Thanh Hóa trên đường trở thành "thủ phủ" khu công nghiệp phía Bắc
TCDN - Với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, thu hút được hàng loạt “ông lớn” thế giới và trong nước đã lựa chọn làm nơi rót vốn đầu tư thời gian gần đây. Thanh Hóa đang ngày càng thay đổi, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, công nghiệp mới của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Điểm mặt các “ông lớn” dừng chân tại Thanh Hóa thời gian gần đây
Trong năm 2021, dù đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp nhưng Thanh Hóa vẫn duy trì nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của chính quyền địa phương cũng như mở cửa chào đón những nhà đầu tư quốc tế. Đặc biệt, Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị cũng góp phần định hướng chính sách mở của của tỉnh. Nhờ đó, không ít thương hiệu nổi tiếng thế giới đã lựa chọn Thanh Hóa để rót vốn đầu tư. Nhiều nhà đầu tư được coi là những cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực của mình, chứng tỏ sức hút của Thanh Hóa ngày càng được nâng cao trong mắt giới đầu tư nước ngoài.
Ngay từ tháng 01/2021, tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử Foxconn (Mỹ) đã có chuyến công tác đến Thanh Hóa. Được biết, diện tích đầu tư mà Foxconn nhắm đến sẽ rộng từ 100 - 150 ha với số vốn 1,3 tỷ USD. Chỉ sau đó ít ngày, tập đoàn AVG Capital Partners (Liên Bang Nga) đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Thanh Hóa để triển khai dự án Tổ hợp chế biến thịt lợn với quy mô đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD.
Đến tháng 03/2020, tập đoàn WHA Industrial Development PLC (Thái Lan) cũng đặt vấn đề về dự án hơn 300 triệu USD tại Thanh Hóa. Chỉ tính đến tháng 3-2021, Thanh Hóa đã thu hút được 159 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 14,53 tỷ USD. Sự xuất hiện của những nhà đầu tư lớn cùng số vốn khổng lồ chính là minh chứng lớn nhất cho việc Thanh Hóa đang đi đúng hướng trong việc thu hút vốn đầu tư.
Theo thông tin từ Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, trên địa bàn các tỉnh miền Trung hiện có 2.151 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 60,77 tỷ USD. Trong đó, nhiều nhà đầu tư đến tử Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc,...
Ngoài các nhà đầu tư tên tuổi nước ngoài, một số nhà đầu tư hàng đầu trong nước cũng góp mặt với loạt dự án nghìn tỷ ở Thanh Hoá. Trong đó, phải kể đến Sun Group khởi công dự án khoáng nóng 7.000 tỷ đồng tại huyện Quảng Xương; Công ty Cổ phần Flamingo Holding Group góp mặt tại Thanh Hoá trong dự án Flamingo Hải Tiến tại huyện Hoằng Hoá, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.350 tỷ đồng, được cho là sẽ góp phần làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của ngành du lịch Thanh Hóa và nâng tầm thương hiệu biển Hải Tiến; Dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân của Tập đoàn T&T, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.350 tỷ đồng; Dự án tổ hợp du lịch Hải Hòa của công ty Cổ phần Hiền Đức Group với tổng vốn đầu tư hơn 2000 tỷ đồng... Từ đó có thể thấy được sức hút của Thanh Hoá với các Nhà đầu tư trong thời gian gần đây, báo hiệu một giai đoạn phát triển vượt bậc của Thanh Hoá đang diễn ra.
Phát triển công nghiệp, du lịch là hướng đi trọng tâm
Thanh Hoá hiện nay là tỉnh có dân số lớn đứng thứ ba, diện tích đứng thứ 5 cả nước, với 4 khu công nghiệp là khu công nghiệp Lễ Môn, khu công nghiệp Đình Hương – Tây Bắc Ga, khu công nghiệp Hoàng Long và khu công nghiệp Bỉm Sơn. Ngoài ra, Thanh Hoá có đường bờ biển dài, với nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Tiên Trang, Bãi Đông, Hải Hoà... từ các yếu tố đó có thể thấy phát triển công nghiệp, du lịch là hướng đi khai thác đúng thế mạnh, tiềm năng hiện có của Thanh Hoá.
