dụng. Trong năm 2024, để tăng nhu cầu hấp thụ vốn, cần tập trung kích thích tiêu dùng trong nước. Khi tiêu dùng tăng, doanh nghiệp có thể cần vay mượn vốn để mở rộng sản xuất hoặc cải thiện dịch vụ. Điều này dẫn đến tăng cầu tín dụng từ phía ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy đầu tư công cũng giúp tổng cầu của nền kinh tế đi lên, kích thích các doanh nghiệp gia nhập thị trường nhiều hơn, góp phần duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Cuối cùng là, Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, miễn giảm cho doanh nghiệp, cụ thể là về thuế, phí sẽ giúp doanh nghiệp có động lực tích cực hơn tham gia sản xuất - kinh doanh, từ đó làm tăng nhu cầu huy động vốn.

Đức Hải

Tạp chí in số tháng 1+2/2024
Bạn đang đọc bài viết Tập trung hỗ trợ phía cầu - "Chìa khóa" kích thích dòng vốn cho doanh nghiệp tại chuyên mục Số đặc biệt Xuân Giáp Thìn 2024 của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899