Thanh long Bình Thuận được cấp "giấy thông hành" vào thị trường Nhật Bản

11/10/2021, 19:03

TCDN - Sau gần 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Nhật Bản, Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Thanh long Bình Thuận" với số đăng ký 110.

Thanh long Bình Thuậnlà nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Việc bảo hộ tại thị trường khó tính như Nhật Bản đã mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Việt Nam ở nhiều thị trường khác, đặc biệt là những "thị trường khó tính. Từ đây cũng cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu.

Thông tin công bố về chỉ dẫn số 110 của Nhật Bản cấp cho sản phẩm thanh long Bình Thuận, đăng tải tại Cổng thông tin của Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản.

Thông tin công bố về chỉ dẫn số 110 của Nhật Bản cấp cho sản phẩm thanh long Bình Thuận, đăng tải tại Cổng thông tin của Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản.

Quả thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa vào ngày 15/11/2006 theo Quyết định số 786/QĐ-SHTT. Ngày 8/7/2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND kèm theo Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long.

Hiện Thanh long Bình Thuận đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ là chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT, hình” đã đăng ký và được bảo hộ tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan…

Vốn nổi tiếng là một thị trường khó tính, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản vô cùng phức tạp. Vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện việc hỗ trợ qua hai con đường: hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy nhanh quá trình này.

Trong quá trình đó, việc đăng ký các sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được bảo hộ ở Nhật Bản gặp một số khó khăn. Có thể kể đến tiêu chí, tiêu chuẩn và các quy định kỹ thuật của họ rất chi tiết và tương đối cao đối với Việt Nam. Cái khó nhất trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký là yêu cầu chứng minh lịch sử sản xuất sản phẩm (chứng minh đặc tính của sản phẩm được tạo ra từ phương pháp sản xuất đã được duy trì ổn định trong ít nhất 25 năm).

Bích Thảo
Bạn đang đọc bài viết Thanh long Bình Thuận được cấp "giấy thông hành" vào thị trường Nhật Bản tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Được đánh giá 5 sao, thanh long Việt Nam rộng đường vào Úc
Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, không những đáp ứng các điều kiện nhập khẩu về an toàn sinh học hàng đầu thế giới, thanh long Việt Nam được người tiêu dùng xứ sở chuột túi đánh giá xếp loại 5 sao và đang được đón chào tại Úc.