Những con số ấn tượng về vốn đầu tư FDI của Thanh Hóa không chỉ là thành quả mà còn là động lực để tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bắt đầu kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Nối tiếp những thành công của năm 2021 và thực hiện tầm nhìn được Bộ Chính trị nêu rõ trong Nghị quyết số 58-NQ/TW, việc phát triển khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn tỉnh là vô cùng cấp thiết.
Bên cạnh các khu công nghiệp hiện có, Thanh Hóa sẽ phát triển thêm 19 khu công nghiệp mới theo Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, các khu công nghiệp mới dự kiến sẽ nằm gần các giao lộ, tuyến đường huyết mạch và các khu vực nhiều tiện ích nhằm xây dựng thêm các khu đô thị, trung tâm nghiên cứu phát triển để kiến tạo môi trường sống và làm việc cho các chuyên gia, người lao động.
Ngoài việc phát triển khu công nghiệp mới, tỉnh Thanh Hóa cũng cần chú trọng phối hợp với các chủ đầu tư khu công nghiệp để nâng cao hiệu quả quản lý nhân sự. Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều công nhân mất việc, giảm lương, đồng thời cũng đẩy nhiều doanh nghiệp vào khủng hoảng nhân sự. Vì vậy, công tác tuyển dụng, đào tạo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là phương án hiệu quả để xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện cũng như tạo mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nhân sự. Nếu xảy ra trường hợp dịch bệnh hoặc thiếu hụt nhân sự, công ty có thể chủ động liên lạc để không rơi vào cảnh thiếu người làm.
Ngoài ra, công tác quản lý nhân sự cũng sẽ góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động của các khu công nghiệp, giúp khách hàng hài lòng khi sử dụng dịch vụ. Trên thế giới, nhiều khu công nghiệp đã tham gia quản lý nhân sự và thu được hiệu quả cao, do đó, chủ đầu tư khu công nghiệp Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng cũng có thể tiếp bước để khởi sắc hơn trong việc thu hút vốn đầu tư.
Song song với phát triển công nghiệp, ngành du lịch Thanh Hoá cũng đặt mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, đón 16.000.000 lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 7,4%/năm, tổng thu từ du lịch 45.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 17,3%/năm.
Các định hướng phát triển về không gian lãnh thổ và khai thác tài nguyên du lịch trọng điểm được xác định là: Cụm thành phố Thanh Hóa – Sầm Sơn – Hoằng Hóa – Quảng Xương (hoạt động du lịch tại cụm này gắn với du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch đô thị, du lịch tìm hiểu lịch sử - cách mạng, du lịch tìm hiểu khảo cổ - lịch sử); cụm Nghi Sơn – Như Thanh – Như Xuân kết nối với tỉnh Nghệ An (hoạt động du lịch ở khu vực này gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế biển đảo Nghi Sơn, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng rừng ở vườn Quốc gia Bến En); cụm Yên Định – Thiệu Hóa – Triệu Sơn – Thọ Xuân (hạt nhân của cụm này là Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, du lịch di sản); cụm Vĩnh Lộc – Thạch Thành – Hà Trung – Nga Sơn kết nối với Ninh Bình (hạt nhân là Di sản thế giới Thành Nhà Hồ trong mối liên kết vùng với tỉnh Hòa Bình để phù hợp với động lực kinh tế phía Bắc); cụm Thường Xuân – Ngọc Lặc – Cẩm Thủy (hạt nhân của cụm này là Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên và suối cá Cẩm Lương, du lịch sinh thái và du lịch di sản); cụm Bá Thước – Quan Sơn – Quan Hóa kết nối tỉnh Hủa Phăn (hạt nhân của cụm này là Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông; phát triển loại hình du lịch cộng đồng trong mối liên kết quốc tế với tỉnh Hủa Phăn, Lào, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch khu vực cửa khẩu quốc tế Na Mèo).
Năm 2022 đã đến mang theo nhiều lạc quan về công tác kiểm soát dịch bệnh, khôi phục kinh tế. Là địa phương dẫn đầu kinh tế tại miền Trung, Thanh Hóa chắc chắn sẽ tận dụng được “thiên thời” để hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899