Tham gia các sàn thương mại điện tử: Sản xuất sản phẩm độc quyền, giá trị cao

18/05/2023, 16:32
báo nói -

TCDN - Trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những lĩnh vực kinh tế sáng nhất, tăng trưởng quý 1 trên 22% so với cùng kỳ và cả năm có thể đạt trên 25%.

8-1

Dự báo năm 2023 đạt quy mô trên 20 tỷ USD

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam ước tính năm 2022 quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021. Năm 2023, đơn vị này ước tính thương mại điện tử Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm tổng sản phẩm trong nước tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3%. Hai ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 26,0%, ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,1%.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, những khó khăn lớn của nền kinh tế từ giữa năm 2022 đã kéo dài sang quý 1 và có thể đến hết năm 2023. Trong khó khăn đó, thương mại điện tử của quý 1 tăng trưởng trên 22% so với cùng kỳ và cả năm vẫn có thể đạt trên 25%.

Như vậy, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những lĩnh vực kinh tế sáng nhất, tăng trưởng nhanh và ổn định nhất. Tuy nhiên, khi so sánh mức trung bình toàn cầu và đặc biệt là so với Trung Quốc thì các tỷ lệ trên còn rất thấp. Năm 2022 tại Trung Quốc bán lẻ hàng hoá trực tuyến chiếm 27,2% toàn bộ doanh số bán lẻ hàng hoá, gấp đôi tỷ lệ này của năm 2016 và cao hơn tỷ lệ 24,5% của năm 2021.

Điều này cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam dù phát triển với tốc độ cao nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu. Tiềm năng cho sự phát triển thương mại điện tử còn rất lớn, các chuyên gia nhận xét.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội là những nét nổi bật của ngành thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 và quý 1/2023. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội.

Ngoài ra, số lượng lao động trong doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các công cụ như Zalo, WhatsApp, Viber hay Facebook Messenger cũng liên tục tăng qua từng năm.

Bán hàng trên các mạng xã hội cũng được đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất, vượt qua các hình thức khác như website hay ứng dụng của doanh nghiệp cũng như sàn thương mại điện tử. Nổi bật nhất là sự ra đời và tăng trưởng mạnh mẽ của Tiktok Shop. Kinh doanh trên nền tảng này đang tạo sức hút rất lớn đối với đông đảo thương nhân trên cả nước.

Hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng ổn định. Kết quả khảo sát của Vecom cho thấy, năm 2022 có 23% doanh nghiệp bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.Còn theo Công ty Cổ phần Khoa học Dữ liệu Metric, tổng doanh số của bốn sàn thương mại điện tử hàng đầu cùng với Tiktok Shop lên tới 141.000 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD). Shopee và Lazada là hai sàn thương mại điện tử lớn nhất, trong khi đó dù mới hoạt động từ giữa năm 2022 nhưng Tiktok Shop đã trở thành nền tảng thương mại điện tử bán lẻ lớn thứ 3 tại Việt Nam.

Bên cạnh các nền tảng thương mại điện tử bán lẻ đã xuất hiện những nền tảng công nghệ dữ liệu B2B kết nối các nhà bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ với các nhà sản xuất hoặc bán buôn trên nền tảng tập trung. Bằng cách tổng hợp nhu cầu, các nền tảng có thể cung cấp cho các nhà bán lẻ nhỏ nhiều lựa chọn hơn, giá tốt hơn và hậu cần hiệu quả hơn.

Điển hình trong đó là nền tảng hỗ trợ nhà bán lẻ quy mô nhỏ của Telio Việt Nam. Năm 2022 doanh số trên nền tảng này lên tới gần 300 triệu USD với tốc độ tăng trưởng 140% so với năm trước và có trên 40.000 khách hàng ở nhiều địa phương. Trong 3 tháng đầu năm 2023 doanh số và khách hàng của Telio tăng trưởng 120% và 25% so với cùng kỳ.

Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp nhỏ vẫn là thách thức

Ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, đại lý ủy quyền của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam cho biết, sự chuyển dịch nền kinh tế số và xu hướng mua sắm trong và sau đại dịch cùng với việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế đã góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển tại Việt Nam.

"Trước kia nếu việc kinh doanh cần phải mở cửa hàng ở khu phố hay các hệ thống đại lý thì bây giờ chúng ta có thể trực tiếp lên Internet mở các “trung tâm thương mại”. Chỉ có Internet mới tạo ra được sàn giao dịch lên đến hàng triệu doanh nghiệp, hàng tỷ sản phẩm và lượng khách hàng khổng lồ. Nhiều doanh nghiệp có doanh số tăng lên đến 70-80% khi tham gia các sàn thương mại quốc tế”, ông Toản nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập và CEO KardiaChain, cho biết, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp sẽ nâng cao giá trị của sản phẩm, tiết kiệm được thời gian và chi phí vận hành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.

Nói về tiềm năng phát triển thị trường phát triển thương mại điện tử trong nước, ông Lê Văn Tòng, Trưởng ban kinh doanh trực tuyến Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), chia sẻ, đối tượng khách hàng hiện nay chủ yếu là nữ và đang ngày càng trẻ hóa, người mua hàng online tại sàn Coop trung bình mua tổng giá trị sản phẩm cao hơn 2,4% so với việc mua hàng trực tiếp từ các đại lý, siêu thị. Điều đã này chứng tỏ được sức hút của thương mại điện tử trong việc mua sắm, tiêu dùng ngày nay.

“Hiện nay 70% dân số Việt Nam tiếp cận Internet và đa phần là người trẻ trong thế hệ Gen Z, đến năm 2050 Gen Z chính là đối tượng tiêu dùng chính và mua sắm chính, đây chính tiềm lớn trong việc phát triển”, ông Tòng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thương mại điện tử còn gặp thách thức trong việc nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc hiểu được tầm quan trọng và cách thức triển khai. Ngoài ra, việc để những người mua sắm lớn tuổi tìm đến các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử cũng là những khó khăn đối với doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp cần tiếp cận và hỗ trợ khách hàng quen dần với việc mua sắm online, đi từ những mô hình nhỏ đến lớn hơn. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa việc tham gia sàn thương mại điện tử cần theo dõi xu hướng của thị trường, sẵn sàng chấp nhận thất bại từ sự thay đổi trong cách thức kinh doanh”, ông Tòng nói.

Để tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận thương mại điện tử, ông Trần Đình Toản nhận định, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư sản phẩm có tiềm tiềm năng xuất khẩu, giá cả cạnh tranh. Cần đầu tư một cách bài bản, xây dựng hệ thống kênh bán hàng chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đồng quan điểm, ông Huy Nguyễn khuyến nghị, doanh nghiệp cần sáng tạo hơn trong việc thiết kế và sản xuất sản phẩm. Việc xây dựng hình ảnh sản phẩm bằng những hình thức độc đáo là một ý tưởng giúp sản phẩm của doanh nghiệp thu hút người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử.

“Đối với khách hàng quốc tế, doanh nghiệp có thể chuyển đổi sang những sản phẩm độc quyền, hướng tới việc sản xuất ít nhưng giá trị cao. Dự đoán, những sản phẩm tiềm năng trong tương lai sẽ là sản phẩm mang đặc trưng riêng như giày dép, đồ thủ công mỹ nghệ,… các sản phẩm được đầu tư về chất lượng và mang tính đặc trưng của từng doanh nghiệp”, ông Huy Nguyễn nói thêm.

Phương Anh

Tạp chí in số tháng 5/2023
Bạn đang đọc bài viết Tham gia các sàn thương mại điện tử: Sản xuất sản phẩm độc quyền, giá trị cao tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899