Thanh tra Chính phủ: Hai dự án cao tốc Bắc - Nam bị chậm là do chủ đầu tư

04/10/2023, 14:15
báo nói -

TCDN - Trách nhiệm chính dẫn đến việc chậm cung cấp vật liệu san lấp cho Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ thuộc về chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án 7).

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra số 1896/KL-TTCP về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số tỉnh khu vực phía Nam cung cấp cho dự án giao thông quan trọng quốc gia.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Theo đó, đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (vật liệu san lấp) cho 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2022.

Các dự án gồm: Dự án thành phần cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; Dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu của UBND các tỉnh: Bình Thuận, Đồng Nai và Đồng Tháp.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, theo quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025- 2030, trữ lượng vật liệu san lấp cao hơn nhiều so với nhu cầu của 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; cầu Mỹ Thuận và đường dẫn 2 đầu cầu.

Đáng chú ý, 2 Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây liên tục bị thiếu nguồn cung vật liệu do phần lớn trữ lượng vật liệu san lấp thuộc khu vực quy hoạch (chưa được cấp phép hoạt động) hoặc các khu vực mỏ vật liệu san lấp đang hoạt động (đã được cấp phép trước đây) có trữ lượng và công suất được phép khai thác quá thấp so với nhu cầu của dự án (công suất khai thác tại tỉnh Bình Thuận đạt 1,054 triệu m3/năm; tại tỉnh Đồng Nai chỉ đạt 60.334 m3/năm).

Trong khi đó, nhu cầu vật liệu đất đắp tại Dự án thành phần cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết là 9,2 triệu m3 trong vòng 2 năm; nhu cầu vật liệu đất đắp tại Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là 3,91 triệu m3 trong vòng 2 năm.

Nguyên nhân chính, về chủ quan, là do khâu khảo sát, đánh giá tình hình của đơn vị tư vấn chưa kỹ càng, không xác định đầy đủ tính pháp lý của khu vực dự kiến cung cấp vật liệu cho các dự án.

Tình trạng phổ biến là khi khảo sát, đơn vị tư vấn đánh giá các mỏ vật liệu đạt yêu cầu về chất lượng, nhưng sau khi công trình được khởi công, thì nhà thầu xác định không đảm bảo chất lượng để sử dụng làm vật liệu thi công, dẫn đến việc chủ đầu tư phải tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện các thủ tục bổ sung quy hoạch khoáng sản; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, cấp phép khai thác khoáng sản và thực hiện các thủ tục đất đai để được khai thác khoáng sản theo quy định.

Tất cả các quy trình trên dù đã được áp dụng các cơ chế đặc thù của Quốc hội và Chính phủ, nhưng vẫn mất rất nhiều thời gian, khiến ngay trong giai đoạn thi công nước rút, nhà thầu vẫn phải “tắt máy” chờ vật liệu.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, trách nhiệm chính dẫn đến việc chậm cung cấp vật liệu san lấp cho Dự án thành phần cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chủ yếu thuộc về chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án 7); đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế, dự toán; các nhà thầu trúng thầu thi công dự công trình.

Viết Dinh
Bạn đang đọc bài viết Thanh tra Chính phủ: Hai dự án cao tốc Bắc - Nam bị chậm là do chủ đầu tư tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Mở rộng cao tốc Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai về việc đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe.